Tia hy vọng cho kinh tế thế giới

- Thứ Bảy, 16/01/2021, 06:21 - Chia sẻ
Năm 2020, kinh tế thế giới đã phải trải qua một trong những cuộc suy thoái tồi tệ nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, thành công trong việc phát triển vaccine ngừa Covid-19 đã mang lại hy vọng phục hồi trong năm 2021.

Những “vết thương” khó lành

Có thể nói 2020 là năm khó quên nhất trong suốt thập kỷ qua và để lại cho thế giới những “vết thương” khó lành, với thiên tai, thảm họa và đặc biệt là đại dịch Covid-19. Nếu như đầu năm 2020, các chuyên gia dự báo một năm đầy triển vọng về sự thịnh vượng toàn cầu thì đại dịch Covid-19 đã khiến cho cuộc sống con người cũng như nền kinh tế thế giới chao đảo.

Nguồn: ITN

Khi đại dịch ập đến, các hoạt động kinh tế - xã hội buộc phải hủy, hoãn. Các nguồn động lực và trụ cột chính lâu nay của tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới như tiêu dùng, xuất khẩu, du lịch đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Dịch bệnh đã tác động tới việc duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu khiến cho kinh tế thế giới bỗng chốc mất đi hàng nghìn tỷ USD. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 hiệu quả nhất, các nước đã phải hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới. Điều này khiến ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề, doanh thu giảm hơn 60%. Ngoài hàng không thì các ngành công nghiệp khác cũng phải chịu những tổn thất tương tự như dầu mỏ và sản xuất ô tô.

Thương mại toàn cầu đình trệ khiến các doanh nghiệp khắp nơi tuyên bố phá sản, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2020 đã có tới 81% người lao động bị ảnh hưởng vì nơi làm việc bị đóng cửa một phần hoặc toàn bộ. Lao động giảm mạnh nên thu nhập của người lao động giảm, đồng nghĩa với nhu cầu sử dụng hàng hóa và dịch vụ cũng giảm, gây ra làn sóng vỡ nợ trên phạm vi toàn cầu do quá hạn thanh toán tăng cao. Trước tình hình đó, các nước đã phải đồng loạt đưa ra gói kích thích và cho vay để hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt Mỹ và Nhật Bản đưa ra các gói hỗ trợ lên tới 20% GDP. Mặc dù những gói kích thích từ chính phủ đã phần nào giúp kinh tế toàn cầu cải thiện được tình trạng thất nghiệp, nhưng cũng khiến cho nhiều nước rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng.

Nhiều hy vọng mới

Mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khi virus Corona liên tục có biến thể mới, song thành công trong việc điều chế vaccine đã mang lại hy vọng cho nền kinh tế thế giới. Thông thường, để phát triển được một loại vaccine phòng bệnh cần từ 10 - 15 năm, loại vaccine được bào chế nhanh nhất trong lịch sử là vaccine phòng quai bị cũng phải mất tới 4 năm. Tuy nhiên, với sức tàn phá của SARS-CoV-2, ngay trong năm 2020, 187 loại vaccine phòng Covid-19 được phát triển trên khắp thế giới.

Hiện nay, thế giới đã có trong tay một số loại vaccine ngừa Covid-19. Sáng giá nhất hiện nay là vaccine của Pfizer/BioNTech và của Moderna đã được chứng minh có khả năng phòng bệnh khoảng 95% và cách bảo quản cũng dễ dàng. Một loạt quốc gia như Mỹ, Canada, Anh, Liên minh châu Âu (EU) đã phê duyệt vaccine Pfizer/BioNTech và Moderna để chuẩn bị đưa vào chiến dịch tiêm chủng toàn dân. Mới đây nhất, Indonesia đã chính thức triển khai tiêm miễn phí vaccine CoronaVac của công ty Sinovac Biotech (Trung Quốc). Đây là cơ hội tốt nhất cũng là công cụ duy nhất để cuộc sống của người dân có thể trở lại bình thường, cứu sống hàng triệu người cũng như nền kinh tế phục hồi nhanh hơn.

Việc một số nước thực hiện phong tỏa toàn quốc vào đầu năm 2021 sẽ vẫn khiến cho tốc độ tăng trưởng thấp. Tuy nhiên, sự mở cửa trở lại của nền kinh tế và triển khai vaccine một cách rộng rãi sẽ dần mở lại làn sóng kinh tế về dịch vụ và du lịch. Dự kiến GDP toàn cầu năm 2021 sẽ tăng khoảng 4,6%. Sau khi triển khai vaccine, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đánh giá, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm 2021 và 3,2% trong năm 2022. Đồng thời tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ cũng được điều chỉnh giảm xuống 5% vào năm 2021 và 4,2% trong năm 2022.

Về chính sách tài chính và tiền tệ toàn cầu trong năm 2021, ngân hàng trung ương nhiều nước vẫn tiếp tục duy trì các chính sách nới lỏng định lượng và cho phép lạm phát ở mức cao hơn. FED sẽ không tăng lãi suất trước cuối năm 2023, trong khi Anh và châu Âu tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Các nền kinh tế châu Á đối phó với dịch bệnh thành công hơn châu Âu và châu Mỹ, do đó đã nhanh chóng tìm kiếm được động lực tăng trưởng mới, duy trì kinh tế đối ngoại chung thuận lợi. Bên cạnh đó, hoạt động số hóa tiền tệ sẽ được các nước thúc đẩy phát triển trong năm nay, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có kế hoạch thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số.

Xét về tổng thể, khu vực châu Á vẫn có những nền tảng cơ bản tương đối vững chắc nhờ khả năng phục hồi khi tài chính công khá vững chắc như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, có tỷ lệ nợ công trên GDP cao hơn. Cuộc khủng hoảng y tế cũng là một cơ hội để châu Á tăng cường cân bằng bên ngoài khi vẫn duy trì hoạt động xuất khẩu tương đối tốt, bất chấp suy thoái toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh nước này kiểm soát tốt dịch bệnh và thực hiện các biện pháp kích thích tương đối hiệu quả. Để ngăn chặn tình trạng mất cân đối cơ cấu ngày càng trầm trọng, chính sách kinh tế của Trung Quốc đang hướng tới tăng trưởng bền vững thay vì chỉ tập trung theo đuổi các biện pháp kích thích.

Trước mắt, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp và tiến trình phục hồi kinh tế còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, với nỗ lực của các nhà nghiên cứu cho ra đời nhiều loại vaccine ngừa Covid-19 mang lại tia hy vọng và là tấm khiên bảo vệ sức khỏe người dân nói riêng cũng như kinh tế - xã hội nói chung.

Như Ý