Thu hút doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết, tiêu thụ nông sản

- Chủ Nhật, 21/11/2021, 05:01 - Chia sẻ
Việc triển khai chính sách hỗ trợ nông nghiệp tỉnh Đồng Nai thời gian qua đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất, hình thành nhiều chuỗi liên kết đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường nông sản. Từ đó tạo đà cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn có những bước tiến mạnh mẽ trong thời gian tới.

Hình thành vùng sản xuất tập trung

Ðể khuyến khích liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển bền vững, tỉnh Ðồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 143 ngày 7.12.2018, quy định cụ thể chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, với mức hỗ trợ xây dựng hạ tầng tối đa 10 tỷ đồng/dự án. Trước đó, UBND tỉnh Ðồng Nai cũng quy định khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và xây dựng cánh đồng lớn. Thông qua các chính sách hỗ trợ đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện tự nhiên của từng địa phương.

Cụ thể, tỉnh đã hình thành nhiều khu sản xuất tập trung trồng các loại cây: hơn 34.000ha điều, 19.000ha cà phê, 10.000ha xoài, 9.000ha tiêu... Ðồng Nai cũng đứng đầu cả nước với hơn 3.800 trang trại chăn nuôi. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Tiến Sỹ cho rằng, Ðồng Nai đang lựa chọn sản phẩm nông nghiệp có lợi thế để tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất với quy mô lớn, bảo đảm chất lượng gắn với thị trường thông qua hợp đồng, đồng thời mời gọi các doanh nghiệp tham gia thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhất là các doanh nghiệp chế biến sâu. Tính đến 2020, Ðồng Nai đã thu hút được các doanh nghiệp tham gia xây dựng 52 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại TP. Long Khánh và 7 huyện với tổng kinh phí hỗ trợ 558 tỷ đồng.

Ðể đẩy mạnh liên kết phát triển bền vững nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh cho nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân, UBND tỉnh Ðồng Nai đang xây dựng một loạt đề án, như nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030; phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng kinh tế tây nam của tỉnh Ðồng Nai.

Ngoài ra, thực hiện chủ trương phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, giải quyết việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp theo hướng chế biến sâu, bền vững, Ðồng Nai đang dần hoàn thành giải phóng mặt bằng, kêu gọi đầu tư vào 2 cụm công nghiệp chuyên chế biến nông sản là: Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) với 57,3ha và Phú Túc (huyện Ðịnh Quán) hơn 48 ha. Lãnh đạo tỉnh Ðồng Nai cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục tập trung vào các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, nhất là những thế mạnh đặc trưng về cây ăn trái, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như hồ tiêu, điều, cà phê... Về sản phẩm chăn nuôi, lợn và gà vẫn là hai vật nuôi chủ lực được tập trung phát triển thành các chuỗi liên kết, tăng lợi thế cạnh tranh.

Thanh long là một trong những nông sản chủ lực của tỉnh Đồng Nai
Nguồn: ITN 

Tập trung vào công nghiệp chế biến

Phát biểu về việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, "bên cạnh xúc tiến thương mại sang các nước, Đồng Nai chú trọng xúc tiến thương mại tại chỗ để kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài cung ứng sản phẩm cho nhau. Có được nguyên liệu tại chỗ sẽ giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất, bớt lệ thuộc, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, hạn chế nhập khẩu và tăng xuất siêu”.

Trước đó, Đồng Nai được biết  đến là thủ phủ thịt gia súc, trứng gia cầm cung cấp cho phần lớn khu vực phụ cận. Để đẩy mạnh hơn nữa lĩnh vực chăn nuôi nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung, Đồng Nai đã không ngừng đẩy mạnh công nghiệp chế biến nhằm hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp bền vững. Một trong những thế mạnh đi đầu là lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi gia sức từ các chế phẩm nông nghiệp.

Công ty TNHH Việt Nông Lâm tại huyện Trảng Bom là một trong những doanh nghiệp đi tiên phong trong đầu tư chế biến, xuất khẩu dòng sản phẩm thức ăn đại gia súc. Ông Hồ Sáu - đại diện doanh nghiệp cho biết, hiện doanh nghiệp đang xuất khẩu tốt thức ăn đại gia súc vào các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc… Ngành chế biến thức ăn chăn nuôi đại gia súc có nhiều lợi thế khi tham gia thị trường xuất khẩu vì nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào, chi phí sản xuất thấp do tận dụng được nhiều loại phế phẩm nông nghiệp… Doanh nghiệp đang liên kết với nông dân bao tiêu hàng trăm hecta bắp cây để có nguồn nguyên liệu chế biến ổn định. Từ việc triển khai chế biến sâu người nông dân cũng được lợi vì trồng bắp cây có thể làm được 4 vụ/năm, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng bắp thu hạt truyền thống.

Cũng từ lợi thế là thủ phủ chăn nuôi của cả nước, Đồng Nai thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào ngành chế biến thịt tươi cũng như các sản phẩm khác từ thịt gia súc, gia cầm với nhiều sản phẩm chế biến rất đa dạng như giò chả, chà bông, xúc xích, thịt nguội, xông khói...

Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở có sơ chế, chế biến thực phẩm đều thực hiện theo quy trình khép kín từ con giống đến chăn nuôi, giết mổ và bảo quản để chế biến. Những tập đoàn, doanh nghiệp có tiếng trong đầu tư sơ chế, chế biến gồm: Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (TP. Biên Hòa) đã phát triển hệ thống cửa hàng thức ăn nhanh Five Star với trên 500 điểm kinh doanh và mục tiêu sẽ phát triển trong các năm tới. Trước đó, Công ty TNHH Koyu & Unitex (TP. Biên Hòa) là doanh nghiệp đi tiên phong trong cả nước xuất khẩu mặt hàng thịt gà và sản phẩm chế biến từ thịt gà vào thị trường có yêu cầu cao về chất lượng là Nhật Bản.

Các nhà hoạt động chính sách nhận định, hướng đi của Ðồng Nai hiện nay trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh của các mặt hàng nông sản chủ lực là tập trung vào công nghiệp chế biến hoàn toàn phù hợp với bối cảnh thị trường. Bởi, phương thức cạnh tranh theo kiểu truyền thống, bán sản phẩm thô hoặc chế biên sơ có chi phí thấp đã không còn phát huy được hiệu quả kinh tế.

Thị trường tiêu dùng ngày càng ghi nhận những nỗ lực cạnh tranh bằng việc áp dụng khoa học công nghệ đặc biệt là chế biến sâu. Với những lợi thế sẵn có, Đồng Nai sẽ có nhiều điểm cộng khi cạnh tranh bằng giá cả, chất lượng. Chính vì vậy, Đồng Nai nên lấy nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến theo hướng xuất khẩu làm mũi nhọn.

Theo GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Đồng Nai có lợi thế về diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lớn, do đó tỉnh nên tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản gắn với việc hình thành các vùng chuyên canh cung cấp nguyên liệu cho chế biến. Nhưng trước đó cần định hướng quy hoạch sản xuất tập trung và vận động nông dân tôn trọng quy hoạch đó để hình thành các vùng sản xuất tập trung để có thể quản lý được sản lượng.

Ngoài ra, đầu tư vào khâu bảo quản, kho trữ nguyên liệu cho chế biến cũng cần được quan tâm để khắc phục tính chất thời vụ của nông sản.

Tâm Anh