Giảm phát thải trong giao thông đô thị tại TP Hồ Chí Minh:

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

- Thứ Ba, 23/10/2018, 07:24 - Chia sẻ
Với 38,5 triệu tấn CO2, trong đó phát thải từ lĩnh vực giao thông đô thị chiếm đến 45%, các chuyên gia cho rằng, để bảo vệ môi trường sống an toàn cho người dân TP Hồ Chí Minh, cần có những giải pháp hiệu quả nhằm kiểm soát nguồn khí thải phát sinh từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch của động cơ, đồng thời thực hiện các giải pháp giảm kẹt xe, chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Gia tăng người mắc bệnh về đường hô hấp

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, nguồn phát sinh ô nhiễm không khí, trong đó có phát thải khí nhà kính chủ yếu từ 3 loại chính gồm hoạt động giao thông, cuộc sống đô thị và hoạt động công nghiệp. Trong đó, phát thải từ hoạt động giao thông được xác định là vấn đề cấp bách, khi TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 8,5 triệu xe máy tham gia giao thông. Trong quá trình hoạt động, các phương tiện giao thông thải lượng lớn các chất như bụi, CO, CO2, NOx, SOx, hơi xăng dầu, bụi chì, benzen… vào môi trường không khí.

 Bên cạnh đó, nhiều phương tiện cá nhân chưa thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hành, bảo dưỡng định kỳ; nhiều phương tiện đã quá hạn sử dụng, xe tự chế vẫn tham gia giao thông… Theo các chuyên gia, những điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí.

Ô nhiễm không khí đang trở thành vấn đề đáng báo động tại TP Hồ Chí Minh Nguồn: ITN

Trưởng phòng Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Hồ Quốc Bằng cho biết, carbon monoxit (CO) - một trong những khí độc có trong môi trường không khí, là khí không mùi vị, có độc tính cao với sức khỏe con người và cực kỳ nguy hiểm. Nếu hít phải lượng lớn khí này sẽ dẫn tới thương tổn do giảm ôxy trong máu hay tổn thương hệ thần kinh, có thể gây tử vong.

Chủ tịch Hội Hô hấp TP Hồ Chí Minh Trần Văn Ngọc khẳng định, ô nhiễm môi trường không khí tác động lên hệ hô hấp gây ra một số bệnh như tắc nghẽn phổi mãn tính, viêm phế quản, ung thư phổi. Nghiên cứu gần đây liên quan giữa ô nhiễm không khí và sức khỏe chỉ ra rằng, có hơn 90% trẻ em dưới 5 tuổi tại TP Hồ Chí Minh mắc các bệnh về đường hô hấp. Ông Ngọc nhấn mạnh, với tình hình ô nhiễm không khí tại TP Hồ Chí Minh như hiện nay, người dân hàng ngày phải tiếp xúc với nhiều loại khí độc hại nên số lượng người mắc bệnh ngày càng nhiều với mức độ nặng.

Tổ chức giao thông khoa học

 TP Hồ Chí Minh đã triển khai các biện pháp hạn chế lưu thông đối với phương tiện giao thông cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện di chuyển công cộng, đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng như tăng số lượng, số tuyến, nâng cao chất lượng phục vụ, khuyến khích sử dụng nhiên liệu xăng sinh học thay thế nhiên liệu truyền thống.

Để giảm ô nhiễm không khí và phát thải từ hoạt động giao thông, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, thời gian qua TP Hồ Chí Minh đã triển khai các biện pháp tổ chức giao thông khoa học nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông, xây dựng và hoàn chỉnh các tuyến đường, trục chính đô thị, nút giao thông, cầu, hầm vượt sông nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông.

Theo các chuyên gia, quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch của động cơ gây nhiều ô nhiễm nên để giảm phát thải từ giao thông đô thị thì một trong những giải pháp cần thiết là chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch. Trong công nghệ sản xuất xe, cần thay đổi hiệu quả sử dụng nhiên liệu, từ đó sẽ giảm thiểu những khí độc hại, đồng thời chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng như xe buýt nhanh và đường sắt đô thị. Nhiều ý kiến cũng đề xuất giải pháp kiểm tra khí thải xe gắn máy, loại bỏ các loại xe cũ và thực hiện các giải pháp giảm kẹt xe, từ đó sẽ giảm được ô nhiễm không khí và giảm lượng phát thải từ hoạt động giao thông đô thị.

Hiện TP Hồ Chí Minh đã tham gia mạng lưới các thành phố lớn trên thế giới cam kết giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu (mạng lưới C40) để học hỏi kinh nghiệm của các nơi. Đồng thời, mở rộng quan hệ hợp tác với  Osaka (Nhật Bản) thực hiện các giải pháp xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh môi trường, hợp tác với Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam để nâng cao năng lực về giám sát phát thải, kiểm kê phát thải khí nhà kính trên phạm vi toàn thành phố.

Nguyễn Thúy