Nhân chuyến thăm làm việc với Nghị viện châu Âu và Vương quốc Bỉ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam:

Thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU

- Thứ Tư, 08/09/2021, 05:45 - Chia sẻ
Ngay sau khi tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta sẽ thăm làm việc với Nghị viện châu Âu và Vương quốc Bỉ. Với các hoạt động phong phú không chỉ qua kênh nghị viện mà còn với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), Bỉ, các doanh nghiệp hàng đầu của châu Âu, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU, quan hệ hữu nghị và truyền thống Việt Nam - Bỉ.

Hợp tác nghị viện - trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam - EU

Trong những năm qua, quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu (EP) không ngừng được thúc đẩy và phát triển tốt đẹp, trở thành trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU. Hai bên duy trì quan hệ trao đổi thông tin, đối thoại về những vấn đề tồn tại trong quan hệ song phương nhằm cùng đưa ra giải pháp vì lợi ích chung (như vấn đề chống đánh bắt cá trái phép, không khai báo, không theo quy định).

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - EU tiếp tục phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, ngày càng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt sau khi ký kết Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện - PCA năm 2016 và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) trong năm 2019. Hiện EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ và Trung Quốc) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN và Nhật Bản). Từ khi EVFTA có hiệu lực, kim ngạch thương mại hai chiều đã phát triển tích cực bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch Covid - 19. EU có quan điểm nhất quán phản đối các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, xói mòn môi trường an ninh hàng hải, hàng không tại khu vực, ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp biển trên cơ sở luật pháp quốc tế. EU xem Việt Nam là hình mẫu gắn kết giữa thương mại, phát triển bền vững và bảo vệ quyền con người; khẳng định ưu tiên đối thoại trong xử lý các vấn đề cùng quan tâm.

Đối với Vương quốc Bỉ, sau gần 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước không ngừng phát triển thông qua các hoạt động tiếp xúc chính trị, trao đổi đoàn cấp cao, thành lập Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế (cấp Chính phủ). Chính phủ mới của Bỉ tích cực và ủng hộ việc ký kết, thông qua EVFTA, EVIPA, mong muốn thúc đẩy quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và EU. Tuy Bỉ là một thị trường không lớn nhưng quan hệ thương mại, đầu tư giữa Bỉ và Việt Nam ở mức cao so với nhiều nước EU và châu Âu khác. Bỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam trong EU và đứng thứ 23/131 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Quan hệ hợp tác nghị viện Việt Nam và Bỉ được triển khai ở các cấp độ, với Nghị viện liên bang, Nghị viện các Vùng và Cộng đồng ngôn ngữ và thông qua các chuyến thăm cấp cao, gặp gỡ, tiếp xúc giữa các nghị sĩ, phối hợp trên các diễn đàn nghị viện đa phương (Liên minh Nghị viện thế giới, Hội nghị Đối tác nghị viện Á - Âu, Liên minh Nghị viện Pháp ngữ - APF). Hai bên chia sẻ nhận thức chung về tiềm năng hợp tác to lớn, sâu rộng trong quan hệ song phương cũng như những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của thượng tôn pháp luật, giải quyết mọi bất đồng trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Mối quan hệ gần gũi, vững chắc

Chuyến thăm làm việc với EP và các nước châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đến châu Âu sau một thời gian bị gián đoạn bởi đại dịch Covid - 19 và ngay sau khi Việt Nam kiện toàn nhân sự lãnh đạo cấp cao của bộ máy Nhà nước nhiệm kỳ mới. Chuyến thăm là sự mở đầu cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Lãnh đạo cao nhất của cơ quan lập pháp hai bên trong nhiệm kỳ mới, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, phòng, chống dịch Covid - 19…

Theo Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến châu Âu diễn ra ở thời điểm rất thích hợp cho tương lai mối quan hệ Việt Nam - EU, là chỉ dấu cho thấy hai bên đang có mối quan hệ gần gũi và vững chắc. “Với thành phần Đoàn bao gồm Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ trưởng, Thứ trưởng… đã thể hiện sự quan tâm của Việt Nam và các nhà lãnh đạo Việt Nam sẵn lòng tiếp nối mối quan hệ chặt chẽ và tích cực với EU. Chúng tôi rất vui mừng và chờ đón chuyến thăm của Ngài Chủ tịch”, Đại sứ Giorgio Aliberti chia sẻ.

EP và Quốc hội Việt Nam đều đã phê chuẩn EVFTA và EVIPA. Sau hơn một năm thực hiện EVFTA, quan hệ kinh tế thương mại giữa hai bên đã phát triển rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn có một số vấn đề vướng mắc. “Điều này là bình thường vì EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn rất cao với những giá trị vượt lên trên giá trị thông thường của một hiệp định thương mại và rất quan trọng cả về khía cạnh xã hội, môi trường. Do đó, hai bên phải nỗ lực hợp tác và cần có những cuộc tiếp xúc ở cấp cao để thực hiện hiệu quả Hiệp định này. Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam là cơ hội để các nhà lãnh đạo EU thể hiện sự ủng hộ đối với Việt Nam”, Đại sứ Giorgio Aliberti nhấn mạnh.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà, chuyến thăm của người đứng đầu cơ quan lập pháp nước ta thể hiện thiện chí của Việt Nam trong việc triển khai các cam kết với EU. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ có cuộc hội đàm với Chủ tịch EP, hội kiến Chủ tịch Hội đồng châu Âu; làm việc với Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) và một số nghị sĩ là thành viên Ủy ban có vai trò chủ chốt thúc đẩy việc thực hiện Hiệp định, các Nhóm nghị sĩ hữu nghị với ASEAN cũng như Việt Nam. “Vấn đề nào còn có sự khác biệt hai bên sẽ cùng thảo luận, trao đổi, các cơ chế để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU cũng sẽ được thảo luận. Đặc biệt, về hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và EP, chúng tôi đã thống nhất cùng với Ủy ban Thương mại quốc tế nghiên cứu hình thành cơ chế liên nghị viện để thúc đẩy việc thực hiện EVFTA”, ông Vũ Hải Hà cho biết. Cùng với đó là thúc đẩy nghị viện một số nước thành viên EP sớm phê chuẩn EVIPA để bảo đảm thương mại và đầu tư song hành với nhau. Đoàn Việt Nam cũng sẽ trao đổi với các nhà lãnh đạo EU, EP về những kết quả của Việt Nam thực hiện các khuyến nghị của EU về đánh bắt thủy hải sản (IUU).

Với Bỉ, dự kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ hội kiến Chủ tịch Hạ viện Bỉ, Thủ tướng Bỉ; gặp gỡ một số doanh nghiệp đang triển khai các dự án hợp tác hoặc có tiềm năng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng, cảng biển, logistics, công nghệ thông tin… đồng thời trực tiếp tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, diễn đàn doanh nghiệp, gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp và tiếp một số doanh nghiệp lớn nhằm giới thiệu môi trường đầu tư cũng như các dự án kêu gọi ưu tiên đầu tư…

Bên cạnh các hoạt động chính thức của Chủ tịch Quốc hội với lãnh đạo các đối tác, các nước, trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ tổ chức các hoạt động doanh nghiệp để kết nối thương mại, đầu tư. Chủ tịch Quốc hội sẽ tham dự các diễn đàn doanh nghiệp, tiếp các doanh nghiệp lớn... Dự kiến, một số hợp đồng về đầu tư sẽ được các doanh nghiệp của hai bên ký kết và triển khai, đặc biệt là trong những lĩnh vực phù hợp với điều kiện, khả năng và có thế mạnh của Việt Nam cũng như phù hợp với các chủ trương, kế hoạch chuyển đổi mô hình kinh tế của Việt Nam sau đại dịch, đặc biệt là chuyển đổi số.

Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam Paul Jansen cho rằng, cùng với quan hệ hợp tác giữa hai Chính phủ, mối quan hệ hợp tác giữa nghị viện Bỉ và Quốc hội Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng. Là cơ quan đại diện cho người dân mỗi nước, các nghị sĩ và cơ quan lập pháp hai nước cần tăng cường hợp tác để thảo luận các khía cạnh của mối quan hệ song phương nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Đại sứ Paul Jansen cũng hy vọng cơ quan lập pháp hai nước sẽ sớm thành lập Nhóm nghị sĩ hữu nghị trong nhiệm kỳ mới để hai bên tiếp tục thảo luận về các vấn đề hợp tác song phương cũng như các vấn đề quốc tế cùng quan tâm. Đại sứ Bỉ tin tưởng chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Phạm Thúy