Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo

- Chủ Nhật, 23/01/2022, 06:20 - Chia sẻ
Áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát rủi ro được đánh giá sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Trong lĩnh vực công nghệ tài chính, cơ chế thử nghiệm, kiểm soát rủi ro đã góp phần thúc đẩy giải pháp tài chính - ngân hàng hiện đại, giá rẻ, dễ tiếp cận thông qua kênh điện thoại di động hay internet. Tuy nhiên, theo đại biểu dự Hội thảo quốc tế trực tuyến cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, thì lĩnh vực này cũng đang đối với mặt với nhiều khó khăn, thách thức như chống rửa tiền, an ninh mạng, cạnh tranh công bằng và ổn định tài chính, đặt ra yêu cầu cần có một khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ.

Ràng buộc về không gian, thời gian, có sự giám sát chặt chẽ

Trong bối cảnh ứng dụng công nghệ trong các ngành, dịch vụ trở nên phổ biến, tác động đến mọi mặt kinh tế - xã hội, ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chứng kiến hai xu hướng nổi bật. Đó là: các công ty không phải ngân hàng (Fintech) tham gia cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới và các ngân hàng, tổ chức tài chính truyền thống đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, hợp tác với các công ty Fintech để nâng cao hiệu quả hoạt động, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đổi mới, an toàn, tiện ích.

Theo các đại biểu tham dự Hội thảo, Fintech đã và đang làm thay đổi diện mạo của ngành tài chính thông qua việc ứng dụng những giải pháp công nghệ có tính sáng tạo như trí thông minh nhân tạo (AI), máy học (machine learning), phân tích dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây, công nghệ Blockchain, nhận dạng sinh trắc học… để cung ứng các dịch vụ tài chính ngân hàng như thanh toán, chuyển tiền, cho vay ngang hàng, quản lý tài sản, chứng khoán, bảo hiểm… Sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh của Fintech, một lĩnh vực hoàn toàn mới đã khiến các cơ quan quản lý tài chính của các quốc gia, trong đó có Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quản lý, giám sát như nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan tới an ninh mạng, an toàn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, rủi ro rửa tiền, cạnh tranh công bằng và ổn định tài chính.

Điều đó cũng đặt ra nhiệm vụ đối với các cơ quan quản lý tài chính là hỗ trợ thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới của lĩnh vực Fintech trong khi vẫn phải duy trì sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, một số nước đã xây dựng và áp dụng cơ chế thử nghiệm cho hoạt động của các công ty Fintech gọi là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox).

Lý giải bản chất của cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, đại diện Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Ngô Văn Đức cho biết, “cơ chế này sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua việc thiết lập một môi trường thực để thử nghiệm các giải pháp công nghệ tài chính (Fintech) với khách hàng thật, nhưng chịu giới hạn, ràng buộc về không gian, thời gian và phải đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý về tài chính - tiền tệ”.

 Việc áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát thường hướng tới một số mục đích chính như thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính; tăng cường hiệu quả và ổn định của hệ thống tài chính - ngân hàng và mở rộng phổ cập tài chính cho nhóm đối tượng không có cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính hoặc đối tượng gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài chính.

Toàn cảnh hội thảo quốc tế

Ảnh: Hoàng Ngọc 

Rào cản về khuôn khổ pháp lý - thách thức lớn nhất

Cho rằng lĩnh vực Fintech tại Việt Nam đang còn đối mặt với các khó khăn, thách thức, trong đó rào cản khuôn khổ pháp lý là thách thức lớn nhất, ông Ngô Văn Đức thẳng thắn, khuôn khổ pháp lý và quản lý ở nước ta về cơ bản chỉ đáp ứng được một phần cho Fintech trong lĩnh vực thanh toán, chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho các lĩnh vực khác.

Các đại biểu dẫn chứng thêm, nhiều công ty xưng danh “Fintech” đang vận dụng, căn cứ các quy định pháp luật khác ngoài lĩnh vực kinh doanh có điều kiện chuyên ngành ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm để tiến hành hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ “Fintech” như quy định pháp luật chung của Bộ luật Dân sự, hay quy định pháp luật chuyên ngành về thương mại, đầu tư, doanh nghiệp… Tuy nhiên, dịch vụ tài chính - ngân hàng, trong đó Fintech là một phần của cuộc chơi, là lĩnh vực hoạt động kinh doanh có điều kiện, cần được quản lý hết sức chặt chẽ, đòi hỏi mọi hoạt động phải được cấp phép, quản lý, giám sát và coi trọng yếu tố tuân thủ đối với các đối tượng chịu sự quản lý. Vì vậy, đòi hỏi các cơ quan quản lý cần có phương thức ứng xử và phương pháp tiếp cận pháp lý phù hợp với lĩnh vực này.

Được biết, giai đoạn 2007 - 2010, trước sự xuất hiện của các công ty không phải ngân hàng tham gia cung ứng một số loại hình dịch vụ thanh toán mới như ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện phương thức ứng xử pháp lý đó là, cho phép một số công ty được thí điểm cung ứng dịch vụ thanh toán mà chúng ta đang gọi là dịch vụ thanh toán trung gian. Từ thực tiễn của hoạt động thí điểm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tham mưu Chính phủ ban hành, hoàn thiện cơ sở pháp lý chính thức cho hoạt động thanh toán trung gian (Fintech trong lĩnh vực thanh toán). Tuy nhiên, thị trường Fintech đã có sự biến đổi nhanh chóng, nên phương thức tiếp cận pháp lý nêu trên không còn phù hợp khi quy mô của thị trường tăng lên nhiều lần với các lĩnh vực rất đa dạng.

Bằng thực tiễn quản lý, ông Ngô Văn Đức khuyến nghị, cần xây dựng khuôn khổ pháp lý chính thức, để tạo lập cơ sở pháp lý cho hoạt động của Fintech. Khuôn khổ pháp lý chính thức đòi hỏi phải có quy trình thời gian, khi các cơ quan quản lý đã hiểu rõ về bản chất, rủi ro của từng loại hình dịch vụ. Nếu chỉ thực hiện phương pháp cải cách pháp lý đơn thuần sẽ khó có thể đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của thị trường Fintech vốn sôi động, thay đổi hàng ngày. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động tiếp cận lĩnh vực này thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực Fintech vào tháng 3.2017 với mục đích hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo hệ sinh thái lành mạnh cho sự phát triển của các công ty Fintech tại Việt Nam. Vừa qua, ngày 6.9.2021, Chính phủ cũng ký ban hành Nghị quyết số 100/NQ - CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech trong lĩnh vực ngân hàng).

Có thể thấy, cơ chế quản lý, thử nghiệm Fintech được ban hành sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển các giải pháp tài chính - ngân hàng hiện đại, giá rẻ, dễ tiếp cận qua các kênh điện thoại di động hay internet… Thông qua cơ chế quản lý thử nghiệm, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng sẽ nắm bắt được thông tin và cơ sở thực tiễn của các hoạt động này, làm căn cứ để xây dựng các quy định pháp lý điều chỉnh cụ thể cho từng mảng dịch vụ.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết thêm, đại dịch vừa qua cũng là sức ép tự nhiên để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung và quản trị quốc gia. Các nước trên thế giới không loại trừ Việt Nam cần có nhiều hơn cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Hội thảo do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Viện Nghiên cứu lập pháp, Đại sứ Anh tại Việt Nam tổ chức đã góp phần đi sâu vào từng vấn đề, đánh giá tổng quan thực tiễn quá trình thực hiện ở nước ta, đẩy mạnh xây dựng khuôn khổ pháp lý, xác định cách thức, cơ chế vận hành của cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Anh Thảo