Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà:

Thực hiện nguyên tắc “ở đâu có học sinh ở đó phải có giáo viên” một cách hợp lý”

- Thứ Năm, 11/11/2021, 17:17 - Chia sẻ
Chiều nay, 11.11, tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội về lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã tham gia giải trình, trả lời một số vấn đề có liên quan đến trách nhiệm của Bộ Nội vụ, cụ thể là về chế độ, chính sách và biên chế đối với giáo viên mầm non, phổ thông.

Đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa giáo dục và đào tạo

Về thực trạng thừa thiếu giáo viên hiện nay, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành rà soát rất kỹ lưỡng trên cơ sở báo cáo của 63 địa phương. Theo đó, số lượng giáo viên thiếu là 94.714 người, giáo viên thừa là 10.178 người, số biên chế đã giao nhưng chưa tuyển dụng được là 42.774 người. Giải quyết và khắc phục vấn đề này như thế nào kể cả về lâu dài và trước mắt? Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, chúng ta đang tập trung rất cao, quyết liệt để quán triệt và thực hiện tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương với mục tiêu giảm 10% số đơn vị sự nghiệp và giảm 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Trong giai đoạn 2017-2021, chúng ta đã làm rất thành công, đã giảm được 10% đơn vị sự nghiệp, giảm được 11,79% người hưởng lương. Giai đoạn 2021-2025, chúng ta tiếp tục thực hiện mục tiêu này theo tinh thần của Nghị quyết 19.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các địa phương phải tập trung rà soát, sắp xếp lại quy mô mạng lưới trường lớp một cách thật trách nhiệm để giảm điểm trường, giảm số trường, tăng trường liên cấp, liên xã và tăng trường bán trú. “Thực tiễn vừa qua đã rất nhiều địa phương làm rất thành công vấn đề này và đã giải quyết được một bài toán rất lớn về vấn đề biên chế cũng như tổ chức bộ máy. Có 37 địa phương làm rất tốt. Bên cạnh đó, cũng có những địa phương chưa thực sự quyết liệt để thực hiện vấn đề này”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết.

Ảnh: Quang Khánh
 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tham gia giải trình, trả lời một số vấn đề có liên quan đến trách nhiệm của Bộ Nội vụ
Ảnh: Quang Khánh

Một nhiệm vụ rất căn bản và quan trọng nữa theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ là phải tập trung để đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông ở những nơi có điều kiện. Vừa qua, cũng có rất nhiều tỉnh thành làm rất thành công vấn đề này. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vừa qua cũng phát sinh một số vướng mắc. Do đó, tới đây, Bộ Nội vụ sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ có liên quan sẽ rà soát lại toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là một số Nghị định đã triển khai như Nghị định 120, Nghị định 106, Nghị định 115 và mới nhất là Nghị định 60. Trên cơ sở đó, căn cứ vào một số các văn bản pháp luật để xem xét lại và cần thiết phải bổ sung những vấn đề gì để hoàn thiện thể chế và cơ chế chính sách để thực hiện vấn đề tự chủ và xã hội hóa trong giáo dục. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Nghị định để thay thế Nghị định 59. Vì Nghị định 59 là đẩy mạnh xã hội hóa cho tất cả các lĩnh vực, đến nay đã hết thời hiệu nên phải có Nghị định thay thế luôn để đẩy mạnh xã hội hóa.

Nêu đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại toàn bộ các văn bản quy định về định mức học sinh trên lớp, định mức giáo viên trên lớp cho phù hợp với từng vùng miền để thấy những điều kiện ở vùng cao thì khác, ở vùng thấp thì khác, từ đó, khẩn trương định hướng cơ cấu lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên gắn với việc nâng cao chất lượng theo đúng tinh thần Nghị quyết 19 cũng như Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo và cũng sớm tham mưu cho Chính phủ giải quyết những vấn đề vướng mắc rất là căn cốt như tự chủ đại học, các cơ sở giáo dục đại học hiện cũng đang rất lúng túng về vấn đề này.

“Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định, hợp đồng trong các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp để tạo cơ chế đẩy mạnh cho tự chủ và cũng tạo cơ chế để các đơn vị sự nghiệp công lập giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến giáo viên để chúng ta đừng bao giờ nghĩ là phải biên chế suốt đời mà phải có một cơ chế hoạt động theo đúng tinh thần Nghị quyết 19”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng nêu rõ, phải thực hiện nguyên tắc “ở đâu có học sinh ở đó phải có giáo viên nhưng một cách hợp lý”. Hợp lý ở đây là hợp lý về quy mô trường lớp, định mức giáo viên trên lớp; vừa kết hợp bổ sung giáo viên theo lộ trình từ nay đến năm 2025 nhưng gắn với phương án đẩy mạnh xã hội hóa và tự chủ để giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và vừa giải quyết giáo viên thừa, vừa tuyển dụng hết số biên chế đã được giao, vừa đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa giáo viên mầm non với giáo viên phục vụ cho đổi mới giáo dục… Trong điều kiện khó khăn trước mắt, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các địa phương có thể thực hiện việc hợp đồng giáo viên để thay thế cho giáo viên nghỉ hưu, nghỉ thai sản… nhưng trong định mức đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên

Về phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Chính phủ đã có Nghị định 127 năm 2018 về vấn đề này và thực tiễn cho thấy không có vấn đề gì khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Bộ trưởng mong muốn các địa phương căn cứ vào Nghị định này để rà soát, xem xét lại vấn đề phân cấp và thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo trên địa bàn để tạo sự liên thông trong việc điều động giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu, điều động từ địa phương này sang địa phương khác thuộc cấp huyện.

Ảnh: Quang Khánh

Chính phủ mới đây cũng đã ban hành Nghị định 89 về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 101 về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và viên chức, trong đó đã quyết định cắt giảm 150 chứng chỉ cho đào tạo, bồi dưỡng và kể cả hai chứng chỉ bắt buộc là tin học, ngoại ngữ. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà mong muốn, ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo  sớm căn cứ vào Nghị định này để rà soát và sửa đổi khẩn trương đối với “chùm” Thông tư 01, 02, 03, 04. “Bởi hiện nay, trong quá trình tổ chức thực hiện, chúng tôi đã tiếp nhận được rất nhiều đơn thư đề nghị từ giáo viên cơ sở trong việc còn những vướng mắc, bất cập. Nguyên nhân do chúng ta chưa tính đến sự chuyển tiếp đối với rất nhiều thế hệ giáo viên. Người ta đào tạo qua nhiều thế hệ đào tạo khác nhau nhưng đến giờ chúng ta căn cứ vào Luật Giáo dục mới thì đó là giáo viên mầm non thì phải tốt nghiệp cao đẳng, tiểu học trở lên thì phải tốt nghiệp đại học sư phạm. Chúng ta phải tính toán làm sao trong quá trình chuyển hạng, trong quá trình xếp lương giáo viên, bảo đảm giáo viên không thiệt thòi, tạo điều kiện cho giáo viên một cách tốt nhất”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.

Bên cạnh đó, trong tuyển dụng giáo viên mới, theo Bộ trưởng, cần phải giải quyết tiếp những tồn đọng liên quan đến số lượng giáo viên đã hợp đồng từ năm 2015 trở về trước. Vừa qua, chúng ta mới giải quyết khoảng 50.000 giáo viên. Nhưng vướng chủ yếu là do việc thực hiện “chùm” Thông tư nêu trên.

“Chúng tôi cũng mong muốn, để tạo cơ hội cho giáo viên đã có 10 năm, 15 năm hợp đồng trong các cơ sở giáo dục và đến bây giờ có cơ hội để người ta được xét tuyển vào ngành giáo dục", Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu quan điểm.

Hồ Long