Thực quyền nằm ở đâu?

- Chủ Nhật, 04/10/2020, 07:19 - Chia sẻ
Để hoạt động điều tra có hiệu quả, thì các ủy ban điều tra phải có thực quyền, đồng nghĩa với việc phải quy định thẩm quyền và phạm vi hoạt động rộng cho các ủy ban điều tra.

Thông thường, các ủy ban này có các quyền cơ bản như: Tìm hiểu các tài liệu ở các cơ quan nhà nước; kiểm tra những địa điểm cần thiết; triệu tập các nhân chứng bao gồm các chuyên gia, các nhà kỹ thuật, các nhân viên hành pháp, người dân đến để làm chứng, cung cấp thông tin cho ủy ban… Họ có quyền triệu tập cả những nhân chứng như Tổng thống, trong đó sự có mặt nhân chứng là bắt buộc.

Không có “vùng xám”

Đối tượng điều tra của các ủy ban thường rất lớn. Một số nước như Australia phạm vi điều tra của các ủy ban khá rộng và không bị hạn chế nội dung hay đối tượng điều tra; còn ở một số nước như Mỹ, Bỉ, Philippines, Anh, chỉ có một số hạn chế đối với phạm vi điều tra của các ủy ban dạng này. Ủy ban điều tra của nghị viện ở những nước như Bulgaria, Canada, Israel, Litva, Zimbabwe chỉ được tìm hiểu những vấn đề đã được quy định trong luật.

Cuộc điều trần tại Ủy ban Điều tra đặc biệt của Quốc hội Hàn Quốc trong bê bối liên quan đến Tổng thống Park Geun hye năm 2016.
Nguồn: Yong hap

Ủy ban thường trực trong Quốc hội Mỹ (sau khi Đạo luật về cải tổ quyền lập pháp năm 1946 ra đời), được quyền theo dõi quá trình thực thi của Chính phủ đối với các đạo luật thuộc lĩnh vực ủy ban mình phụ trách. Còn các ủy ban điều tra đặc biệt thường có đối tượng điều tra được xác định ngay khi thành lập ủy ban.

Giao dịch cá nhân có thuộc phạm vi điều tra hay không là một vấn đề được quan tâm trong khi nghiên cứu về ủy ban điều tra của nghị viện vì có thể vi phạm bí mật cá nhân. Một cuộc khảo sát hơn 40 nghị viện trên thế giới cho thấy, đại đa số ủy ban điều tra của nghị viện các nước có thẩm quyền điều tra cả giao dịch cá nhân. Tuy nhiên, ở một số nước cũng có những quy định hạn chế thẩm quyền này. Chẳng hạn, ở Anh và Italy, giao dịch cá nhân thuộc đối tượng xem xét của ủy ban điều tra nếu liên quan đến vấn đề điều tra. Ở Na Uy, nếu quá trình điều tra cho thấy cần phải tìm hiểu giao dịch cá nhân thì ủy ban điều tra có thể làm điều này. Ở Canada, ủy ban điều tra của Nghị viện có thể đụng đến giao dịch cá nhân nếu chúng liên quan đến những vấn đề có tính chất liên bang; hoặc ở Zimbabwe nếu chúng liên quan đến các cơ quan công quyền hoặc chi tiêu công. Còn ở Ấn Độ, những giao dịch bất thường, có dấu hiệu trái luật có thể bị đặt trong tầm ngắm của ủy ban điều tra.

Đối với thẩm quyền của ủy ban điều tra liên quan đến các vụ việc đang được tòa án xét xử, các nước có hai cách xử lý. Theo một cuộc khảo sát, trong số 41 nước, ủy ban điều tra của nghị viện 15 nước không được điều tra các vụ việc đó; còn ở 18 nước ủy ban điều tra có thẩm quyền này.

Nghĩa vụ của nhân chứng

Các nhân chứng khi được triệu tập phải có nghĩa vụ chấp nhận và phải tuyên thệ sẽ cung cấp những thông tin đúng sự thật, trừ những thông tin có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Ở nhiều nước, trừ những trường hợp đã được quy định, nếu nhân chứng từ chối hợp tác, ủy ban điều tra hoặc cả nghị viện sẽ quyết định về việc có phải áp dụng các hình phạt đối với nhân chứng gồm phạt tiền hoặc phạt tù, hoặc cả hai, và tòa án sẽ xem xét vấn đề này. Chẳng hạn, ở Mỹ, những nhân chứng được triệu tập mà từ chối sẽ bị phạt tiền tới 1.000 USD, và có thể bị phạt tù đến 1 năm. Còn ở Pháp, Chủ tịch các Ủy ban điều tra có thể yêu cầu các cơ quan vũ trang dẫn nhân chứng tới trình diện.

Đối với thành công của Ủy ban điều tra của Nghị viện, thông tin do nhân chứng cung cấp đóng vai trò then chốt, trong đó nhiều thông tin mà nhân chứng e ngại, không muốn phổ biến rộng vì có thể kéo theo những hệ quả pháp lý không hay cho chính họ. Chính vì vậy, để các nhân chứng mạnh dạn nói ra những thông tin đó, Hiến pháp, pháp luật, quy chế nghị viện nhiều nước đã có những quy định bảo vệ nhân chứng được triệu tập đến các ủy ban điều tra như một nguồn thông tin quan trọng.

Hiến pháp nhiều nước như Mỹ, Đức, Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản quy định: nhân chứng (trước tòa, trước các ủy ban điều tra, trong đó có ủy ban điều tra của Nghị viện) có quyền không phải làm chứng chống lại chính mình. Còn ở Canada và Australia, theo Hiến pháp, không được dựa trên những thông tin do nhân chứng cung cấp cho ủy ban điều tra của Nghị viện để khởi tố họ. Theo Hiến pháp của Liên bang Đức, nhân chứng trước ủy ban điều tra của Nghị viện có quyền từ chối trả lời những câu hỏi có thể khiến cho mọi người coi nhân chứng phạm tội hình sự. Một số Hiến pháp như của Kenya, Zambia không quy định trực tiếp bảo vệ nhân chứng, nhưng giao việc quy định này cho luật.

Ngoài ra, quy trình, thủ tục hoạt động của Nghị viện nhiều nước như Anh, Italy, Zambia, Zimbabwe cũng có những cơ chế bảo vệ nhân chứng. Ví dụ Ủy ban điều tra của Nghị viện Italy sẽ coi chứng cứ do nhân chứng cung cấp cho ủy ban là “bí mật chức năng”, và do đó, không ai được sử dụng chứng cứ đó để chống lại nhân chứng nói trên hoặc bất kỳ người nào khác.

Hiệu lực của kết quả điều tra

Các báo cáo và kết luận của ủy ban điều tra không có ý nghĩa bắt buộc đối với tòa án. Điều 76, Hiến pháp Tây Ban Nha nhấn mạnh rằng kết luận của ủy ban điều tra “không có ý nghĩa quyết định đối với toà án, chúng không đả động đến các quyết định của tòa án. Các kết quả điều tra có thể được thông báo cho Công tố viên nhà nước và ông ta nếu thấy cần thiết sẽ áp dụng những biện pháp thích hợp”. Còn theo Hiến pháp CHLB Đức, quyết định của các ủy ban điều tra không bắt buộc phải được xem xét ở toà án; toà án được tự do trong việc đánh giá các thông tin của ủy ban điều tra.

Quốc Đạt