Thúc đẩy thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ với sáng chế sử dụng ngân sách Nhà nước

- Thứ Bảy, 28/08/2021, 16:55 - Chia sẻ
Sáng 28.8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật và Viện Nghiên cứu lập pháp đã phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
		Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật phát biểu khai mạc
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì hội thảo

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện một số bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học...  

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai tới. Ngay sau khi dự án Luật được đưa vào chương trình, Ủy ban Pháp luật, Viện Nghiên cứu lập pháp đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hội thảo, hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp, Hội nghị góp ý dự thảo Luật được tổ chức theo hình thức trực tuyến, để kịp thời phục vụ cho công tác thẩm tra; cung cấp thêm cơ sở khoa học, thực tiễn giúp làm rõ các nội dung được đề nghị sửa đổi, bổ sung tại luật hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại hội thảo
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu khai mạc

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý, Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung vào các năn 2009, 2019) đã tạo lập môi trường pháp lý hữu hiệu nhằm phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trong thời gian qua. Nhưng qua 15 năm thi hành, trước sự vận động, phát triển nhanh chóng của các quan hệ kinh tế - xã hội, khu vực và trên thế giới, nhất là những cơ hội, thách thức do cuộc Cách mạng công nghiêp lần thứ tư và yêu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, một số quy định của Luật đã bộc lộ bất cập, cần kịp thời sửa đổi, bổ sung. Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật gợi mở một số vấn đề cần tập trung thảo luận gồm: Mức độ đáp ứng yêu cầu khắc phục ngay vướng mắc, bất cập của luật hiện hành; Việc nội luật hóa đầy đủ các cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thanh viên; Sự đồng bộ, thống nhất với các luật liên quan và phương án hoàn thiện...

		Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Nhiều ý kiến cho rằng, hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, cập nhật được nhiều kinh nghiệm quốc tế và cơ bản bao quát khá đầy đủ những vấn đề đang nảy sinh trong thực tiễn thi hành, quá trình hội nhập quốc tế của nước ta. Tuy nhiên, với các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, một số ý kiến nhấn mạnh, sự phát triển của khoa học, công nghệ hiện nay đã có nhiều loại hình tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học mới, khó có thể dự liệu hết. Do vậy, quy định về các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả cần bổ sung quy định mở, cho phép bao quát, dự liệu những trường hợp có thể xảy ra trong tương lai, góp phần bảo vệ tốt nhất quyền lợi của chủ thể sáng tạo tác phẩm.

Về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ hoặc một phần ngân sách Nhà nước, dự thảo Luật quy định theo hướng giao tổ chức chủ trì hoặc tổ chức, cá nhân khác thực hiện đăng ký, thay vì do Nhà nước thực hiện như quy định hiện hành. Việc sửa đổi Luật như vậy sẽ thúc đẩy thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ với các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí nêu trên. Tuy nhiên, để tránh phát sinh vướng mắc trong quá trình thi hành, cần bổ sung các giải thích thuật ngữ “ủy quyền”, “giao quyền” tại dự thảo Luật; quy định phương án xử lý với trường hợp tổ chức chủ trì không thực hiện quyền đăng ký sáng chế được giao; thời hạn tổ chức chủ trì phải thực hiện đăng ký...

P.Thủy