Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa tài sản trí tuệ

- Thứ Tư, 27/10/2021, 06:22 - Chia sẻ
Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, tạo hành lang pháp lý tốt hơn để bảo vệ quyền lợi cho chủ sở hữu tài sản trí tuệ, kiến tạo, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa tài sản trí tuệ sẽ góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhấn mạnh tinh thần này, thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ chiều qua, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị, giữ quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm không có khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình):
Làm rõ cơ chế phân chia hợp lý lợi ích

Tôi tán thành với việc sửa đổi Luật theo hướng trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học, công nghệ có sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước hoặc một phần ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ đó một cách tự động và không bồi hoàn. Tổ chức chủ trì có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện theo hướng bổ sung, làm rõ cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, trong đó cần lưu ý quy định cách phân chia tùy theo mức độ cho thỏa đáng và hợp lý; nghiên cứu bổ sung mở rộng cơ chế giao quyền sở hữu tương tự đối với loại giống cây trồng, một số đối tượng quyền tác giả và quyền liên quan để khắc phục sự không thống nhất giữa các quy định về quyền đăng ký sở hữu đối với kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trong các luật hiện hành.

Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, việc quy định không áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí tên thương mại, bí mật kinh doanh và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh là không phù hợp. Điều này sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Đề nghị giữ như luật hiện hành, vì nếu sửa như phương án 1 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta; tăng thêm gánh nặng cho hệ thống tòa án hiện nay đang quá tải cũng như tạo thêm thách thức cho đương sự khi sử dụng các biện pháp tố tụng dân sự. 

ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam):
Quy định chặt chẽ để không tùy nghi trong áp dụng pháp luật

Cần tiếp tục hoàn thiện một số nội dung quan trọng nhằm bảo vệ quyền nhân thân của tác giả. Cụ thể, tại khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 19 quyền nhân thân, đề nghị bỏ cụm từ “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”, đồng thời, bổ sung cụm từ “khi chưa được tác giả cho phép” và viết lại khoản 4 Điều 1 như sau: "Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; sửa đổi các sáng tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa được tác giả cho phép" cho chặt chẽ để tránh tùy nghi trong việc áp dụng pháp luật sau này bởi các lý do sau đây:

Sự toàn vẹn của tác phẩm gắn với quyền nhân thân là yếu tố mà pháp luật về sở hữu trí tuệ luôn đề cao bảo vệ. Tác giả có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm và không ai có quyền xâm phạm khi chưa được tác giả cho phép. Với quy định về quyền nhân thân như dự thảo Luật, các tổ chức, cá nhân có thể sửa đổi các tác phẩm miễn là không phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Như vậy sẽ làm mất đi vai trò, hạn chế quyền của tác giả đối với tác phẩm của mình, đồng thời tạo ra sự tùy tiện cho việc xâm hại quyền nhân thân của tác giả vì các cá nhân, tổ chức hoàn toàn có thể tác động vào tác phẩm mà không cần sự cho phép của tác giả, miễn là không gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả.

Hơn nữa, việc quy định phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả là rất khó xác định trên thực tế vì giá trị của mỗi tác phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố chủ quan và quan điểm riêng của tác giả. Tiêu chí nào để xác định là phương hại hay không phương hại và phương hại đến mức độ nào là rất khó xác định trên thực tế. Tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 22 năm 2018 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết quy định về Luật Sở hữu trí tuệ cũng đã quy định rất rõ quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, theo đó, không cho người khác sửa chữa các tác phẩm quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc không cho người khác sửa chữa các tác phẩm hoặc sửa chữa, nâng cấp chương trình máy tính, trừ trường hợp có thỏa thuận của tác giả.

Có thể nói, quy định này chặt chẽ hơn và tuyệt đối hóa quyền nhân thân của tác giả theo hướng mọi hành vi sửa chữa các tác phẩm hoặc là sửa chữa mà không có sự thỏa thuận của tác giả đều là vi phạm quyền nhân thân. Vì vậy, cần nghiên cứu và bổ sung nội dung trên để bảo đảm quyền nhân thân của tác giả trong dự thảo luật lần này.

ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang):
Trách nhiệm hành chính không loại trừ trách nhiệm dân sự

Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tờ trình đưa ra hai phương án. Trong đó, phương án 1: hành vi xâm phạm quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị xử phạt hành chính mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự. Phương án 2 áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tôi đề nghị nên chọn phương án 2, xuất phát từ một số lý do như sau: Nếu theo phương án 1 thì chưa bảo đảm tính thống nhất trong xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Một số hành vi xâm phạm như quyền tác giả, quyền liên quan… thì bị xử lý hành chính, một số hành vi xâm phạm như đối với sáng chế kiểu dáng công nghiệp... thì không bị xử lý hành chính.

Có ý kiến cho rằng hành vi xâm phạm quyền dân sự cần được xử lý bằng biện pháp dân sự. Theo tôi, hành vi xâm phạm quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh không chỉ xâm phạm quyền dân sự mà còn xâm phạm trật tự quản lý kinh tế - xã hội. Bên cạnh biện pháp dân sự để xử lý như yêu cầu bồi thường thiệt hại, hành vi xâm phạm này có thể bị xử lý bằng biện pháp hành chính, cao hơn có thể bị xử lý bằng biện pháp hình sự như Điều 226 Bộ luật Hình sự quy định tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Nếu loại trừ việc xử lý hành chính về hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ làm ảnh hưởng đến quyền chủ động, kịp thời, nhanh chóng của cơ quan nhà nước trong xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm trong các trường hợp nêu trên.

Về pháp lý, có 4 loại trách nhiệm, đó là trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự, trách nhiệm kỷ luật. Trách nhiệm hành chính không loại trừ trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính là trách nhiệm của người có hành vi vi phạm pháp luật hành chính với Nhà nước. Người bị xâm phạm vẫn có quyền khởi kiện, yêu cầu người có hành vi xâm phạm bồi thường thiệt hại. Vì vậy, nên lựa chọn phương án 2 áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Nguyễn Bình ghi