Thúc đẩy phòng, chống dịch thông qua thảo luận

- Thứ Bảy, 16/10/2021, 06:14 - Chia sẻ
Tại Kỳ họp thứ 2 tới đây, Quốc hội nên dành thời gian thảo luận riêng về tình hình phòng, chống dịch Covid-19, không nên gộp vào trong các phiên thảo luận chung về kinh tế - xã hội.

Các phiên thảo luận của Quốc hội là công cụ quan trọng nhất để làm rõ các vấn đề sau đây: 1. Định hướng chiến lược và mô thức phòng, chống dịch như vừa qua đã chuẩn xác chưa? 2. Hiệu quả thực tế của các giải pháp phòng, chống dịch đã được đề ra là như thế nào? 3. Các tác động hay hiệu ứng phụ của các giải pháp phòng, chống dịch là như thế nào? 4. Phép cân đối giữa hiệu quả phòng, chống dịch và tác động phụ (không mong muốn) lên đời sống kinh tế - xã hội của đất nước như thế nào? 5. Phép cân đối giữa chi phí và hiệu quả phòng, chống dịch đang như thế nào? 6. Để cải thiện tình hình, có cần tái định hướng chiến lược phòng, chống dịch không? Những giải pháp mới cần phải đề ra là gì? 7. Như một thể chế được sinh ra để bảo đảm trách nhiệm giải trình, Quốc hội có thể và cần phải làm gì?...

Để làm sáng tỏ những vấn đề nói trên, chất lượng của phiên thảo luận là điều kiện tiên quyết. Chất lượng của các phiên thảo luận lại phụ thuộc vào ba yếu tố: 1. Quy trình, thủ tục thảo luận; 2. Văn hóa tranh luận/thảo luận; 3. Các thông tin có liên quan.

Về quy trình, thủ tục, áp dụng các quy phạm của luật nghị viện là rất quan trọng (luật nghị viện là luật điều chỉnh các phiên họp toàn thể của nghị viện). Tuy nhiên, trong hoàn cảnh của nước ta, có một vấn đề cần quan tâm xử lý, đó là tính chất đại diện cho các tỉnh, thành phố của Quốc hội. Tham gia thảo luận sẽ là các đại biểu từ 63 đoàn đại biểu Quốc hội của 63 tỉnh, thành phố. Bảo đảm quyền được phát biểu công bằng không chỉ cho các đại biểu, mà còn cho các đoàn đại biểu là điều không hề đơn giản. Nên chăng, các đoàn có thể ưu tiên để đại biểu nắm sâu nhất của đoàn mình phát biểu. Ngoài ra, cũng có thể áp dụng quy phạm của luật nghị viện về việc một đoàn không thể được phát biểu hai lần về cùng một vấn đề, khi các đoàn khác chưa được phát biểu. Tất nhiên, Quốc hội cũng có thể quyết định bỏ qua việc phát biểu theo đoàn, mà thực hiện nguyên tắc đại biểu nào nắm sâu hơn thì đại biểu đó phát biểu. Tuy nhiên, để thực hiện được nguyên tắc này văn hóa tranh luận/thảo luận là rất quan trọng.

Về văn hóa tranh luận/thảo luận, đây là những thành tựu đạt được liên quan đến các chuẩn mực tranh luận/thảo luận tại nghị trường. Có rất nhiều chuẩn mực, nhưng quan trọng nhất là tranh luận phải dựa trên cơ sở của chứng cứ và số liệu. Do phải có chứng cứ, số liệu mới có thể tranh luận, nên thông thường các nghị sĩ không thể nói dài.

Về thông tin, ngoài việc các vị đại biểu tự mình thu thập, Viện Nghiên cứu lập pháp, Thư viện Quốc hội có thể cung cấp những thông tin liên quan. Có vẻ những thông tin sau đây là không thể thiếu: Số người bị nhiễm, số người bị phát bệnh, số người tử vong, số người được tập trung cách ly, số người được tập trung chữa trị…; các tỷ lệ có liên quan - tỷ lệ người tự nhiễm tự khỏi so với người phát bệnh, tỷ lệ tiêm chủng, tỷ lệ người đã tiêm chủng đầy đủ tự nhiễm - tự khỏi; tỷ lệ đã tiêm chủng đầy đủ phát bệnh…; số người dân phải hỗ trợ về an sinh xã hội, số người dân trở về địa phương qua hai đợt, số doanh nghiệp phá sản, số người bị thất nghiệp…; các chi phí liên quan đến phòng, chống dịch; các thông tin tương ứng của các nước trên thế giới để tham khảo. 

Phần lớn những thông tin này sẽ được cung cấp trong các báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, những thông tin được thu thập độc lập cho các đại biểu có ý nghĩa rất quan trọng, giúp các đại biểu nhìn nhận, đánh giá thực chất các vấn đề. Ngoài ra, thông tin là một chuyện, mà thông tin nói gì lại là một câu chuyện khác. Những phân tích, đánh giá dựa trên thông tin cũng cần được cung cấp cho các đại biểu.

Khi chất lượng của các phiên thảo luận về công tác phòng, chống dịch được bảo đảm, thì quả thật mọi vấn đề đều sẽ được làm sáng tỏ. Khi đó, cho dù Quốc hội không có động tác gì thêm, thì Chính phủ vẫn có thể tự mình điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, cũng như đề ra những giải pháp cần thiết để thúc đẩy công việc này.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng