Thực hiện sáng tạo "mục tiêu kép"

- Thứ Tư, 23/06/2021, 06:00 - Chia sẻ
Từ ngày 19.6, TP. Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai đồng loạt chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay. Mục tiêu là trong “7 ngày thần tốc” sẽ tiêm xong 836.000 liều vaccine Covid-19 (vaccine AstraZeneca) trên tất cả phường xã, quận huyện và TP. Thủ Đức với gần 1.000 điểm tiêm chủng được triển khai khắp địa bàn thành phố.

Mặc dù thời gian chuẩn bị rất ngắn, nhưng tất cả lực lượng làm nhiệm vụ tiêm chủng đều đã được Bộ Y tế và Sở Y tế thành phố tập huấn kỹ lưỡng, bảo đảm nguyên tắc phòng, chống, kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 và tiêm tới đâu an toàn tới đó. Việc triển khai gần 1.000 điểm tiêm đã khó, tìm đủ cán bộ, nhân viên y tế phục vụ cho 200.000 người được tiêm chủng mỗi ngày càng khó hơn. Bởi 200.000 liều vaccine được tiêm một ngày là gấp 10 lần các đợt tiêm vừa qua. Nhưng TP. Hồ Chí Minh quyết tâm thực hiện và có đủ niềm tin thành công.

Để thực hiện kế hoạch, thành phố đã triển khai các công việc theo hình thức cuốn chiếu với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ngoài việc huy động toàn bộ nhân lực của ngành y tế, còn có sự tham gia của hơn 4.000 tình nguyện viên hỗ trợ công tác tiêm chủng. Ngành y tế thành phố còn áp dụng công nghệ thông tin vào việc nhắc người dân đi tiêm ngừa với khung giờ và địa chỉ tiêm rõ ràng. Điều này giúp rút ngắn thời gian làm các thủ tục hành chính trước khi tiêm, đồng thời bảo đảm tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhất là khai báo y tế và sàng lọc trước khi tiêm.

Cách thức vận hành hệ thống tiêm chủng thần tốc và đại quy mô này sẽ là kinh nghiệm thực tiễn vô cùng quan trọng giúp các địa phương khác có sự chuẩn bị chu đáo hơn. Kết quả từ đây cũng sẽ được phân tích, đúc kết để còn tiếp tục nhân rộng mô hình khi ứng phó dịch bột phát ở vùng khác, thời gian khác trong tương lai. Nhất là khi thời gian tới, thêm 30 triệu liều vaccine AstraZeneca sẽ về tới Việt Nam. Làm sao để các địa phương cũng tiêm thần tốc được như TP. Hồ Chí Minh? Tình hình không cho phép chúng ta chần chừ, chậm trễ. Vì vậy, từ mô hình tiêm nhanh vaccine của TP Hồ Chí Minh, các địa phương khác có thể học hỏi kinh nghiệm, thậm chí là có cách triển khai nhanh hơn nhưng vẫn bảo đảm an toàn.

Là đầu tàu kinh tế cả nước, TP. Hồ Chí Minh hiện có trên 7,2 triệu người từ 18 tuổi trở lên và có trên 1,6 triệu công nhân, người lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp. Là nơi người lao động chiếm tỷ trọng lớn, là lực lượng sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội và bảo đảm sự ổn định của các cơ sở sản xuất, song phần lớn họ cũng là người nghèo, dễ bị tổn thương bởi những tác động của dịch bệnh, rất cần được bảo vệ. Vì vậy, thành phố cũng không chỉ ngồi chờ nguồn vaccine từ Trung ương phân bổ mà đã chủ động làm việc với các nhà sản xuất để có thể tiếp cận, mua vaccine dựa trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên kêu gọi các doanh nghiệp “mở rộng và tăng cường hợp tác, liên kết để tìm nguồn vaccine. Ai có nguồn cứ báo thẳng đến UBND thành phố, với tinh thần mang vaccine về càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt”. Dù thấy rằng lúc này có được vaccine không hề đơn giản, TP. Hồ Chí Minh vẫn quyết tâm thực hiện bằng được kế hoạch cụ thể, trong đó đặt mục tiêu hết năm 2021 sẽ có 2/3 dân số thành phố được tiêm chủng. 

Ngoài triển khai tiêm chủng thần tốc, chủ động đàm phán với các nhà sản xuất để tìm nguồn cung ứng vaccine, chuẩn bị kho trữ lạnh vaccine và đội ngũ tiêm vaccine; thành phố vẫn đồng hành với doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép” khi tổ chức đối thoại doanh nghiệp. Là địa phương đầu tiên trong cả nước công bố vận hành gói an sinh lần 2, dự kiến khoảng 1.076 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động yếu thế. Có thể nói rằng, sự năng động của TP. Hồ Chí Minh là kinh nghiệm thực tiễn vô cùng quan trọng giúp những địa phương “chưa có kịch bản cụ thể” học tập, có sự chuẩn bị chu đáo hơn, thực tế hơn, giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Duy Anh