Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên

Thu hút làn sóng đầu tư mới

- Thứ Năm, 08/10/2020, 06:25 - Chia sẻ
Với lợi thế sẵn có là Trung tâm vùng Việt Bắc, Thái Nguyên đang từng bước vươn lên là một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu hút đầu tư và phát triển. Đóng góp vào thành công chung của cả tỉnh, không thể không kể đến những nỗ lực của Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Thái Nguyên. Đại hội Đảng bộ các KCN tỉnh Thái Nguyên lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã khẳng định rõ nét vai trò, đóng góp quan trọng đó.

Động lực từ các khu công nghiệp

Trên cơ sở lợi thế sẵn có cùng đội ngũ công nhân kỹ thuật tay nghề cao, Thái Nguyên đã kêu gọi nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển hạ tầng các KCN. Với vai trò là "cứ điểm" sản xuất hàng đầu thế giới của Tập đoàn Samsung, Thái Nguyên có sức hấp dẫn lớn trong thu hút các dự án công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đang có nhiều khu, cụm công nghiệp được đầu tư hoàn thiện hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp rất cao; có thể kể đến như KCN Điềm Thụy, KCN Yên Bình, KCN Sông Công II. Đây là động lực cho Thái Nguyên phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Công nhân làm việc trong nhà máy Samsung

Lãnh đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên cho biết, tỉnh đã có nhiều đổi mới trong việc xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính, đồng hành với các doanh nghiệp, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng công nghiệp đồng bộ và thường xuyên đối thoại, gặp gỡ trao đổi với các nhà đầu tư để hướng dẫn kịp thời. Đến nay, số dự án đầu tư vào các KCN đạt 228 dự án, trong đó có 114 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 114 dự án trong nước (DDI). Tổng vốn đăng ký đầu tư là 8.413 triệu USD và 13.997 tỷ đồng, vốn đã thực hiện đạt 6.884 triệu USD và 8.823 triệu đồng. Doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN hàng năm đạt 30,8 tỷ USD và 8.144 tỷ đồng. Xuất khẩu hàng năm bình quân đạt 28,3 tỷ USD, nhập khẩu đạt 15,7 tỷ USD. Hiện có 98 người lao động có việc làm ổn định, nộp ngân sách bình quân 5 năm của các doanh nghiệp đạt trên 30 nghìn tỷ đồng.

Các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định tầm quan trọng của việc thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh, đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc. Nhiều giải pháp đồng bộ tiếp tục được triển khai thực hiện để chớp lấy cơ hội thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chủ đạo và công nghiệp phụ trợ của các tập đoàn lớn, để hình thành chuỗi cung ứng mới trong chuỗi giá trị toàn cầu...

Trong các tháng cuối năm, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch cho các nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án đầu tư vào tỉnh; tập trung thực hiện quy hoạch để phát triển đồng bộ các KCN Yên Bình giai đoạn 2, KCN Điềm Thụy (khu B), điều chỉnh KCN Sông Công I... nhằm tạo quỹ đất sạch sẵn sàng đón các tập đoàn lớn đến đầu tư tại địa phương.

Khẳng định vai trò nòng cốt của Ban Quản lý

Ban Quản lý các KCN cho rằng, để có được những kết quả nổi bật trong thu hút đầu tư là do Đảng bộ các KCN tỉnh đã lãnh đạo cơ quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, hoàn thành mục tiêu đề ra trong việc phát triển KCN. Quán triệt quan điểm, đường lối “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”, Đảng bộ các KCN tỉnh Thái Nguyên đã tập trung lãnh đạo thực hiện xây dựng Đảng trên cả 4 mặt là chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Thường xuyên đổi mới việc nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị tư tưởng. Triển khai quán triệt đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, thành phố đến toàn thể cán bộ, đảng viên. Từ đó, phát huy đầy đủ năng lực, trình độ chuyên môn giúp các cán bộ, nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thăm và làm việc với Ban Quản lý các KCN tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải đã ghi nhận những nỗ lực, phấn đấu của toàn thể cán bộ, nhân viên và đánh giá cao kết quả thu hút đầu tư tại các KCN của tỉnh. Đồng thời nhấn mạnh, với những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên, Ban Quản lý các KCN cần đóng vai trò nòng cốt trong việc tham mưu thu hút thành công làn sóng đầu tư mới, trong đó, việc cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng đóng vai trò quyết định. Ban quản lý cần khẩn trương xây dựng phương án, kế hoạch chi tiết, báo cáo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để có quyết sách cụ thể đối với từng nhiệm vụ phát triển KCN.

Trên cơ sở đó, Ban quản lý các KCN Thái Nguyên đã đề xuất nhiều giải pháp như tiếp tục mở rộng KCN Sông Công II với diện tích tăng thêm 380ha; mở rộng KCN Yên Bình 300ha; quy hoạch phát triển KCN Phú Bình; triển khai quy hoạch thêm các KCN nằm dọc đường Vành đai 5... để sẵn sàng đón các dự án đầu tư có tiềm lực về vốn, công nghệ hiện đại, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đầu tư vào tỉnh. Đồng thời, huy động các nguồn lực về vốn từ ngân sách tỉnh; về cơ chế chính sách như ứng trước tiền thuê đất của các nhà đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng phát triển công nghiệp của tỉnh.

Nhận thức được vai trò của các KCN ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Đảng bộ các KCN tỉnh cũng đã đặt ra nhiệm vụ cụ thể trong nhiệm kỳ mới đó là xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng các KCN, thu hút lấp đầy 90% diện tích đất công nghiệp của các KCN. Phát huy sức mạnh tập thể, đoàn kết, thống nhất trong cơ quan, đơn vị, khẳng định vai trò của từng cán bộ đảng viên, quần chúng; triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để các KCN tiếp tục phát triển mạnh và nâng cao hơn nữa vai trò, vị trí của KCN.

Quang Tuấn

Bài liên quan: