Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội

Thường Tín hướng đến huyện nông thôn mới nâng cao

- Thứ Năm, 25/02/2021, 06:31 - Chia sẻ
Sau 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống Nhân dân đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của huyện Thường Tín. Không bằng lòng với những kết quả đạt được, huyện tiếp tục đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, cơ bản các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt NTM kiểu mẫu, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu Thủ đô, trở thành huyện cơ bản đạt chuẩn NTM nâng cao.

Khi sức mạnh của cả hệ thống chính trị được phát huy

Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng NTM, huyện Thường Tín đã tổ chức tuyên truyền chủ trương, các văn bản về xây dựng NTM tại các hội nghị chủ chốt tới các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện mở chuyên mục “Chung sức xây dựng NTM” phát sóng vào thứ 6 hàng tuần. Bên cạnh đó, huyện cũng thường xuyên phối hợp, cung cấp thông tin tới các cơ quan báo, đài của Trung ương và thành phố nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng NTM trên địa bàn. 

	Diện mạo nông thôn mới huyện Thường Tín ngày càng khởi sắc
Diện mạo nông thôn mới huyện Thường Tín ngày càng khởi sắc

Triển khai xây dựng NTM, Ủy ban MTTQ huyện đã tích cực phát huy vai trò, chủ động, sáng tạo triển khai lồng ghép nhiệm vụ xây dựng NTM trong các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện cũng phát động phong trào thi đua tích cực học tập, lao động, sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc; vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” triển khai và nhân rộng hiệu quả mô hình “đi chợ cùng làn nhựa”, “mô hình thùng rác có nắp đậy”. Hội Nông dân huyện đã thiết thực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng NTM địa phương qua các phong trào: Nông dân chung sức xây dựng NTM; nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giúp nhau làm giàu. Phong trào xây dựng NTM cũng được các hội, đoàn thể khác triển khai đồng bộ, tạo sức lan tỏa, thu về nhiều kết quả ấn tượng. Đơn cử như: Hội Cựu chiến binh huyện với phong trào giúp nhau giảm nghèo bền vững, làm kinh tế giỏi; Liên đoàn Lao động huyện với phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả trong doanh nghiệp…

Bằng cách làm hay, sáng tạo, sau hơn 10 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp và Nhân dân đã có sự thay đổi rõ nét. Các phong trào thi đua xây dựng NTM trên địa bàn phát triển sâu rộng và trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Thống kê của huyện cho thấy: 10 năm qua, người dân trên địa bàn đã đóng góp 638.095 triệu đồng tiền mặt, hiện vật; 187.952 ngày công; 2.820m2 đất thổ cư; 44.039m2 đất nông nghiệp để mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng… Tiêu biểu như: Ông Phạm Văn Sự (thôn Kỳ Dương, xã Chương Dương) đã hỗ trợ 2,5 tỷ đồng làm 1 tuyến đường 600m và hệ thống điện chiếu sáng và được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Hay tại xã Tiền Phong, người dân đã đóng góp hơn 4 tỷ đồng đầu tư xây dựng cầu Tiền Phong 2 và hiến 400m2 đất thổ cư để mở rộng đường giao thông tương đương 2.500 triệu đồng, đóng góp tiền mặt, ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn, nghĩa trang....

Phong trào xây dựng NTM cũng tạo những chuyển biến rõ nét trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Trên địa bàn đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như: Lúa hàng hóa tập trung tại các xã Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên; vùng sản xuất rau an toàn tại xã Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng cây ăn quả tại xã Chương Dương, Tự Nhiên; vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến... Việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị được quan tâm. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 6 mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp. Các mô hình này tạo ra chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu. Các hợp tác xã trên địa bàn ngày càng phát huy vai trò trong tổ chức, chỉ đạo sản xuất, liên kết nông dân với doanh nghiệp.

Phát huy những kết quả đạt được, huyện Thường Tín xác định tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với huyện NTM, tiến tới xây dựng NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu; bảo đảm xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục; hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững. Năm 2021, huyện phấn đấu các xã: Duyên Thái, Tô Hiệu, Minh Cường, Tự Nhiên đạt chuẩn NTM nâng cao; xã Hồng Vân đạt xã NTM kiểu mẫu Thủ đô. Đến hết năm 2025, huyện cơ bản đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong đó, các xã trên địa bàn cơ bản đạt chuẩn NTM nâng cao; 5 xã đạt NTM kiểu mẫu, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu Thủ đô.

Chương trình OCOP phát triển, góp phần thúc đẩy quảng bá sản phẩm chủ lực của địa phương và nâng cao giá trị sản phẩm, phát huy lợi thế từng địa phương. Đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục được nâng cao. Thu nhập bình quân ngày càng cao, đến năm 2020 đạt 55 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 4,07 lần so với năm 2010. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 89,65%; 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; 84,8% hộ gia đình được sử dụng nước sạch...

Hướng tới những miền quê đáng sống

Trong đợt thẩm định các xã đạt chuẩn NTM nâng cao thành phố Hà Nội vừa qua, trên cơ sở đánh giá hồ sơ và khảo sát thực tế kết quả thực hiện tại 4 xã: Nhị Khê, Văn Bình, Hà Hồi, Vạn Điểm, các thành viên tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định đã thống nhất công nhận các xã đủ điều kiện để trình Hội đồng thẩm định thành phố xem xét, trình UBND thành phố Hà Nội công nhận về đích NTM nâng cao (đều đạt 19/19 tiêu chí với số điểm cao). Trước đó, 4 địa phương được Ban chỉ đạo Chương trình 02 của huyện chọn để triển khai xây dựng xã NTM nâng cao. Kết quả trên là sự ghi nhận những nỗ lực của các địa phương, với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tập trung mọi nguồn lực thực hiện nâng cao các tiêu chí NTM và hoàn thành theo đúng lộ trình.

Tại buổi làm việc, Phó Chánh Văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM Hà Nội Ngọ Văn Ngôn nhấn mạnh: Công tác xây dựng NTM có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, mục tiêu cốt lõi là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Vì vậy, sau khi đạt chuẩn NTM, các xã đã tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí, để nâng tầm NTM của địa phương. Giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ xây dựng Bộ tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo hướng gắn các tiêu chí với việc xây dựng huyện thành quận, xã thành phường, quan trọng là người dân tại địa phương phải là người được hưởng thụ nhiều nhất. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thường Tín cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong 10 năm xây dựng NTM. Biến đó thành tiền đề, sức bật hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu; đưa các địa phương trong huyện trở thành những miền quê đáng sống và là niềm tự hào của người dân địa phương.

Khánh Duy