Tiền đề phát triển mạng xã hội lành mạnh, an toàn

- Thứ Năm, 24/06/2021, 07:16 - Chia sẻ
Với những quy định cốt lõi, trong đó nhấn mạnh: “cá nhân, tổ chức không đăng tải thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, quảng cáo trái phép...”,  Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành được kỳ vọng là tiền đề phát triển mạng xã hội lành mạnh, an toàn; phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các quy ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Bài 1:  Thừa hung hăng, thiếu văn minh?

Mạng xã hội đang ngày càng phát triển và tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, bởi mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận khi bày tỏ quan điểm công khai. Tuy nhiên, khi mà có không ít cá nhân đã không kiểm soát hành vi, thừa hung hăng, thiếu văn minh, “vô tư” văng lời thô tục trên mạng xã hội, thì chuyện đó không còn là chuyện cá nhân nữa.

		Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Ô nhiễm trên môi trường số

Khảo sát của tổ chức We are social trên những người dùng internet (từ 16 đến 64 tuổi) có sử dụng ít nhất một trong số các thiết bị có khả năng kết nối với mạng viễn thông cho thấy, thời gian sử dụng mạng xã hội trung bình trong một ngày của mỗi người là 2 giờ 21 phút. Các mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam là Youtube, Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok…

Không ai có thể phủ nhận vai trò của mạng xã hội cũng như Internet ngày nay. Người dùng chỉ cần có chiếc điện thoại kết nối internet cũng có thể trở thành “nhà báo”, hay “tổng biên tập” của chính mình, bởi ai cũng có thể tạo ra nội dung, có thể tự mình kết nối với xã hội bên ngoài... Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều hữu ích mang lại cho mỗi cá nhân, mạng xã hội cũng là "con dao hai lưỡi", nơi lan truyền nhiều thông tin tiêu cực, sai lạc, nhiều hành vi ứng xử lệch chuẩn, lợi dụng cho những mục đích xấu, lợi ích riêng, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều cá nhân, tổ chức, gây bức xúc cho xã hội và không ít hệ lụy khôn lường.

Khảo sát của Chương trình Nghiên cứu Internet và xã hội thời gian qua cho thấy, gần 80% người dùng mạng tại Việt Nam cho biết từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội. Các biểu hiện cơ bản là: Kỳ thị dân tộc, kỳ thị giới tính, kỳ thị tôn giáo, kỳ thị khuyết tật cơ thể, vu khống bịa đặt thông tin, và đặc biệt nói xấu phỉ báng là hình thức phổ biến nhất với tỷ lệ 61,68%.

Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên, các chuyên gia văn hóa cũng như giới truyền thông cho rằng: Không ít người, nhất là lớp người trẻ quá đề cao tự do cá nhân, muốn được nổi tiếng và có nhiều người biết đến, trong khi họ lại thiếu kiến thức nền về văn hóa ứng xử, nên đã bất chấp, thách thức và bỏ qua các quy tắc đạo đức, chuẩn mực văn hóa để có những phát ngôn, hành động “câu view” trên mạng, nhằm mục đích tạo sự chú ý, sức ảnh hưởng và tìm kiếm lợi ích kinh tế khi cơ hội đến.

Những vụ việc gây bão dư luận, nhận được nhiều bình luận “ném đá”, dùng lời lẽ tục tĩu trên mạng gần đây phải kể để vụ nghệ sĩ Hoài Linh, nghệ sĩ Đức Hải... hay vụ "tấn công" của cổ động viên Việt Nam quá khích đối với trang Facebook của trọng tài người Iraq Ali Sabah Adday Al-Qaysi (trọng tài bắt chính trận Việt Nam và UAE) khiến ông này phải khóa tài khoản Facebook...

Thật - ảo lẫn lộn

Không phải là nhân vật chính trong vụ lùm xùm của nghệ sĩ hài Hoài Linh thời gian gần đây, song danh ca Ánh Tuyết bỗng dưng trở thành tâm điểm bị chỉ trích, nhận không ít lời ném đá, thậm chí bị dọa sẽ bóc phốt về danh ca này chỉ sau lời bình luận “em không nghĩ Hoài Linh là người như vậy”. Chia sẻ về vấn đề này với một số trang thông tin, danh ca Ánh Tuyết cho biết, cô rất buồn khi mà các giá trị đạo đức đang đi xuống. “Mọi người có thể nói bất cứ điều gì trên mạng. Phải chăng người Việt chúng ta đang nổi bật với sự hung hãn, kém văn minh mạng trong mắt bạn bè quốc tế. Xã hội chúng ta sẽ đi về đâu”? 

Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Nguồn: Điều 4, Khoản 6, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

Không chỉ có danh ca Ánh Tuyết là nạn nhân của trò ném đá, đưa ra lời bình phẩm vô căn cứ, còn vô vàn ví dụ khác về các hành vi vu khống, bôi nhọ, thậm chí xuyên tạc trên mạng xã hội xuất hiện trong thời gian qua khiến nhân vật bị chỉ trích, bêu rếu không thể chịu được áp lực, kết quả là họ rơi vào bế tắc, hoang mang cực độ, đã tìm đến sự ra đi để giải thoát.

Về vấn đề này, các chuyên gia về xã hội học cho rằng: Tai hại ở chỗ hiện nay không hiếm người thích nghe tin sốc hơn tin đúng. Mạng xã hội tạo ra những cá nhân, nhóm người chuyên nói càn, tung tin giật gân để nổi tiếng, kiếm nhiều tiền còn người bị nói đến trở thành nạn nhân của đám đông. "Với mạng xã hội, mỗi người chúng ta giống như nhân đôi cuộc đời và nếu cả hai cuộc đời mà tràn đầy những lời thóa mạ, công kích, câu nói phản cảm thì cuộc sống đó rất nặng nề"- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, TS. Khuất Thu Hồng chia sẻ.

Với những gì đang diễn ra, mạng xã hội đã và đang tạo ra nhiều giá trị thật - ảo, chứa đựng vô số khiếm khuyết, nhất là khi nhiều quan hệ được thiết lập trên cơ sở ẩn danh. Từ những hành động, phát ngôn gây sốc trên mạng xã hội mà không phải chịu trách nhiệm đã ra đời những “anh hùng bàn phím”, thậm chí đưa ra “hoang tin”, bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận. Đặc biệt trong thời gian gần đây là những thông tin thất thiệt về dịch Covid-19, khiến các lực lượng chức năng phải vào cuộc xử phạt hành chính hàng trăm trường hợp.

Trong bối cảnh mạng xã hội đang phát triển khó kiểm soát, những hệ lụy của trò “ném đá”, đưa ra những lời chỉ trích, thóa mạ thiếu kiểm chứng... là vô cùng lớn, tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận xã hội, nhất là với giới trẻ bởi những tư tưởng suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực. Vì vậy, bên cạnh hệ thống pháp luật, một quy chế "mềm" dựa trên nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia, tạo đồng thuận của cộng đồng mạng cùng chung tay xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tích cực trong thời điểm này là cần thiết.

Hải Thanh