Thúc đẩy hợp tác quốc tế

- Thứ Hai, 01/10/2018, 09:11 - Chia sẻ
Hợp tác quốc tế là một hoạt động không thể thiếu của ngành khí tượng thủy văn. Khí quyển, các dòng sông không có biên giới, nên số liệu quan trắc KTTV thường được cung cấp và chia sẻ lẫn nhau thông qua Tổ chức Khí tượng quốc tế (từ năm 1873) và sau này là Tổ chức Khí tượng thế giới (từ năm 1961). Ngay cả trong trường hợp 2 quốc gia có xung đột về biên giới, lãnh thổ, chiến tranh… thì vẫn phải cung cấp số liệu quan trắc cho nhau. Dù dự báo thời tiết theo phương pháp Si-nốp truyền thống hay theo mô hình số hiện đại cũng đều cần phải có nguồn dữ liệu quan trắc trên một vùng rộng lớn, vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia.

Những bước tiến vượt bậc

Việt Nam đóng vai trò là Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực Đông Nam Á, sẽ hỗ trợ các nước thành viên trong phân tích, trao đổi về thời tiết và các hiện tượng nguy hiểm trên khu vực Đông Nam Á giữa chuyên gia Tổ chức khí tượng thế giới(WMO), các dự báo viên thuộc các nước thành viên trong dự án Trình diễn thời tiết nguy hiểm; Dự báo viên sẽ cùng trao đổi các quá trình xây dựng bản tin cảnh báo mưa lớn, gió mạnh và khả năng ứng dụng các bản tin cảnh báo của Trung tâm RFSC Hà Nội đối với các bản tin nghiệp vụ của các nước thành viên; Trao đổi kết quả dự báo các sản phẩm từ mô hình số trị và những cảnh báo từ Trung tâm RFSC Hà Nội; Hợp tác thực hiện các bản tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm điển hình. Để nâng cao trình độ dự báo viên, tiếp cận công nghệ mới phục vụ hiệu quả công tác cảnh báo, dự báo bão và các thiên tai nguy hiểm, Trung tâm KTTV Quốc gia đã tranh thủ mọi nguồn lực và sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Phần Lan và các đối tác quốc tế khác đẩy mạnh việc xây dựng, lắp đặt thiết bị, đào tạo nhân lực thực hiện mục tiêu hiện đại và đồng bộ hóa mạng lưới radar thời tiết trên phạm vi cả nước. Trong năm 2018 dự kiến sẽ có thêm 5 radar thời tiết công nghệ mới và 3 radar thời tiết khác được nâng cấp, đầu tư mới do Chính phủ Phần Lan hỗ trợ sẽ đưa vào hoạt động nhằm đồng bộ mạng lưới radar thời tiết trên phạm vi cả nước, phục vụ việc theo dõi cảnh báo, dự báo bão và các hình thế thời tiết nguy hiểm.

Cũng trong giai đoạn 2018 - 2020, với sự hỗ trợ của WMO và Trung tâm nghiên cứu Thủy văn Mỹ, Việt Nam sẽ thiết lập và điều hành hệ thống Cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á, nếu Trung tâm cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á đi vào hoạt động Việt Nam sẽ là nơi: Đặt máy chủ và vận hành hệ thống các mô hình; tiếp nhận sản phẩm mây vệ tinh của cơ quan khí tượng Mỹ NOAA, trao đổi số liệu quan trắc KTTV và sản phẩm dự báo giữa các tổ chức tham gia dự án. Thực hiện kiểm tra và giám sát việc cung cấp sản phẩm, bản tin cảnh báo lũ quét cho các trung tâm quản lý thiên tai khu vực của các nước trong dự án. Hỗ trợ và tham gia vào các chương trình đào tạo về hệ thống cảnh báo lũ quét được tổ chức bởi WMO và HRC. Các sản phẩm dự kiến bao gồm: Cảnh báo sạt lở đất; Dự báo lũ; Dự báo ngập lụt đô thị và Dự báo thủy văn tháng.

Theo ông Lê Hồng Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, đến năm 2020, mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn có mật độ trạm tương đương với các nước phát triển và tự động hóa trên 90% số trạm quan trắc, đồng thời tăng cường các hệ thống đo đạc từ xa, bảo đảm theo dõi liên tục các biến động về thời tiết, khí hậu, tài nguyên nước, đáp ứng đầy đủ dữ liệu cho dự báo khí tượng thủy văn theo phương pháp tiên tiến và các nhu cầu khác. Số hóa toàn bộ tư liệu khí tượng thủy văn trên giấy, hoàn thiện ngân hàng dữ liệu khí tượng thủy văn hiện đại và gia tăng giá trị kinh tế - kỹ thuật của số liệu khí tượng thủy văn. Nâng cao vai trò thông tin khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu ứng với các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm khai thác hợp lý các điều kiện tự nhiên thuận lợi, hạn chế những thiệt hại do các điều kiện bất lợi và biến đổi khí hậu gây ra; hình thành hệ thống dịch vụ khí tượng thủy văn chuyên dụng với sự tham gia của các bộ, địa phương và các thành phần kinh tế.

Tăng cường hợp tác quốc tế

Ông Trần Hồng Thái – Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn từng chia sẻ: Khí tượng là một ngành không biên giới. Sự hỗ trợ, chia sẻ của cộng đồng khí tượng thế giới trong công tác quan trắc, nghiên cứu phục vụ dự báo, cảnh báo thiên tai là một trong những điều tự hào của cộng đồng khí tượng mà không phải lĩnh vực nào cũng có thể làm được. Là một thành viên của WMO, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ chia sẻ từ các tổ chức trực thuộc nói chung và từ các quan hệ song phương với các nước thành viên nói riêng. Sự phát triển của ngành khí tượng hiện nay (năng lực cán bộ nâng cao, công nghệ dự báo tiên tiến, mạng lưới trạm đang dần tự động hóa) là một trong những minh chứng cho những kết quả hợp tác quốc tế của ngành khí tượng Việt Nam.

 Hợp tác song phương giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế trong lĩnh vực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Ngoài ra, kể từ khi Việt Nam được chọn làm Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực của WMO đến nay, đã có hơn 50 lượt cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ thuật tiếp cận trình độ quốc tế ở một số nước tiên tiến như: Vương quốc Anh, Na Uy, Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc…. Triển khai thành công Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực của WMO sẽ góp phần đạt được mục tiêu “Đến năm 2020, ngành KTTV Việt Nam đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á” theo như Chiến lược Phát triển ngành.

Nhằm thúc đẩy chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn Việt Nam chúng ta cần đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương và  đa phương, tham gia tích cực các hoạt động trong khuôn khổ của các tổ chức mà Việt Nam đang là thành viên (WMO, Ủy ban Bão, Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN) trên cơ sở chủ động, bảo đảm định hướng phát triển của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam. Mở rộng các hoạt động hợp tác song phương với các đối tác chiến lược (Phần Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…). Hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực quan trắc, trao đổi thông tin, dự báo, cảnh báo, đào tạo, trao đổi chuyên gia. Tăng cường vận động, tiếp nhận nguồn hỗ trợ quốc tế để phát triển hệ thống quan trắc, nâng cao năng lực dự báo, đáp ứng các đòi hỏi ngày càng cao của phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của nhân dân.

Minh Ngọc