Thu hút nguồn lực cho khởi nghiệp sáng tạo

- Thứ Ba, 11/09/2018, 01:39 - Chia sẻ
Ngày 10.9, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội thảo “Bàn giải pháp thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”.

Giám đốc Văn phòng Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia (Đề án 844) Phạm Dũng Nam cho biết: Hết năm 2017 có khoảng 40 quỹ đầu tư hoạt động tại Việt Nam, phần lớn là các quỹ đầu tư nước ngoài. Trong số đó, chỉ có một số quỹ đầu tư có văn phòng đại diện ở Việt Nam như IDG Ventures, CyberAgent Ventures, DJF-VinaCapital, 500 Startups. Ngoài ra, có những quỹ đầu tư doanh nghiệp tư nhân không tập trung đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) nhưng có thể đầu tư vào giai đoạn chuyển tiếp từ khởi nghiệp ĐMST thành doanh nghiệp trưởng thành như Quỹ Mekong Capital, Dragon Capital, VinaCapital…

Về kết quả triển khai Đề án 844 giai đoạn 2017 - 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng và ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BKHCN quy định tổ chức quản lý Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; phối hợp tham gia xây dựng nội dung về khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định 38/2018/NĐ-CP đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ còn tham gia xây dựng nội dung về hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư khởi nghiệp sáng tạo từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ (KH - CN) của doanh nghiệp tại Nghị định số 76/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, xây dựng và trình Chính phủ Báo cáo tổng kết khởi nghiệp, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo…

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng: Bộ Khoa học và Công nghệ cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp triển khai các hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST để tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực. Đồng thời, tiếp tục duy trì, tuyên truyền, phát triển, khai thác cổng thông tin khởi nghiệp ĐMST quốc gia, kết nối với các cổng thông tin về khởi nghiệp ĐMST của các tổ chức bộ, ngành địa phương để trở thành trung tâm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp ĐMST. Bên cạnh đó, cần triển khai các hoạt động liên kết của Đề án 844, trong đó trọng tâm tiếp tục nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, thu hút các quỹ đầu tư, nhà đầu tư mạo hiểm, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong khu vực và trên thế giới cho khởi nghiệp ĐMST.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, rà soát bổ sung các chính sách để giảm bớt những rào cản thủ tục, giấy phép con, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng xã hội, giấy phép thử nghiệm sản phẩm mới, sản phẩm mẫu; có cơ chế chính sách về thuế suất ưu đãi cho khởi nghiệp và đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST; cơ chế thoái vốn, ưu đãi khi chuyển nhượng, thoái vốn; nghiên cứu xây dựng chính sách thị thực cho cá nhân người nước ngoài tới Việt Nam để xây dựng doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, đầu tư và tìm kiếm cơ hội đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST; chính sách khai thác sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước…  

Tin và ảnh: TRỌNG HIẾU