Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ sắp vượt 100 tỷ USD

- Thứ Ba, 07/12/2021, 23:28 - Chia sẻ
Bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, thương mại song phương giữa Việt Nam - Hoa Kỳ vẫn tăng trưởng ấn tượng, dự kiến vượt 100 tỷ USD trong năm nay.
Toàn cảnh tọa đàm

Tại Diễn đàn Thương mại Việt - Mỹ 2021 ngày 7.12, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, nước ta cũng trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng gấp 168 lần, từ 450 triệu USD vào năm 1995 đạt 90,8 tỷ USD trong năm 2020 và dự kiến vượt 100 tỷ USD trong năm nay. Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 10.2021, Hoa Kỳ xếp thứ 11/138 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam với 1.134 dự án và tổng vốn đăng ký là 9,72 tỷ USD. Các nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực, đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Trong đó, trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại giữa 2 bên đã gặt hái được nhiều thành quả to lớn, góp phần đưa tổng thể quan hệ đối tác toàn diện đi vào chiều sâu và thực chất, đáp ứng được lợi ích của Chính phủ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Tham tán công sứ, Trưởng thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Bùi Huy Sơn thông tin, kinh tế Hoa Kỳ đang phục hồi và tăng trưởng khá, nhưng tác động của dịch Covid-19 dẫn đến thiếu hụt hàng hóa. Đây là cơ hội lớn, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng ổn định và tăng tốc sản xuất, bảo đảm chuỗi cung hàng hóa sang Hoa Kỳ.

Tuy vậy, bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch Amcham Hà Nội cảnh báo doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước thách thức khi nhiều công ty của Hoa Kỳ đang tính đến giải pháp "hướng nội" khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Để khôi phục sản xuất và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, bà Virginia Foote cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là cần tiêm đầy đủ vaccine cho người dân, công nhân lao động. Ngoài ra, cần thu hẹp khoảng cách khác biệt giữa chính sách thuế giữa 2 bên để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp cả hai nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần thay đổi cơ cấu để đảm bảo rằng có phương án kinh doanh hợp lý.

Tại Diễn đàn, bà Marie Damour, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đề nghị hợp tác một số lĩnh vực tiềm năng giữa hai bên. Cụ thể, Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu; hợp tác tìm giải pháp bền vững nhất trong vấn đề phát triển pin, năng lượng mặt trời, dự án điện gió, thúc đẩy hợp tác năng lượng sạch; hợp tác đầu tư tại Việt Nam về công nghệ y tế hiện đại, thương mại số, phát triển sân bay với công nghệ mới nhất… Giáo dục, nông nghiệp cũng là lĩnh vực hợp tác tiềm năng.

Để tiếp tục duy trì, phát triển mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, cần phát huy cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA). Đặc biệt, trong trạng thái bình thường mới, Việt Nam và Hoa Kỳ cần tăng cường kết nối, hạn chế các vụ việc phòng vệ thương mại và giải quyết các vấn đề kinh tế, thương mại thông qua đàm phán nhằm bảo đảm tính liên tục trong hoạt động của các chuỗi cung ứng, tránh gây tác động tiêu cực đến các ngành sản xuất vốn đã chịu thiệt hại bởi đại dịch.

Hạnh Nhung