Kỷ niệm 76 năm ngày ban hành các Sắc lệnh về Tổ chức chính quyền địa phương

Thực hiện lời hứa với cử tri và nhân dân

- Thứ Ba, 21/12/2021, 07:00 - Chia sẻ
Trải qua hơn 76 năm kể từ Sắc lệnh SL63-SL ngày 22.11.1945 và Sắc lệnh 77-SL ngày 21.12.1945 về tổ chức HĐND và UBHC ở các xã, huyện, tỉnh và kỳ, thành phố, thị xã, nước ta có 7 luật về tổ chức chính quyền nhân dân địa phương được ban hành gắn liền với mỗi giai đoạn lịch sử phát triển của dân tộc, kế thừa và khẳng định bản chất của một nhà nước công bộc của dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Cử tri và Nhân dân kỳ vọng các đại biểu HĐND sẽ thực hiện nghiêm túc lời hứa khi vận động bầu cử, nỗ lực tham gia vào đời sống chính trị ở cấp độ cao nhất về trách nhiệm và sự liêm chính, một lòng một dạ phục vụ Nhân dân.

Những Sắc lệnh đầu tiên thiết lập chính quyền địa phương

Sau khi thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành nhiều sắc lệnh nhằm xây dựng một nhà nước theo tinh thần dân chủ, tiến bộ, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp. Trong đó, có 2 sắc lệnh quan trọng về chính quyền nhân dân địa phương. Đó là Sắc lệnh SL63-SL ngày 22.11.1945 và Sắc lệnh 77-SL ngày 21.12.1945 về tổ chức HĐND và UBHC ở các xã, huyện, tỉnh và kỳ, thành phố, thị xã. Đây là những văn bản pháp lý đầu tiên trong lịch sử lập pháp nước ta về tổ chức chính quyền địa phương nhằm hiện thực hóa các giá trị của nền dân chủ đến tận cơ sở.

Trải qua hơn 76 năm kể từ Sắc lệnh SL63-SL và Sắc lệnh 77-SL ra đời, nước ta có 7 Luật về tổ chức chính quyền nhân dân địa phương (1958, 1962, 1983, 1989, 1994, 2003, 2015) được ban hành gắn liền với mỗi giai đoạn lịch sử phát triển của dân tộc, kế thừa và khẳng định bản chất của một nhà nước công bộc của dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia đều do Nhân dân phán quyết, Nhân dân là người thực hiện quyền lực, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Thành quả vĩ đại đó thể hiện ý chí của Nhân dân, được chứng minh bằng lịch sử cách mạng dân tộc, khẳng định vai trò của HĐND, làm sâu sắc thêm bản chất tốt đẹp của chế độ dân chủ cộng hòa ở nước ta. 

Cử tri và Nhân dân kỳ vọng trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, đại biểu HĐND các cấp cũng thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn ý thức được rằng mình không chỉ là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của Nhân dân địa phương mà còn kế thừa, đại diện cho một thiết chế nhà nước dân chủ cộng hòa, là người đang gánh vác trách nhiệm thực thi dân chủ, chuyển hóa các giá trị thiêng liêng của nền dân chủ vào đời sống xã hội. Đó là một sứ mệnh cao cả được đặt trên vai đại biểu dân cử được Nhân dân tin tưởng ủy thác, gửi gắm.

Đại biểu HĐND tỉnh Lâm Đồng chất vấn nhiều nội dung bức xúc cử tri quan tâm tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Khóa X

Ảnh: N. Thu 

Tin vào nỗ lực của các đại biểu HĐND

HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 chỉ mới bắt đầu hoạt động nửa năm trong điều kiện đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Hơn lúc nào hết, cử tri và Nhân dân đặt niềm tin vào những người đại biểu của Nhân dân sẽ hành động, thực hiện đúng cam kết và lời hứa với cử tri trong chương trình vận động bầu cử.

Trước hết, cử tri và Nhân dân ghi nhận những nỗ lực của Quốc hội, HĐND các cấp đã tiếp nối truyền thống khát khao đổi mới và cống hiến, luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển bền vững của địa phương và đất nước. Đồng thời, kỳ vọng các đại biểu thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri và Nhân dân, ghi nhớ và có kế hoạch cụ thể để thực hiện chương trình hành động của mình nhằm đáp lại sự tín nhiệm và niềm tin của Nhân dân, thể hiện trách nhiệm chính trị trước Nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Thứ hai, các kỳ họp theo luật định là hình thức hoạt động chủ yếu của cơ quan dân cử để vận hành cơ chế Nhân dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội, thực hiện quyền lực Nhân dân; vì vậy, phải luôn đổi mới, hiệu quả, phù hợp với trạng thái bình thường mới trong phòng chống dịch Covid-19. Từ kinh nghiệm thành công Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV vừa qua, HĐND các cấp đã rút ra cho mình bài học theo tinh thần chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng, vào cuộc từ sớm, từ xa trong việc chuẩn bị kỳ họp cuối năm 2021 và các kỳ họp sau; tổ chức lấy ý kiến dân chủ các dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật, làm cách nào để người dân - đặc biệt là đối tượng chịu sự tác động của luật  nắm, hiểu được từ sớm, có thời gian nghiên cứu, góp ý, phản biện; cơ quan chủ trì soạn thảo có thời gian tiếp thu, phản hồi, trao đổi đa chiều…

Thứ ba, cử tri và Nhân dân kỳ vọng HĐND phối hợp chặt với MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện hiệu quả chức năng giám sát quyền lực theo “ủy quyền” và ý chí của Nhân dân. Qua đó, góp phần giữ vững kỷ cương, pháp luật, quản lý nhà nước có kế hoạch, đấu tranh chống tệ quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, tha hóa quyền lực trong bộ máy nhà nước.

Phát huy dân chủ, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Cử tri và Nhân dân kỳ vọng các đại biểu HĐND sẽ nỗ lực làm tròn trách nhiệm dân trao và quyền hạn pháp luật quy định; tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn, phát huy những phẩm chất, đạo đức cách mạng, giá trị cá nhân, giá trị của những lá phiếu tín nhiệm, từ đó tham gia vào đời sống chính trị ở cấp độ cao nhất về trách nhiệm và sự liêm chính, một lòng một dạ phục vụ Nhân dân.

ThS.Nguyễn Vân Hậu