Thước đo cải cách là sự hài lòng của dân

- Thứ Hai, 12/04/2021, 06:43 - Chia sẻ
Nhiệm kỳ này, Chính phủ đã điều hành với một quyết tâm rất cao, những mục tiêu đề ra, nhất là chỉ tiêu kinh tế vi mô cơ bản đều đạt được. Nếu chúng ta đánh giá theo một chuỗi từ năm 2016 tới nay, về nợ công, lạm phát, tỷ giá hay lãi suất được kiểm soát rất cơ bản, tạo sự ổn định cho các thành phần kinh tế phát triển. Tôi đánh giá rất cao vấn đề này, kể cả chỉ tiêu tổng hợp về tăng trưởng kinh tế hay thu nhập bình quân đầu người cũng phản ánh sự phát triển của cả nước và phản ánh được thu nhập của người dân.

ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh)

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kết quả tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm. Các khu vực kinh tế hay các ngành dịch chuyển đều mới chỉ đạt dưới 2%, ví dụ khu vực dịch vụ, khu vực công nghiệp xây dựng hay khu vực nông nghiệp có sự dịch chuyển ngang nhau, tức là cũng không có thay đổi nhiều. Lý do theo tôi là bởi quá trình tái cơ cấu chưa thực sự đặt trọng tâm vào những vùng mang tính động lực phát triển. Chúng ta cũng nói rất nhiều về đầu tư, về đào tạo nguồn lực, nhưng quan trọng nhất là chưa thật sự đặt trọng tâm vào những vùng động lực để phát triển, làm cho quá trình chuyển dịch, tái cơ cấu nền kinh tế còn khá chậm.

Một số nguồn lực trong một số ngành thiếu rất lớn. Ví dụ nguồn nhân lực ngành IT hay những ngành liên quan tới ứng dụng khoa học, công nghệ để tạo ra giá trị gia tăng. Các doanh nghiệp rất cần lao động có kỹ năng trong ngành này nhưng bây giờ thiếu rất nhiều. Chúng ta cần hỗ trợ cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó vốn đầu tư cũng cần tập trung vào những vùng động lực và đào tạo những người có khả năng làm việc, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển dịch, tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra mạnh mẽ hơn. 

Liên quan tới môi trường đầu tư, cụ thể là thời gian xử lý các thủ tục hành chính hay chi phí mà các doanh nghiệp còn phải gánh chịu vẫn rất dài, rất nặng nề. Chúng ta đã có các chương trình cải cách hành chính nhưng hiện nay phải áp dụng các nền tảng công nghệ số, kinh tế số, kinh tế tri thức... vào việc cung cấp dịch vụ công để nâng cao chất lượng dịch vụ công. Chính phủ cần đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với các dịch vụ công. Ở TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các ngành thường xuyên đánh giá chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Chúng ta cải cách hành chính, cải cách môi trường đầu tư như thế nào thì kết quả cuối cùng vẫn phải là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Việc này vừa qua, tôi thấy sự chuyển biến chưa rõ nét như mong đợi. Thời gian, thủ tục, chi phí của doanh nghiệp vẫn còn khá cao. Tới đây, khi chúng ta muốn thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn... thì phải cải thiện về chất lượng dịch vụ công, cải thiện môi trường đầu tư. Chính phủ cần lưu ý để khi phát triển các mô hình kinh tế mới thì thủ tục hành chính, môi trường đầu tư phải phù hợp, thông thoáng, minh bạch, đáp ứng được yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, khơi thông được nguồn lực phát triển đất nước. 

Một vấn đề nữa cần tập trung khắc phục trong thời gian tới là một số luật rất quan trọng đối với môi trường đầu tư kinh doanh nhưng sau khi được Quốc hội thông qua thì chưa thi hành được ngay mà phải chờ nghị định hướng dẫn. Ví dụ các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư... đến nay vẫn còn những nội dung chờ nghị định hướng dẫn. Chúng ta cũng phải xem lại việc xây dựng pháp luật để luật ra đời là đồng bộ, áp dụng được ngay.

N. Bình ghi