Bầu cử Chủ tịch Đảng LDP

Thủ tướng Nhật Bản sẽ vững ghế?

- Thứ Sáu, 13/08/2021, 05:53 - Chia sẻ
Theo kế hoạch, nhiệm kỳ Chủ tịch đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) của đương kim Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ kết thúc vào cuối tháng 9 năm nay. Vào ngày 26.8 tới, LDP dự kiến sẽ đưa ra quyết định về thời điểm tổ chức bầu ra người lãnh đạo đảng. Liệu cơ hội tiếp tục đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa của ông có gặp trở ngại, khi mà một số thành viên trong đảng cũng đang rậm rịch khả năng tranh cử

Những đối thủ tiềm năng

Theo Japan Times, Ban Chấp hành LDP đang xem xét kế hoạch bỏ phiếu bầu chủ tịch mới vào ngày 29.9. Và một trong những đối thủ tiềm năng của đương kim Chủ tịch đảng LDP, Thủ tướng Suga Yoshihide là cựu Bộ trưởng Nội vụ Sanae Takaichi, người được coi là thân cận với cựu Thủ tướng Abe Shinzo. Bà cho biết, sở dĩ muốn ra tranh cử bởi vì xã hội Nhật Bản đang trong thời điểm bất ổn với rất nhiều thách thức. Vì vậy, bà muốn trở thành người đứng đầu Chính phủ để có thể “thực hiện kế hoạch thúc đẩy khả năng phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản”.

Ngoài bà Takaichi, các thành viên trẻ hơn của LDP cũng đang cân nhắc về việc lựa chọn một ứng cử viên của riêng họ. Tuần trước, Hạ nghị sĩ Masaaki Taira của LDP viết trên Twitter rằng, ông muốn có một ứng cử viên lãnh đạo LDP trong số các đảng viên trẻ và trung niên của đảng. Theo ông, “nếu một trong số chúng tôi ra tranh cử, điều đó sẽ cho người dân Nhật Bản thấy rằng, trong LDP còn có nhiều thành viên có tiềm năng”. Tuy nhiên, các ứng cử viên này phải nhận được sự ủng hộ của 20 nghị sĩ LDP mới có thể nộp đơn ứng cử. Vì vậy, không rõ liệu có ai trong số này có thể thực sự trở thành ứng cử viên “nặng ký” với Thủ tướng Suga trong cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch mới.

Trong khi đó, ông Fumio Kishida, cựu Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách LDP - người đối đầu với Thủ tướng Suga trong cuộc đua vào chiếc ghế Chủ tịch LDP năm ngoái, vẫn chưa tiết lộ liệu có ra tranh cử lần này hay không. Ngược lại, các ứng cử viên tiềm năng khác như đương kim Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách LDP Hakubun Shimomura, Phó Tổng Thư ký LDP Seiko Noda và Bộ trưởng Cải cách Hành chính Taro Kono, đều đã đưa ra bình luận về hy vọng tranh cử. Chưa hết, đương kim Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi và một đối thủ khác của Thủ tướng Suga trong cuộc bỏ phiếu năm ngoái là cựu Tổng Thư ký LDP Shigeru Ishiba có thể cũng tham gia cuộc đua này.

Tháng trước, Thủ tướng Suga từng phát biểu trên truyền hình rằng, việc ông tái cử là điều đương nhiên. Nhưng sự tín nhiệm đối với Nội các đương nhiệm đang giảm mạnh do nhiều người dân Nhật Bản không hài lòng với cách ứng phó với đại dịch của nước này. Thậm chí, một cựu Bộ trưởng Nội các còn nhận định, Thủ tướng “không phải là một gương mặt tốt cho đảng”. Những người ủng hộ Thủ tướng Nhật Bản hy vọng ông Suga được bầu lại mà không có người thách thức. “Hãy để họ tranh cử nếu họ muốn, nhưng liệu họ có thể tìm được đủ người ủng hộ cho việc ứng cử của họ không?”, một quan chức cấp cao của LDP đặt câu hỏi.

Nguồn: Kyodo

Thách thức bốn bề

Theo Japan Forward, vào tháng 9.2020, ông Yoshide Suga được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản sau sự từ chức khá đột ngột của cựu Thủ tướng Abe Shinzo, trong bối cảnh môi trường địa chính trị, chiến lược và kinh tế trong khu vực rất bất ổn với đại dịch đặc biệt khốc liệt.

Ông Suga không chỉ đối mặt với thách thức hồi sinh một quốc gia đang quay cuồng vì hậu quả tồi tệ của đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn, mà còn  bảo đảm sự ổn định và liên tục trong chính sách đối ngoại của đất nước sau khi người tiền nhiệm kết thúc nhiệm kỳ Thủ tướng liên tục dài nhất Nhật Bản. Giờ đây, ông cần phải củng cố vị trí Chủ tịch LDP để lãnh đạo đảng cầm quyền giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử được lên kế hoạch vào cuối năm 2021.

Hiện nay, sau gần một năm lãnh đạo đất nước, những gì mà ông đã làm nhận được sự ủng hộ từ trong nước và quốc tế như thế nào? Liệu chúng có giúp tạo lợi thế cho ông tại cuộc bỏ phiếu trong đảng sắp tới hay không?

Trong thời gian ngắn ngủi, nhiệm kỳ của Thủ tướng Suga gặp nhiều thách thức buộc ông phải đối mặt với một số lựa chọn chiến lược trên cương vị Thủ tướng. Ở trong nước, ông phải đối mặt với một nền kinh tế suy thoái do tác động tiêu cực từ Covid-19, quản lý đại dịch, một chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid trên toàn quốc tại quốc gia vốn có truyền thống ít tin cậy vaccine, đăng cai Thế vận hội Tokyo giữa đại dịch, và thu hút các quan điểm chính trị trước cuộc bầu cử sắp tới.

Trên bình diện quốc tế, ông buộc phải điều hướng các động lực địa chính trị ngày càng căng thẳng với sự cứng rắn của Trung Quốc cùng với sự gia tăng cạnh tranh Mỹ - Trung, đồng thời quản lý các mối quan hệ đối tác liên minh của Nhật Bản dưới thời Tổng thống Mỹ mới, thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Tokyo cũng như đối phó với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Có thể nói, trong chính sách đối ngoại, ông đạt được khá nhiều thành tích như Nhật Bản tiếp tục cam kết với tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương (FOIP) tự do và cởi mở. Một vài cuộc trò chuyện qua điện thoại đầu tiên của ông với các nhà lãnh đạo quốc gia cùng chí hướng đã nêu bật chương trình nghị sự của ông là xây dựng di sản của cựu Thủ tướng Abe Shinzo và củng cố các thể chế ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, đặc biệt là Đối thoại An ninh Tứ giác (Bộ Tứ) bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ. Hơn nữa, chuyến đi chính thức đầu tiên của ông tới Indonesia và Việt Nam còn tạo thêm uy tín cho chương trình nghị sự FOIP bằng cách xây dựng mối quan hệ với các đối tác chiến lược Đông Nam Á trong bối cảnh nước này tập trung chính sách vào ASEAN.

Dưới thời ông, Tokyo cũng đã ký Thỏa thuận Tiếp nhận và Dịch vụ tương trợ (ACSA) với Ấn Độ vào tháng 9.2020 và Thỏa thuận Tiếp cận đối ứng (RAA) với Australia vào tháng 11 cùng năm. Đất nước mặt trời mọc cũng trở thành một bên trong các sáng kiến ​​mới như Sáng kiên phục hồi chuỗi cung ứng (SCRI) do Nhật Bản - Ấn Độ - Australia dẫn đầu.

Với các mối quan hệ ngoài châu Á, hợp tác Nhật Bản - Liên minh châu Âu (EU) cũng tăng trưởng đáng kể, với việc Thủ tướng Suga gặp gỡ các nhà lãnh đạo EU tại Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến vào tháng 5.2021. Đồng thời, trọng tâm vào việc cải thiện quan hệ song phương với “đối tác liên minh” Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden là rất quan trọng đối với triển vọng an ninh của Tokyo. Thực tế, cuộc gặp Biden - Suga vào tháng 4.2021 đã chứng kiến ​​sự ra đời của mối “quan hệ đối tác toàn cầu cho một kỷ nguyên mới’.

Tương tự, ông Suga vẫn tập trung vào chủ nghĩa đa phương kinh tế. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do Tokyo đứng đầu hiện đang được Vương quốc Anh và có thể cả Đài Loan (Trung Quốc) xem xét, trong khi ngay cả Trung Quốc cũng tỏ ra muốn tham gia cùng.

Đối với các vấn đề trong nước, trong khi học thuyết kinh tế “Suganomics” chủ yếu tiếp tục định hướng “Abenomics”, các chính sách kinh tế của Thủ tướng Suga lại tập trung vào việc bảo đảm phục hồi cho nền kinh tế đang suy yếu của Nhật Bản, vốn suy thoái trong bối cảnh đại dịch, bằng cách bơm kích thích kinh tế. Đến tháng 2.2021, nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng 12,7% trong quý IV (2020), cao hơn mức tăng trưởng dự kiến, do đó đưa quốc gia này ra khỏi cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ thời hậu chiến và cho phép Nhật Bản tiếp tục mục tiêu phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, quyết định tổ chức Thế vận hội 2020 trong bối cảnh dư luận phản ứng dữ dội, vì lo sợ lây lan Covid-19 và gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, đã khiến sự ủng hộ của cử tri gần đây dành cho Thủ tướng Suga giảm xuống còn 34%, tỷ lệ phần trăm thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức. Thực tế, đây là nguyên nhân chính gây lo lắng cho LDP trước thềm cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra vào tháng 10 tới.

Linh Anh