Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân miền Trung - Tây Nguyên

- Thứ Ba, 29/09/2020, 00:33 - Chia sẻ
Chiều 28.9 tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đối thoại với nông dân khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giải đáp và hoàn thiện chính sách nhằm tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn miền Trung - Tây Nguyên cất cánh.

Với chủ đề: “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”, Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp tổ chức. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian trưng bày nông sản tại hội nghị.
Ảnh: Trọng Đức

Tham dự có hơn 400 đại biểu, gồm: Lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; Hội Nông dân các tỉnh, thành phố; các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và hơn 300 nông dân xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho hơn 14 triệu hộ nông dân trên cả nước.

Tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời nhiều câu hỏi của bà con nông dân.

Quan tâm đến những giải pháp của Chính phủ nhằm tận dụng cơ hội xuất khẩu cà phê theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu với thuế suất 0%, bà con nông dân mong muốn được biết giải pháp của Chính phủ nhằm định hướng giúp nông dân xác định cây trồng chủ lực của Tây Nguyên trong bối cảnh giá cà phê xuống rất thấp?

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng khẳng định, cà phê là sản phẩm chủ lực chiến lược của Việt Nam, cà phê Việt Nam có chất lượng rất tốt, được thế giới đánh giá cao. Cà phê Tây Nguyên là thương hiệu quý, vì vậy, cần tiếp tục duy trì và quy hoạch vùng trồng phù hợp. Cùng với đó là không được tiếp tục phá  rừng tự nhiên trồng cà phê; nâng cao quy hoạch chất lượng trồng cà phê, thâm canh có chất lượng đối với cây cà phê. 

Trả lời băn khoăn của bà con nông dân về việc Tây Nguyên có tới 2 triệu hecta đất canh tác nông nghiệp với một loạt nông sản chủ lực, nhưng lại có rất ít nhà máy chế biến nông sản, Thủ tướng nêu rõ, dư địa về phát triển chế biến nông sản của Việt Nam còn rất lớn. Nhà nước sẽ tạo mọi cơ chế, chính sách để kêu gọi các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường để đầu tư vào chế biến nông sản, nhưng muốn phát triển được chế biến nông sản thì không thể sản xuất nhỏ lẻ, manh mún mà chúng ta phải sản xuất có quy hoạch...  

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hội nghị đối thoại là một kênh thông tin quan trọng để giúp Chính phủ hoàn thiện chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, các nhà khoa học luôn phối hợp, chung vai sát cánh cùng nông dân thực hiện tốt mối liên kết 6 nhà. Đặc biệt là nông nghiệp năm nay còn tăng trưởng cao hơn năm ngoái, đạt 2,6% trong khi năm ngoái là 2,1%; không chỉ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia mà còn đóng góp nhiều sản phẩm cho xuất khẩu. 

Đặc biệt, năm nay dịch bệnh phức tạp nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời để khắc phục và tổ chức khôi phục sản xuất. Hay như năm 2019 - 2020,  hạn mặn lớn như thế, xâm nhập sâu vào vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng thiệt hại chỉ trên 2% so với năm trước, đó là do chúng ta chủ động thực hiện dự báo và có các giải pháp hiệu quả.
Thủ tướng khẳng định, khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường cũng chính là khát vọng của những người nông dân Việt Nam. Mục tiêu trong giai đoạn tới là thúc đẩy, giúp nông dân tăng thu nhập. Hiện nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam dù đứng đầu thế giới, như cà phê, hồ tiêu, cao su, gạo, chè… nhưng vẫn xuất thô nhiều, hàm lượng chế biến thấp. Đây là điểm yếu, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta phát triển, đẩy mạnh chế biến các mặt hàng nông sản chủ lực.

“Nông nghiệp là mỏ vàng, nhưng nếu không biết khai thác thì mỏ vàng cũng bị cạn kiệt”, Thủ tướng nói và chỉ đạo cần gắn với phát triển đa dạng sinh thái, tài nguyên đất, tài nguyên rừng, đặc biệt là bảo vệ môi trường để phát triển bền vững...

Theo TTXVN