Thu hẹp nhanh khoảng cách vùng miền

- Thứ Hai, 19/07/2021, 06:20 - Chia sẻ
Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Quảng Ninh thống nhất thông qua Nghị quyết phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết thể hiện quyết tâm nâng dần mức sống, điều kiện thụ hưởng các dịch vụ xã hội của người dân, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền trong toàn tỉnh.

Xây dựng 11 nhóm cơ chế, chính sách mới

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định khâu đột phá về phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh. Thực hiện Nghị quyết Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17.5.2021 “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

	Nghị quyết thể hiện quyết tâm nâng dần mức sống, điều kiện thụ hưởng các dịch vụ xã hội của người dân ở các khu vực còn khó khăn trong tỉnh Ảnh: Lan Anh
Nghị quyết thể hiện quyết tâm nâng dần mức sống, điều kiện thụ hưởng các dịch vụ xã hội của người dân ở các khu vực còn khó khăn trong tỉnh
Ảnh: Lan Anh

Cụ thể hóa các chủ trương này, Nghị quyết phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được HĐND tỉnh Khóa XIV thông qua đã tập trung các giải pháp, cơ chế, chính sách thiết thực, hiệu quả thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội cho các khu vực này. Trong đó, ưu tiên địa bàn 25 xã và 24 thôn mới hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 đối với 3 nhóm đối tượng thụ hưởng.

Với tổng nguồn lực dự kiến từ ngân sách địa phương khoảng 4.000 tỷ đồng chưa kể các nguồn lực huy động hợp pháp khác, Nghị quyết đưa ra mục tiêu chung và 8 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 3 nhóm mục tiêu định hướng đến năm 2030 tập trung vào các chỉ tiêu về giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân; chỉ tiêu về giáo dục, y tế, lao động và việc làm; văn hóa thông tin; giải quyết các vấn đề cấp thiết liên quan đến an sinh xã hội; thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền… Đặc biệt, xây dựng 11 nhóm cơ chế, chính sách mới liên quan đến chăm lo, hỗ trợ cho học sinh các cấp học, chăm lo đời sống cho đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế, lực lượng vũ trang vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; hỗ trợ cho lao động, giải quyết việc làm; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp...

Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội 

Theo đánh giá của các đại biểu, nội dung nghị quyết bám sát các khâu đột phá, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Trong đó, tập trung phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo và giải quyết việc làm. Phát triển các lĩnh vực kinh tế gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh các vùng miền.

Ưu tiên, tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối liên thông, tổng thể, nhất là các tuyến giao thông huyết mạch, có tính động lực, chiến lược và tác động lan tỏa mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch, nâng cao điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của Nhân dân...

Việc ban hành nghị quyết hứa hẹn sẽ mang đến những tác động rõ nét đối với vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh. Đồng thời, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển, nâng cao chất lượng đời sống, thu nhập cho người dân, nhất là ở các xã, thôn mới hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.

Theo đó, hình thành được các mô hình, dự án liên kết phát triển sản xuất, thay đổi phương thức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo hướng hàng hóa, gắn với thị trường… Ngoài ra, giúp các xã, thôn, bản, các hộ gia đình có điều kiện, khả năng tiếp cận các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ Nhà nước và xã hội, nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

P. NAM