Chuyên mục Chọn nhân sự - Lựa nhân tài

Thực hiện cạnh tranh lành mạnh

- Thứ Bảy, 29/08/2020, 06:49 - Chia sẻ
Có cạnh tranh mới có phát triển. Với quan điểm như vậy, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản VŨ VĂN PHÚC cho rằng, để lựa chọn lãnh đạo công tâm, hiệu quả, cần thực hiện cạnh tranh lành mạnh. Mỗi ứng cử viên phải có chương trình hành động nếu trúng cử và bản cam kết hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; kiên định con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân lựa chọn.

Tìm hạt giống đỏ

- Thưa ông, câu chuyện “con ông cháu cha” không còn lạ lẫm, bên cạnh mặt tích cực thì cũng cho thấy nguy cơ của nhóm lợi ích. Vấn đề là làm thế nào để xác định được người thực tài, trong đó những cá nhân xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng cần có cái nhìn công bằng, khách quan hơn trong đánh giá?

- Những gia đình có truyền thống cách mạng, và con em có đủ năng lực, phẩm chất trong những gia đình như vậy là vốn quý của dân tộc. Những người con chân chính của những gia đình có truyền thống cách mạng luôn phát huy truyền thống gia đình, tự tu dưỡng, rèn luyện, tự phấn đấu, trưởng thành trong thực tiễn; họ không ngại khó khăn, gian khổ, dám hy sinh lợi ích cá nhân, không dựa dẫm vào quyền thế của ông bà, cha mẹ, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao như bao thanh niên khác. Tôi cũng nhận thấy, họ luôn tu dưỡng, tôi luyện bản lĩnh chính trị, giữ vững phẩm chất đạo đức trong sáng, khiêm tốn học tập nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn để không hổ thẹn với truyền thống vẻ vang của gia đình. Họ là những người có tài năng thực sự, khao khát cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, tiếp bước con đường vẻ vang của cha, ông… Những con người trong sáng, tài năng ấy là những "hạt giống đỏ" rất quý cho đất nước, cho dân tộc.

- Nhưng cũng có những hạt giống chưa đỏ, được sắp sẵn vị trí nhưng không đủ cả về năng lực cũng như đạo đức, thậm chí người nhà giữ vị trí cao sử dụng quy trình để làm lợi cho con cháu mình, thưa ông?

- Khác với những người có tài năng thực sự được trưởng thành trong gia đình có truyền thống cách mạng, thực sự đáng quý; thì trong xã hội ta vẫn còn nhiều người đức không dày, tài không cao, năng lực, trình độ có hạn, nhưng lại được ông bà, bố mẹ “túm tóc” lôi lên, đặt ngồi vào ghế này ghế khác, “ngồi nhầm chỗ” trong hệ thống chính trị, giao cho những trọng trách quá sức gánh vác. Điều này vừa làm khổ con cháu vừa làm hại cho dân cho nước, mà xã hội thường gọi đó là lớp “con ông cháu cha”, theo kiểu phong kiến “cha truyền con nối”. Lúc này phải thấy rõ, chính ông bà, cha mẹ đã làm hỏng con cháu mình và chính những "con ông cháu cha" đó đã làm cản trở sự phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương, đất nước.

Bầu Bí thư trực tiếp tại Đại hội - thể hiện dân chủ và quyền lực cao hơn

- Mới đây, trong tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiều nơi đã thực hiện bầu Bí thư trực tiếp tại Đại hội, hoặc chỉ định Bí thư. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

- Việc Đại hội bầu trực tiếp Bí thư cấp ủy là sự phát huy cao độ dân chủ trong Đảng. Các đại biểu dự Đại hội trực tiếp bầu ra Bí thư cấp ủy của Đảng bộ. Đây là xu hướng tích cực, tiến bộ. Một tập thể lớn hơn Ban Chấp hành là Đại hội trực tiếp bầu Bí thư cấp ủy cho thấy tinh thần thực sự dân chủ, thể hiện quyền lực cao hơn của Đại hội so với việc Đại hội bầu ra Ban Chấp hành, rồi Ban Chấp hành bầu ra Bí thư như thông lệ.

Nhưng để thực sự dân chủ, thực sự bầu được Bí thư cấp ủy có đức có tài, theo tôi nên có ít nhất từ 2 ứng cử viên trở lên. Hiện nay, vẫn là một ứng cử viên bầu lấy một bí thư cấp ủy, thì có khi cũng trở thành hình thức, vì danh sách một, bầu lấy một, thì hầu hết ứng cử viên trúng cử bí thư.

Còn với trường hợp chỉ định Bí thư, tôi cho rằng, khi đã tổ chức Đại hội thì phải để Đại hội trực tiếp bầu Bí thư cấp ủy, không nên chỉ định Bí thư cấp ủy tại Đại hội. Vì Đại hội Đảng có hai nhiệm vụ quan trọng là đề ra chủ trương, đường lối, chính sách phát triển... và bầu cấp ủy, bí thư cấp ủy. Mà cấp ủy cấp trên lại chỉ định bí thư cấp ủy ngay tại Đại hội thì có nghĩa cấp ủy cấp trên đã “tước” quyền của Đại hội Đảng về việc bầu cấp ủy và bầu bí thư cấp ủy.

- Theo ông, giải pháp nào để lựa chọn lãnh đạo công tâm, hiệu quả, khách quan nhất?

- Để lựa chọn lãnh đạo công tâm, khách quan thì việc quán triệt và thực hiện nghiêm quan điểm, chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp, hai trọng tâm, năm đột phá được nêu trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19.5.2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; thực hiện nghiêm Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23.9.2019 của Bộ Chính trị “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”; thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25.10.2018 của Ban Chấp hành Trung ương “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” và các nghị quyết, quy định khác… về công tác cán bộ.

Nhằm lựa chọn được cán bộ lãnh đạo có tâm, có tầm, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, xin nhấn mạnh một số vấn đề cốt yếu.

Một là, người đứng đầu, đối với việc chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa mới là Tổng Bí thư cùng với Ban Chấp hành Trung ương đương nhiệm, phải thông qua nhiều kênh thông tin để đánh giá từng ứng cử viên một cách hết sức công tâm, khách quan, toàn diện các mặt (chính trị, tư tưởng, đạo đức, khả năng lãnh đạo quản lý, khả năng quy tụ đoàn kết, năng lực, trình độ công tác... ) theo tiêu chí nghiêm ngặt, chặt chẽ. Đặc biệt, thực sự không bị ảnh hưởng bởi "quan hệ - tiền tệ - hậu duệ", không cảm tính nhằm xem xét từng ứng cử viên có thực sự xứng đáng đưa vào danh sách trình Đại hội bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới không...

Hai là, phát huy cao độ dân chủ trong Đảng, cần công khai, minh bạch danh sách ứng cử viên, nhất là ứng cử viên dự kiến tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa mới (công khai đánh giá mặt mạnh, mặt yếu, công khai tài sản...) để toàn thể đảng viên xem xét, góp ý lựa chọn, giới thiệu những ứng cử viên xứng đáng nhất để Đại hội bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới. Hơn 5 triệu đảng viên toàn Đảng sẽ sáng suốt lựa chọn được những đảng viên ưu tú nhất đề cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới...

Ba là, thực hiện cạnh tranh lành mạnh. Mỗi ứng cử viên đều gửi tới đại biểu Đại hội chương trình hành động của mình nếu trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương và bản cam kết hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; kiên định con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân lựa chọn;  không tham ô, tham nhũng, tiêu cực...

- Xin cám ơn ông!

Hoàng Ngọc thực hiện