Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và UNESCAP

- Thứ Sáu, 06/08/2021, 05:34 - Chia sẻ
Chiều 5.8, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà đã hội đàm trực tuyến với Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) Armida Salsiah Alisjahbana.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà tại cuộc hội đàm
Ảnh: Thanh Chi

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà hy vọng, cuộc trao đổi lần này sẽ cung cấp thông tin quý, tạo nền tảng để Ủy ban Đối ngoại và Quốc hội Việt Nam thực hiện tốt vai trò cũng như tham gia sâu hơn vào quá trình thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân cũng như tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Thư ký điều hành UNESCAP Armida Salsiah Alisjahbana cho biết, trong những năm qua, UNESCAP đã hợp tác với nhiều quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm nâng cao năng lực thực hiện SDGs; xây dựng các báo cáo về tiến trình thực hiện SDGs. UNESCAP đã hợp tác với Việt Nam trong xây dựng hệ thống dữ liệu và thống kê về việc thực hiện SDGs ở cấp quốc gia, tiểu khu vực và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Thư ký điều hành UNESCAP bày tỏ mong muốn, UNESCAP và Ủy ban Đối ngoại, Quốc hội Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của Quốc hội trong thúc đẩy thực hiện SDGs.

Thông tin về việc thực hiện SDGs ở Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết, nhằm thực hiện Chương trình nghị sự 2030, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10.5.2017 về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững 2030. Kế hoạch hành động quốc gia này đã đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ và phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thông qua Kế hoạch hành động, 17 mục tiêu tổng quát và 169 mục tiêu cụ thể của Chương trình Nghị sự 2030 đã được quốc gia hóa thành 17 mục tiêu tổng quát và 115 mục tiêu cụ thể của Việt Nam, phù hợp với điều kiện và bối cảnh phát triển của Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng cho biết, với chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thực đẩy thực hiện SDGs; thảo luận, thông qua các đạo luật, chiến lược quốc gia, quyết định ngân sách cho chương trình mục tiêu liên quan đến phát triển bền vững; thẩm tra, phê chuẩn các công ước, điều ước quốc tế về quyền con người.

Nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của Quốc hội và Ủy ban Đối ngoại với việc thúc đẩy thực hiện các SDGs trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nhấn mạnh, Quốc hội và Ủy ban Đối ngoại rất cần sự hợp tác lâu dài, tư vấn chuyên môn và hỗ trợ của UNESCAP. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng đề nghị UNESCAP thúc đẩy dự án, kế hoạch hợp tác với Ủy ban Đối ngoại, cơ quan đầu mối của Quốc hội về SDGS, nhằm tăng cường vai trò của Quốc hội trong thực hiện SDG; phối hợp với Ủy ban Đối ngoại xây dựng các Bộ Công cụ hướng dẫn Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp nhằm nâng cao hoạt động giám sát thực thi các SDGs trong lĩnh vực chuyên môn phụ trách, đồng thời, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình hoạt động của Quốc hội về các vấn đề phát triển bền vững. Nhằm thực hiện các nhiệm vụ này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng cho rằng, trong các chương trình hợp tác trong tương lai giữa UNESCAP và Ủy ban Đối ngoại, cần chú trọng tăng cường năng lực cán bộ, công chức của các cơ quan của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp trong tham mưu về giám sát thực hiện SDGs.

Nhất trí với các đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Thư ký điều hành UNESCAP đề nghị, hàng năm, Quốc hội cử đại biểu tham dự diễn đàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương về phát triển bền vững do UNESCAP và Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) tổ chức. Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng đề nghị, UNESCAP và Ủy ban Đối ngoại thiết lập đầu mối liên lạc nhằm tích cực trao đổi, thảo luận và thúc đẩy hợp tác ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn.

Thanh Chi