Thúc đẩy liên kết sản xuất an toàn, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hồ tiêu

- Thứ Sáu, 26/11/2021, 05:18 - Chia sẻ
Là quốc gia sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm 60% sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của toàn thế giới nhưng ngành hồ tiêu phải đối mặt với nhiều quy định khắt khe về chất lượng của các thị trường, đặc biệt là quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Để từng bước giải quyết vấn đề này, chiều 25.11, Cục Bảo vệ thực vật, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững đã tổ chức Hội thảo Giới thiệu Dự án thúc đẩy sản xuất và thương mại hồ tiêu bền vững tại Việt Nam.

Hồ tiêu chủ yếu xuất khẩu thô

Từ năm 2001 đến nay, Việt Nam luôn giữ vị thế số 1 thế giới về sản lượng sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Tuy nhiên, từ sau năm 2016 đến hết năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu nước ta liên tục tụt dốc, dù sản lượng liên tục tăng. Năm 2017 là 1,12 tỷ USD; năm 2018 xuống 758,8 triệu USD; năm 2019 là 722 triệu USD. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tiêu của Việt Nam chỉ còn 666 triệu USD, thấp hơn cả giá trị xuất khẩu năm 2010.

Sau 4 năm giá hồ tiêu liên tục đi xuống, đến đầu năm 2021 giá tiêu bắt đầu hồi phục trở lại và tăng nhanh qua từng tháng. Nếu như tháng 1.2021, giá tiêu thô chỉ ở mức 50.000 đồng/kg, thì đến cuối tháng 10.2021 giá tiêu đã chạm mốc 90.000 đồng/kg. Nhờ giá bán tăng cao, xuất khẩu hạt tiêu trong 10 tháng đã đem về 783 triệu USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm trước. Ngành hồ tiêu đang tự tin sẽ giành lại mốc 1 tỷ USD khi kết thúc năm 2021.

Tuy nhiên, hiện diện tích trồng tiêu bền vững mới đạt khoảng 10%. Hồ tiêu Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu thô, các sản phẩm tiêu chế biến chưa đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn khắt khe của thị trường khó tính. Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương cho rằng, để sản xuất và thương mại bền vững, việc bảo đảm không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu là rất quan trọng. Ngành hồ tiêu cần chuyển đổi từ sản xuất theo số lượng sang tập trung nâng cao chất lượng và cải tiến hệ thống sản xuất để có chất lượng tốt hơn, đồng thời giúp nông dân có thu nhập bền vững.

Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, trong quá trình sản xuất hồ tiêu do sâu bệnh gây hại nên người nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng chống. Tuy nhiên, một số nông dân dùng loại thuốc kém chất lượng, sử dụng không đúng cách hoặc chưa đủ thời gian cách ly nên dẫn tới tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong hồ tiêu. Một nguyên nhân khác có thể bị nhiễm chéo trong quá trình sản xuất và lưu trữ của người nông dân.

Để tăng tỷ lệ sản phẩm tiêu qua chế biến trong cơ cấu xuất khẩu của ngành, Chánh Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam Lê Việt Anh cho rằng, phải thực hiện quy trình sản xuất hồ tiêu bền vững, doanh nghiệp cần đầu tư cho người nông dân, từ sản xuất cho tới thu hoạch. Doanh nghiệp liên kết sản xuất với người nông dân theo quy trình canh tác bền vững như: tập huấn kỹ thuật, quy trình canh tác thông quan nhật ký nông hộ... từ vùng nguyên liệu canh tác tiêu phải an toàn, đến hệ thống nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, như vậy sản phẩm mới có thể vào được thị trường lớn đòi hỏi chất lượng cao, tạo tiền đề để phát triển ngành tiêu chế biến sau này.

Hội thảo Giới thiệu Dự án thúc đẩy sản xuất và thương mại hồ tiêu bền vững tại Việt Nam được tổ chức trực tuyến chiều 25.11

Thúc đẩy hợp tác để sản xuất, xuất khẩu bền vững

Hồ tiêu Việt Nam chiếm khoảng 45% hồ tiêu nhập vào châu Âu. Để hỗ trợ ngành hồ tiêu Việt Nam nhằm đạt được những lợi ích từ các cam kết thương mại song phương và khu vực mới, trong đó tập trung vào việc thực hiện EVFTA; thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ Việt Nam sang EU, Liên minh châu Âu đã hỗ trợ dự án này.

Ông Matthieu Penot, Tùy viên Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, dự án sẽ hỗ trợ chuỗi cung ứng hồ tiêu đến năm 2023 và sẽ góp phần vào tăng trưởng bền vững của ngành. Mục tiêu là cải thiện đời sống của 10.000 hộ nông dân trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên và giúp các doanh nghiệp sản xuất và chế biến hồ tiêu tăng sản lượng.

Dự án sẽ thúc đẩy sự tham gia tích cực của các bên liên quan vào các hoạt động của dự án như tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân. Các doanh nghiệp sẽ tham gia hỗ trợ đào tạo, giám sát thực hành canh tác; cơ quan quản lý - Cục Bảo vệ thực vật là đầu mối - sẽ thúc đẩy việc hoàn thiện hệ thống chính sách và năng lực trong quản lý hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm, thúc đẩy liên kết sản xuất an toàn, giám sát an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc hồ tiêu nhằm đưa sản lượng hồ tiêu đạt chuẩn thị trường yêu cầu và bảo đảm thu nhập ổn định cho nông dân trồng hồ tiêu, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu hướng đến mục tiêu phát triển hồ tiêu bền vững.

Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương khẳng định, hỗ trợ của Liên minh châu Âu thông qua dự án này có ý nghĩa rất quan trọng và đúng thời điểm giúp đóng vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp trong nước và châu Âu cùng tham gia vào một mục tiêu chung phát triển ngành hồ tiêu bền vững. Đặc biệt, sự hợp tác công - tư sẽ phát huy được thế mạnh các bên. “Khối công hỗ trợ tạo môi trường chính sách thuận lợi, khối tư sẽ có vai trò tích cực trong kết nối thị trường và bảo đảm sản xuất bền vững đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn của thị trường”, ông Dương nhận định.

Ông Huỳnh Tiến Dũng - Giám đốc của tổ chức IDH tại Việt Nam cũng cho rằng, việc hợp tác công - tư cùng với sự hỗ trợ tài chính của Liên minh châu Âu sẽ thúc đẩy việc liên kết chuỗi sản xuất hồ tiêu bền vững một cách toàn diện hơn, mang lại lợi ích không chỉ cho các doanh nghiệp Việt Nam, và châu Âu mà còn nâng cao thu nhập cho nông dân trồng hồ tiêu Việt Nam và  bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng châu Âu. Đây là hướng đi bền vững, lâu dài cho ngành hồ tiêu Việt Nam.

Duy Anh