Thế giới phòng, chống Covid-19

Tiêm bổ sung hay cần vaccine mới?

- Thứ Hai, 23/08/2021, 06:47 - Chia sẻ
Chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đang được thúc đẩy mạnh mẽ trên toàn thế giới, song số người mắc Covid-19 không vì thế mà thuyên giảm do sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Delta. Thực trạng này đặt ra vấn đề mới là cần tiêm mũi bổ sung hay phải điều chế ra một loại vaccine mới?

Các loại vaccine hiện có như AstraZenceca, Pfizer/BioNTech hay Moderna... đã thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của biến chủng cũ của virus SARS-CoV-2. Các loại vaccine này có khả năng làm giảm nguy cơ bệnh chuyển biến nặng và tử vong. Thế nhưng sự xuất hiện của biến thể Delta là tình huống mà khó lường trước được với khả năng lây nhiễm cao và nhanh gấp nhiều lần biến thể cũ, thậm chí có thể gây nên tình trạng lây nhiễm đột phá ở những người đã được tiêm chủng.

Thực tế đặt ra thách thức đối với nỗ lực miễn dịch cộng đồng trên toàn thế giới. Con người không thể cứ chạy đua mãi như hiện nay vì trong tương lai sẽ còn nhiều biến thể mới đột biến hơn nữa, hay thậm chí phương án tối ưu hơn cả là đã đến lúc phải nghiên cứu ra một loại vaccine mới.

	Nguồn: Financial Times
Nguồn: Financial Times

Thách thức mới

Trước sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, các nhà phát triển vaccine đang xem xét liệu có thể điều chỉnh hay thay đổi thành phần các loại vaccine hiện nay để giúp ngăn chặn được biến thể Delta, cũng như những biến thể mới trong tương lai. Hiện nay nhiều quốc gia như Mỹ đang xem xét tiêm mũi tăng cường. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phản đối ý kiến này và cho rằng chưa cần tiêm liều tăng cường. Suốt những tháng qua chương trình COVAX đang chật vật tìm nguồn cung vaccine, và nhiều nước nghèo phải tạm dừng chương trình tiêm chủng do chưa được phân phối thêm.

Theo kế hoạch, COVAX muốn phân phối 1,5 tỷ liều cho các nước thu nhập thấp và trung bình trước cuối năm 2021, nhưng đến nay cơ chế này chỉ mới phân bổ được 208 triệu liều do thiếu hụt nguồn cung. Nếu tất cả các nước giàu quyết định tiêm bổ sung cho người trên 50 tuổi, họ sẽ cần thêm gần 1 tỷ liều nữa, và điều này rất bất công đối với những quốc gia còn lại. Đối với kế hoạch tiêm liều thứ ba, Giám đốc Viện Nghiên cứu luật y tế quốc gia và quốc tế thuộc Đại học Georgetown (Mỹ) Lawrence Gostin cho biết, cách tốt nhất là chỉ nên tiêm bổ sung cho nhân viên y tế, những người tuyến đầu và những người dễ bị tổn thương.

Các chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến về việc biến thể Delta có thể phá vỡ kháng thể mà vaccine đã tạo ra. Kháng thể mà vaccine tạo ra có thể không liên kết với các biến thể, và biến thể Delta có các gai protein đột biến khiến các kháng thể ban đầu của vaccine không thể thích ứng. Điều này có nghĩa, lượng kháng thể ở những người đã từng lây nhiễm và đã tiêm vaccine không thể hoàn toàn bảo vệ họ trước biến thể Delta. Mặt khác, điều khiến tính hiệu quả của vaccine bị giảm trước biến thể Delta là hệ miễn dịch bắt đầu mất cảnh giác theo thời gian, và trường hợp này đã từng xảy ra với vaccine ho gà. Đó là lý do tại sao, những người sắp làm cha mẹ và những người lớn ở gần trẻ sơ sinh chưa tiêm chủng nên tiêm nhắc lại vaccine ho gà. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể xác định được, liệu khả năng miễn dịch giảm đi có phải là vấn đề đối với vaccine hay không.

Bên cạnh đó, khả năng của vaccine Covid-19 chống lại các biến thể mới rất khó đoán, các nhà khoa học vẫn chưa thể khẳng định được tế bào miễn dịch nào có thể hiện tốt nhất hiệu quả của vaccine trong thời gian dài. Hầu hết nghiên cứu hiện nay đều xem xét các kháng thể trung hòa vì chúng có thể ngăn lây nhiễm nhưng lại không tốt bằng các tế bào ngăn ngừa mắc bệnh nặng. Đó là do hệ thống miễn dịch thu nạp một loạt các chất bảo vệ tế bào như tế bào B và tế bào T để bảo vệ cơ thể khi virus xâm nhập. Mặc dù chúng không hoạt động nhanh chóng như các kháng thể trung hòa, nhưng có thể ngăn tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.

Về lâu dài, các kháng thể trung hòa suy giảm, trong khi các tế bào miễn dịch lâu dài như tế bào nhớ B và tương bào vẫn tồn tại, và nó sẵn sàng tạo ra một phản ứng mới nếu virus xuất hiện trở lại. Đây là một thách thức đối với việc đánh giá hiệu quả của vaccine trong tương lai là tìm ra loại tế bào miễn dịch để xác định mức độ bảo vệ của một người trước virus sau khi lượng kháng thể giảm xuống. Nếu liều tiêm thứ ba của các loại vaccine hiện tại hoặc một vaccine mới được chứng minh là cần thiết, thì người dân sẽ không nhất thiết cần tiêm vaccine Covid-19 mỗi 6 tháng đến 1 năm trong suốt quãng đời còn lại, giống như vaccine viêm gan B.

Hy vọng về vaccine thế hệ mới

Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc cố gắng tìm ra một loại vaccine dành riêng cho biến thể Delta sẽ chỉ giải quyết được vấn đề tạm thời và tương lai sẽ còn nhiều biến thể khác nữa xuất hiện. Sự xuất hiện của biến thể này đã cho chúng ta thấy được, cần nghiên cứu một loại vaccine ngừa Covid-19 trong tương lai có khả năng ngăn chặn không chỉ biến thể Delta mà còn tất cả các chủng virus SARS-CoV.

Mới đây, nghiên cứu của nhóm nhà khoa học tại đại học Y Duke-NUS và Trung tâm quốc gia về bệnh truyền nhiễm Singapore đã mang lại hy vọng về một loại vaccine tiềm năng có thể chống lại Covid-19, các biến chủng và các virus Corona trong tương lai. Nghiên cứu cho thấy rằng, những người từng mắc Hội chứng suy hô hấp cấp (SARS) khi tiêm đủ hai mũi vaccine Pfizer/BioNTech, có thể phát triển hàm lượng rất cao kháng thể có thể trung hòa mọi biến chủng Covid-19 đã được biết đến và các dòng virus Corona lây từ động vật sang người. Giáo sư Wang Linfa từ đại học Y Duke-NUS cho biết, kết quả trên có thể là chìa khóa cho sự phát triển cho vaccine thế hệ tiếp theo. Nó không chỉ giúp kiểm soát đại dịch hiện tại, mà còn có thể ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai do bất kỳ loại virus Corona gây ra.

Trước khi được tiêm vaccine ngừa Covid-19, những người từng mắc SARS chỉ có kháng thể chống lại căn bệnh mà họ từng khỏi. Diễn biến bứt phá trong nghiên cứu xuất hiện khi các nhà khoa học phát hiện ra những người từng mắc và khỏi SARS sau khi được tiêm 2 mũi Pfizer đã sinh ra các kháng thể trung hòa chéo cấp độ cao đồng nhất chống lại 10 loại virus Sarbeco. Đây là nhóm virus Corona có cơ chế xâm nhập vào tế bào chủ bằng cách kết hợp với thụ thể ACE2, bao gồm cả virus gây nên SARS và Covid-19. Nghiên cứu trên được thực hiện lâm sàng trên 28 người, gồm 8 người từng mắc SARS, 10 người khỏe mạnh chưa từng mắc SARS hay Covid-19, và 10 người từng mắc Covid-19. Các nhà khoa học tiến hành so sánh phản ứng miễn dịch của cả 28 người sau khi tiêm 2 mũi vaccine Pfizer/BioNTech và đưa ra kết luận trên.

Nhóm nghiên cứu đã đặt tên cho vaccine thế hệ thứ 3 tiềm năng là "3GCoVax". Các loại vaccine thế hệ đầu tiên đang được sử dụng rộng rãi cung cấp các mức độ bảo vệ khác nhau chống lại Covid-19, nhưng hiệu quả của chúng thấp hơn, đặc biệt là chủng Delta. Trong khi đó, các ứng viên vaccine thế hệ 2 đang được nghiên cứu được kỳ vọng có thể chống lại chủng SARS-CoV-2 ban đầu, các chủng hiện tại và các virus Corona lây nhiễm trên người. Đối với loại vaccine thế hệ 3 này, nếu mọi thứ diễn ra theo đúng dự kiến của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là vào thời điểm này năm sau, phần lớn dân số thế giới sẽ được tiêm chủng vaccine Covid-19, và nếu người dân được tiêm một mũi tăng cường vaccine 3GCoVax, thì con người có thể sẵn sàng chống lại đại dịch kế tiếp.

Tới thời điểm này các nhà khoa học vẫn khẳng định, vaccine là tấm lá chắn phòng bệnh hiệu quả nhất trong việc giúp bảo vệ con người khỏi sự tấn công của virus SARS-CoV-2 hay bất kỳ một loại bệnh nào trong tương lai. Hy vọng thời gian tới, các loại vaccine Covid-19 dạng tiêm phổ biến hiện nay sẽ được bổ sung bằng nhiều loại dược phẩm đặc hiệu, kèm theo đó là những phát minh vaccine dạng uống, dạng xịt tiện lợi hay những loại thuốc kích thích sinh đề kháng ngay ở vùng khoang mũi, được cho là sẽ rất hiệu quả trong việc ngăn chặn virus tấn công trực diện đường hô hấp.

Như Ý