Thủ tục “trực tuyến”

- Thứ Ba, 14/09/2021, 06:01 - Chia sẻ
Trong phiên họp thứ 3, kéo dài từ 13 - 22.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét và quyết định ban hành một số giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
Người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ tại xã Đại Thịnh, H.Mê Linh, Hà Nội 	 /// Ảnh: Phạm Hùng
Người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ tại xã Đại Thịnh, H.Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, có 4 nhóm chính sách hỗ trợ được trình ra lần này. Cụ thể, sẽ tiếp tục giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 như đã áp dụng năm 2020. Cùng với đó là 3 nhóm chính sách lần đầu tiên được đề xuất từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Một là, giảm 50% thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của 6 tháng cuối năm 2021 với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế. Hai là, giảm 30% thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ. Ba là, miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và 2021 với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong 3 năm 2018 - 2020.

Các chính sách hỗ trợ này có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 20 nghìn tỷ đồng nhưng rất cần thiết để giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua giai đoạn chồng chất khó khăn hiện nay. Có thể còn ý kiến khác nhau về mức giảm nhưng mong muốn chung là các chính sách khi được ban hành phải đi ngay vào cuộc sống, không lặp lại “vết xe đổ” trong thời gian qua.

Nhìn lại các chính sách hỗ trợ được triển khai trong năm rưỡi vừa qua có thể thấy điểm yếu chủ yếu nằm ở khâu thực thi. Ví dụ, nhóm lao động tự do chịu tác động lớn nhất, mức tổn thương cao nhất nhưng lại chưa được tiếp cận với các hỗ trợ tài chính từ Nhà nước với lý do khó xác định các nhóm đối tượng này. Hoặc với nhóm tiểu thương, những người buôn bán nhỏ trong các chợ truyền thống phải ngừng kinh doanh vì dịch bệnh, cơ quan thuế có đề xuất hỗ trợ nhưng trên thực tế cách thực thi có những cứng nhắc nhất định về thủ tục, quy trình thực hiện khiến chính sách hỗ trợ vẫn “nằm trên giấy”. Ngay cả gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng mới đây, dù thủ tục đã được rút gọn, nhưng việc xin, xét duyệt, trả lời và chi trả dường như vẫn chủ yếu dựa vào giấy tờ thủ công và tiếp xúc trực tiếp, gây khó khăn cho người dân khi đang phải thực hiện giãn cách.

Lần này, để chấm dứt tình trạng người dân, doanh nghiệp muốn tiếp cận chính sách hỗ trợ thì “lên ti vi” thì sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết, Chính phủ phải có ngay Nghị định hướng dẫn để các bộ, ngành và địa phương kịp thời triển khai. Nghị định này phải bảo đảm hạn chế tối đa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế.

Đặc biệt, điều rất quan trọng là các thủ tục hành chính của chính sách hỗ trợ nên được thực hiện theo hình thức “trực tuyến”. Theo đó người dân, doanh nghiệp có thể “ngồi nhà” gửi giấy tờ cần thiết qua thư điện tử, qua dịch vụ công trực tuyến… vào bất cứ lúc nào mà không phải "thân chinh" lên cơ quan thuế. Lý do là hiện nay nhiều địa phương áp dụng giãn cách xã hội để phòng chống dịch nên người dân đi lại không dễ dàng. Việc tập trung đông người cũng tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hơn nữa, thực hiện các thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến như vậy là hoàn toàn khả thi trong bối cảnh cả nước đã đẩy mạnh chuyển đổi số suốt những năm qua.

Hà Lan