Thương mại tự do gặp khó

- Thứ Sáu, 23/07/2021, 07:02 - Chia sẻ
Trong ba phần tư thế kỷ, sự tăng trưởng của thương mại thế giới - vốn đã lan tỏa thịnh vượng cho phần lớn hành tinh, đã được củng cố bởi một điều đơn giản: không phân biệt đối xử. Tuy nhiên, nguyên tắc này đang bị lung lay khiến thương mại tự do lâm vào thế khó.

Áp lực bủa vây

Những năm sau Thế chiến II, lần đầu tiên trong lịch sử, hầu hết các nước đều nhất trí rằng, họ sẽ đối xử với hàng hóa sản xuất ở nước ngoài như nhau ở hầu hết các quốc gia. Chẳng hạn, Mỹ sẽ tính mức thuế tương tự đối với áo len nhập khẩu từ Italy như đối với áo len nhập khẩu từ Bangladesh và không áp đặt thêm các quy định phân biệt đối xử. Trước hết, nguyên tắc mạnh mẽ này cho phép nhiều nước nghèo, chẳng hạn như Bangladesh phát triển bằng cách xuất khẩu hàng hóa. Sau đó, khi những tiến bộ trong truyền thông và hậu cần thúc đẩy toàn cầu hóa tiến lên, nó cho phép các công ty mở rộng sản xuất trên toàn cầu, tự tin rằng họ có thể sản xuất hàng hóa ở hầu hết các quốc gia và xuất khẩu chúng sang bất kỳ quốc gia nào khác theo các quy tắc giống hệt nhau.

		Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Nhưng nguyên tắc không phân biệt đối xử hiện đang bị tấn công. Về các vấn đề từ an ninh quốc gia đến quyền của người lao động tới môi trường, các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang quyết định rằng không phân biệt đối xử - nguyên tắc cơ bản của thương mại tự do và toàn cầu hóa - phải làm chỗ dựa cho những lo ngại cấp bách hơn. Tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) công bố kế hoạch “Fit for 55” nhằm giảm ít nhất 55% lượng khí thải carbon so với mức năm 1990 vào cuối thập kỷ này và đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050. Trọng tâm trong kế hoạch của EU là thuế carbon xuyên biên giới, theo đó châu Âu có kế hoạch đánh thuế cao hơn đối với hàng nhập khẩu sản xuất theo cách tạo ra lượng khí thải cao hơn tiêu chuẩn mà các nhà sản xuất châu Âu được phép tạo ra cho cùng một loại hàng hóa. Kế hoạch trên sẽ bắt đầu bằng cách nhắm mục tiêu vào những lĩnh vực sử dụng nhiều carbon như bê tông, thép, nhôm và phân bón. Quốc hội Mỹ cũng đang phát triển kế hoạch tương tự để đánh thuế hàng nhập khẩu tạo ra nhiều carbon như một phần của gói điều chỉnh ngân sách sắp tới, dù nhiều chi tiết vẫn còn mờ mịt. Các hạn chế thương mại mới khác đang được áp đặt hoặc xem xét ở cả hai bờ Đại Tây dương dựa trên việc tuân thủ các biện pháp bảo vệ lao động, nhân quyền và một số tiêu chí khác. Đối với nhiều mặt hàng được trao đổi thương mại, nguyên tắc không phân biệt đối xử sẽ không còn được ưu tiên.

Hầu hết các biện pháp đó mang tính phòng vệ rõ ràng, nhưng chúng đang khiến nền kinh tế toàn cầu ngày càng bị chia rẽ bởi hệ tư tưởng, các giá trị xã hội và các cam kết về môi trường. Đó sẽ là một thế giới kém hiệu quả hơn, trong đó các công ty sẽ cần phải điều chỉnh cả đầu tư và quyết định sản xuất cho phù hợp với giá trị của các quốc gia mà họ muốn bán hàng hóa ở đó. Và nó sẽ gây ra nhiều xung đột kinh tế hơn. Các ngoại lệ này đối với nguyên tắc không phân biệt đối xử càng được gắn chặt, thì càng dễ dàng mở rộng chúng trong tương lai. Khi thế giới chuyển sang con đường thương mại được quản lý chặt chẽ, nó sẽ cần phải bước đi thận trọng để tránh đi quá xa, và quay trở lại chủ nghĩa bảo hộ gây tổn hại.

Ranh giới mỏng manh

Không phân biệt đối xử là nền tảng của thương mại toàn cầu kể từ khi Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) ra đời năm 1947, tiền thân của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều 1.1 của hiệp định GATT, nền tảng cho thương mại hiện đại, quy định rằng “bất kỳ lợi thế, ưu đãi, đặc quyền hoặc miễn trừ” nào dành cho các sản phẩm của bất kỳ thành viên GATT nào “sẽ được trao ngay lập tức và vô điều kiện” cho các sản phẩm tương tự của bất kỳ thành viên nào khác. Tất nhiên, trong những năm đó, phần lớn thế giới vẫn nằm ngoài hệ thống. Nhưng đối với các thành viên GATT, vào giữa những năm 1990, có rất ít trường hợp ngoại lệ của họ không phân biệt đối xử. Rút kinh nghiệm từ đống đổ nát của những năm 1930, khi những bức tường thuế quan cao giết chết phần lớn thương mại của thế giới và làm sâu sắc thêm tình trạng suy thoái toàn cầu, các nhà sáng lập GATT muốn không phân biệt đối xử trở thành nguyên tắc gần như bất khả xâm phạm, một bức tường thành chống lại các cuộc chiến thương mại vô nghĩa.

Không may là, các trường hợp ngoại lệ vẫn đủ lớn để làm xói mòn cam kết nền tảng đó. Hàng thập kỷ các hiệp định thương mại ưu đãi và các khu thương mại tự do, từ Cộng đồng châu Âu ban đầu đến Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và hơn thế nữa, đã đưa ra đối xử thuận lợi cho các quốc gia bên trong các thỏa thuận đó, gây bất lợi cho những ai không phải là thành viên. Một số thỏa thuận này mang lại ưu đãi cho một số quốc gia nào đó bên ngoài chứ không phải những quốc gia khác; trong nhiều thập kỷ, cộng đồng châu Âu đã dành những đặc quyền đặc biệt cho các thuộc địa cũ của Pháp. Sự gần gũi của Mexico với thị trường tiêu dùng rộng lớn của Mỹ và khả năng tiếp cận đặc biệt theo NAFTA đã biến nước này thành cường quốc thực tế về sản xuất. Hệ thống GATT cũng cho phép các quốc gia áp dụng thuế quan đối với hàng hóa bị coi là “được kinh doanh không công bằng” do chính phủ trợ cấp hoặc định giá trước. Nhiều nhà sản xuất thép toàn cầu đã phải đối mặt đặc biệt với những loại thuế như vậy trong nhiều thập kỷ. Nhiều nhà phê bình cho rằng “không công bằng” và “lợi dụng để mang lại lợi ích cho mình” có thể là những tiêu chí mềm, được áp dụng một cách chủ quan để ngăn chặn cạnh tranh.

Theo một số nhà phân tích kinh tế, gần đây, những trường hợp ngoại lệ như thế mọc lên như nấm. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng viện dẫn an ninh quốc gia - một ngoại lệ hẹp nhưng được phép của GATT - để tăng thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ một số quốc gia. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đưa ra lập luận tương tự khi ông khẳng định các mặt hàng như chất bán dẫn, pin điện tiên tiến, dược phẩm và khoáng chất quan trọng phải được sản xuất chủ yếu ở Mỹ. Washington đe dọa phong tỏa các mặt hàng bị coi là gây hại cho môi trường. EU, Mỹ, Anh và Canada gần đây áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc để phản đối cách đối xử của Bắc Kinh đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong khu vực.

Vấn đề nan giải đối với mỗi biện pháp nói trên là ranh giới giữa chủ nghĩa nhân đạo chính đáng hoặc chủ nghĩa môi trường và chủ nghĩa bảo hộ ích kỷ có thể rất mong manh. Các mục tiêu trong thuế carbon của EU có hai phần. Thứ nhất, khuyến khích các nước khác thực hiện các cam kết tham vọng tương tự về khí hậu bằng cách đe dọa mất quyền tiếp cận thị trường châu Âu, đồng thời cân bằng các điều kiện cạnh tranh cho các nhà sản xuất EU, những người sẽ trả chi phí cao hơn để chuyển sang năng lượng sạch. Mục tiêu thứ hai rất phức tạp. EU lo ngại cái mà họ gọi là “rò rỉ carbon”, trong đó các công ty sẽ ngày càng rời bỏ EU và chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài để tận dụng những quy định nới lỏng hơn ở các nước khác. Vì vậy, thuế carbon xuyên biên giới mới nhằm “cân bằng giá carbon giữa các sản phẩm trong nước và hàng nhập khẩu”.

EU làm việc chăm chỉ để cố gắng bảo đảm cơ chế mới không vi phạm các quy định của WTO, nhưng việc thực thi sẽ gặp nhiều trở ngại. Các phương tiện để đánh giá hàm lượng carbon của hàng nhập khẩu vẫn chưa rõ ràng và các công ty EU chắc chắn sẽ vận động hành lang để có mức thuế cao nhất có thể để bảo vệ lợi thế cạnh tranh của họ. Tại Mỹ, quốc gia không định giá carbon trong nước, nguy cơ phân biệt đối xử theo chủ nghĩa bảo hộ thông qua thuế nhập khẩu có thể còn cao hơn. Có thể dễ dàng hình dung bước tiếp theo: Các quốc gia và công ty được nhắm mục tiêu chắc chắn phàn nàn rằng họ bị đối xử không công bằng, thuế quan trả đũa có khả năng xảy ra sau đó và xung đột thương mại sẽ trở nên khó kiểm soát.

Ngọc Minh