Thường trực Ủy ban Kinh tế làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

- Thứ Sáu, 11/06/2021, 15:02 - Chia sẻ
Sáng 11.6, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì cuộc làm việc
Ảnh: Q.Khánh

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp đầu tiên, Quốc hội Khóa XV sẽ xem xét, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Trước đây nội dung này do Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì thẩm tra, nay được giao về Ủy ban Kinh tế. “Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế tổ chức buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để trao đổi các nội dung liên quan nhằm chuẩn bị báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư chương trình này trong giai đoạn 2021 – 2025”.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, bộ mặt nông thôn đã khởi sắc rõ rệt, thu nhập và đời sống người dân được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn năm 2020 ước đạt 43 triệu đồng/người/năm, gấp 1,8 lần so với năm 2015 và gấp 3,35 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn khoảng 5,6%... Chương trình đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (62,4%) so với mục tiêu 5 năm 2016 – 2020 được giao. Tuy vậy, bên cạnh mặt tích cực còn những khó khăn, thách thức và cần có giải pháp điều chỉnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì cuộc làm việc; Ảnh: Q.Khánh
Ảnh: Q.Khánh
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Q.Khánh
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại cuộc họp
Ảnh: Q.Khánh

Trao đổi với Thường trực Ủy ban Kinh tế, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định giai đoạn 2021 – 2025 cần tiếp tục đầu tư, hỗ trợ cho khoảng 20% số xã chưa đạt chuẩn; hỗ trợ các xã nông thôn mới duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư và tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đã đạt chuẩn nhưng chỉ tiêu còn thấp; nâng cao các tiêu chí đi vào chiều sâu và bền vững… “Việc này nằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc tiếp tục xây dựng nông thôn mới “toàn diện, nâng cao và bền vững” với phương châm “xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”; đặc biệt là phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

Ông Nam cho biết, 5 năm tới, Chương trình đặt mục tiêu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thông mới; cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ở cấp thôn, phấn đấu ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn. Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần bố trí 51.100 tỷ đồng ngân sách để thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, theo ý kiến của Hội đồng Thẩm định Nhà nước, tổng vốn ngân sách trung ương cho Chương trình mới bố trí được khoảng 39,6 nghìn tỷ đồng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Q.Khánh
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu tại cuộc họp.
Ảnh: Q.Khánh

Trực tiếp phụ trách mảng nông nghiệp, nông thôn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai đề xuất Bộ làm rõ các nhóm vấn đề: sự cần thiết phải tiếp tục triển khai Chương trình; sự phù hợp của Chương trình với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và pháp luật về quy hoạch; rà soát để tránh trùng lặp với các chương trình khác về phạm vi, đối tượng thụ hưởng và mục tiêu; nguyên tắc phân bổ vốn như thế nào nếu ngân sách chỉ bố trí 39,6 nghìn tỷ đồng…

Quan tâm đến cơ chế điều phối, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề: có cần ai cầm trịch điều phối 3 chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số không? Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần thuyết minh rõ về sự cần thiết phải triển khai Chương trình trong bối cảnh nguồn lực của đất nước khó khăn và xác định nguyên tắc ngân sách chỉ là vốn mồi…

Tiếp thu ý kiến tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình và gửi Thường trực Ủy ban Kinh tế tiến hành thẩm tra.

H.Lan