Thông qua Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội

- Thứ Hai, 22/02/2021, 18:20 - Chia sẻ
Chiều 22.2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 887 – NQ/UBTVQH12 về việc ban hành Quy chế quản lý khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp

Bổ sung Đoàn Đại biểu Quốc hội là chủ thể tham gia hoạt động khoa học

Trình bày Tờ trình về việc xây dựng dự thảo Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, so với Quy chế quản lý khoa học hiện hành, dự thảo Quy chế mới có một số sửa đổi, bổ sung chính như: Sửa đổi tên và phạm vi điều chỉnh của Quy chế cho phù hợp với quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và đặc thù hoạt động nghiên cứu và quản lý khoa học của Quốc hội. Trong đó, bổ sung Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng là chủ thể tham gia hoạt động khoa học vì trên thực tế, trong những năm qua có nhiều ĐBQH từ các Đoàn ĐBQH tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học của Quốc hội và có những đóng góp tích cực vào hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ quan của Quốc hội. Bổ sung một số hình thức thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ mới, như: các hoạt động khoa học chung; đề tài, đề án khoa học cấp bộ đột xuất, trọng điểm, dự án điều tra cơ bản kinh tế - xã hội, nhiệm vụ bảo vệ môi trường…nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ trong thực tiễn, khắc phục những vướng mắc, bất cập về vấn đề này trong thời gian qua.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển Trình bày Tờ trình tại Phiên họp

Dự thảo Quy chế quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện đối với Chủ nhiệm chương trình, Chủ nhiệm các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ và cấp cơ sở cũng như xác định rõ những trường hợp không được đăng ký đề tài/đề án. Dự thảo Quy chế đã quy định cụ thể, chi tiết trách nhiệm của từng chủ thể tham gia vào quá trình thực hiện đề tài như: trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH, Văn phòng Quốc hội; Viện Nghiên cứu lập pháp; Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Trách nhiệm của Tổ chức chủ trì và Chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học phù hợp với đặc thù hoạt động khoa học trong các cơ quan Quốc hội…

Dự thảo có nhiều quy định mới nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý khoa học, như: quy định cụ thể trách nhiệm của Viện Nghiên cứu lập pháp, của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong xây dựng định hướng nghiên cứu khoa học dài hạn trong các cơ quan Quốc hội để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê duyệt; quy định rõ hơn về thành phần, quy trình, thủ tục tuyển chọn, giao trực tiếp các nhiệm vụ khoa học; quy định cụ thể thời điểm, nội dung, thủ tục kiểm tra tiến độ và đánh giá giữa kỳ; tăng số lượng các nhà khoa học tham gia vào các hội đồng tự đánh giá thực hiện nhiệm vụ và nghiệm thu sơ bộ, Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu và đổi mới cách thức chấm điểm các nhiệm vụ khoa học; quy định rõ những trường hợp được khen thưởng; những trường hợp không đủ điều kiện đăng ký thực hiện, tham gia các hoạt động khoa học… phù hợp với quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật về khoa học và công nghệ; rút ngắn thời gian thực hiện đề tài cấp bộ so với quy định hiện hành.

Chỉnh lý thêm về kỹ thuật văn bản

Báo cáo ý kiến của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về dự thảo Quy chế Quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đánh giá cao nỗ lực của Viện Nghiên cứu lập pháp trong nghiên cứu và chuẩn bị hồ sơ dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 887/NQ-UBTVQH12 ngày 5.3.2010 của UBTVQH về Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu tại Phiên họp

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đánh giá, hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, các văn bản pháp luật của Nhà nước, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, những nội dung đề xuất sửa đổi cho phù hợp với pháp luật hiện hành.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 887/NQ-UBTVQH12 với những lý do nêu trong Tờ trình của Viện Nghiên cứu lập pháp; cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Nghị quyết và Quy chế. Tuy nhiên, do hồ sơ dự thảo Nghị quyết gửi dến cơ quan thẩm tra còn chậm, chưa đủ thời gian cần thiết để nghiên cứu kỹ lưỡng nên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, cần rà soát kỹ hơn, chỉnh lý thêm về kỹ thuật văn bản trên cơ sở quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ và hoạt động đặc thù của các cơ quan của Quốc hội.

Tại Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giao Viện Nghiên cứu lập pháp rà soát kỹ dự thảo Quy chế để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký ban hành.

Hoàng Ngọc