Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Đại hội Thi đua yêu nước ngành tài chính

- Thứ Bảy, 31/10/2020, 23:34 - Chia sẻ

Chiều 31.10, tại Hà Nội, ngành tài chính đã tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V, giai đoạn 2021 - 2025 theo hình thức trực tuyến. 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự. 

5 năm qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo, tổ chức phát động 5 phong trào thi đua thường xuyên trong toàn ngành và nhiều phong trào thi đua chuyên đề, nước rút. Hưởng ứng lời phát động của Bộ, các cơ quan, đơn vị trong ngành tài chính đã phát động hơn 500 phong trào thi đua; đặc biệt, đối với hệ thống Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Dự trữ quốc gia... các phong trào thi đua đã được triển khai đến tận cấp cơ sở với các nội dung, tiêu chí cụ thể, phù hợp tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ Tài chính
Ảnh: Thống Nhất

Ngành tài chính đã làm tốt vai trò tham mưu, chỉ đạo, điều hành tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) bảo đảm hiệu quả. Kết quả thu NSNN bình quân tăng khoảng 10,5%/năm; quy mô thu NSNN 5 năm (giai đoạn 2016 - 2020) ước gấp 1,63 lần so với giai đoạn 2011 - 2015; cơ cấu chi NSNN chuyển dịch bám sát chủ trương, định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, tăng chi con người, chi phát triển lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, an sinh xã hội; bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2016 - 2019 giảm mạnh, bình quân 3,5% GDP (giai đoạn 2011 - 2015 là 5,4%); nợ công và nợ Chính phủ giảm... Ưu tiến bố trí nguồn lực để tăng cường tiềm lực dự trữ quốc gia. Dự kiến đến hết năm 2020, quy mô dự trữ quốc gia đạt khoảng 11.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2010 và 1,23 lần so với năm 2015. 

Phát biểu tại đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, ngành tài chính từ khi thành lập đã có nhiều cách làm sáng tạo để tạo ra của cải và ngân sách phục vụ sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc gian khổ mà anh hùng, góp phần tích cực cùng cả nước làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc trong các cuộc kháng chiến, đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước có nhiều biến động và gặp nhiều khó khăn, thách thức vừa qua, ngành tài chính đã nỗ lực thi đua vượt khó, không ngừng phấn đấu với quyết tâm cao, cơ bản đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu tài chính, ngân sách nhà nước đã đề ra cho giai đoạn 2016 - 2020, bảo đảm nguồn lực cho các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách trong bối cảnh đại dịch Covid-19. 

Chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2020 và bước vào năm 2021, năm đầu của thời kỳ chiến lược 10 năm 2021 - 2030, kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, cùng với cả nước, ngành tài chính có nhiều cơ hội, tiềm năng cho phát triển nhưng bối cảnh quốc tế, trong nước thời gian tới cũng đặt ra những khó khăn, thách thức lớn, trong đó có nhiều yếu tố diễn biến thất thường, chưa có tiền lệ, nhất là các vấn đề an ninh phi truyền thống, đặc biệt là dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn. Trong khi đó, dự báo tình hình thế giới, khu vực phức tạp, khó lường. Riêng đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục lan rộng, quay lại nhiều vòng ở các nước, gây ra suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng nhất. Tình trạng nhiều lĩnh vực ngưng trệ có thể kéo dài qua năm 2021 và những năm đầu của thập kỷ tới.

Bối cảnh đó đòi hỏi ngành tài chính nỗ lực phấn đấu, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, trong đó đặc biệt chú trọng bảo đảm nguồn tài chính khắc phục hậu quả bão lũ miền Trung, phòng chống đại dịch Covid-19, bảo đảm đời sống của người dân và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Nhấn mạnh tư duy vì dân phục vụ, tư duy phục vụ sự phát triển của đất nước mạnh mẽ hơn nữa, Thủ tướng lưu ý, quản lý tài chính quốc gia không phải với tư duy thu càng nhiều càng tốt và nghĩ rằng phân bổ chỉ tiêu là sự ban phát. Thay vào đó, phải có tư duy thu thuế thể hiện sự tín nhiệm, ủy thác của người dân đối với Chính phủ về chất lượng các dịch vụ công mà Chính phủ cung cấp. Do đó, chỉ có thể tự hào rằng tỷ lệ thu ngân sách cao cho thấy người dân tín nhiệm Chính phủ mà ủy thác chứ không phải Chính phủ tận thu. Chính phủ, Bộ Tài chính phải có trách nhiệm để những đồng tiền thuế của người dân được chi tiêu một cách hiệu quả nhất, thiết thực nhất.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm của cán bộ tài chính, hòa nhịp chung với các ngành, các cấp, cùng cả nước vững bước tiến lên, hiện thực hóa khát vọng phát triển của toàn dân tộc, thu hẹp khoảng cách với khu vực và thế giới như đã thể hiện rõ trong dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII. Tư duy chiến lược của ngành tài chính là phải thể hiện tầm nhìn vĩ mô, vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, vì lợi ích chung của đất nước, vì quốc gia, dân tộc. Tài chính không chỉ là con số thu chi ngân sách nhà nước, là giữ tiền mà tài chính phải biết huy động, biết sử dụng tiền hiệu quả và làm tiền đẻ ra tiền. Tài chính là kinh tế, là nguồn lực và tiềm lực của đất nước, không chỉ đã có, đang có mà sẽ có. Tài chính phải vì mục tiêu thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng đề nghị ngành tài chính tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào thi đua. Tập trung nghiên cứu, sớm đề xuất với Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước theo hướng bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương theo đúng tinh thần Hiến pháp và các nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Phấn đấu đưa tỷ trọng thu ngân sách trung ương lên trên 60% tổng thu ngân sách nhà nước và tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là chi đầu tư phát triển, dành nguồn lực đầu tư cho các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia.

+ Tại đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ Tài chính.

Đức Tuân