Tiền Giang đầu tư 135 tỷ đồng cho công tác phòng, chống thiên tai

- Thứ Hai, 08/11/2021, 12:48 - Chia sẻ
Từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư gần 135 tỷ đồng cho công tác phòng, chống thiên tai; trong đó, có 230 công trình nạo vét kênh mương tưới tiêu, cống đập ngăn lũ và triều cường bảo vệ các vùng sản xuất trọng điểm của địa phương. Nhờ vậy, dù trong mùa khô vừa qua, hạn hán và xâm nhập mặn có diễn biến phức tạp nhưng không gây thiệt hại đáng kể đến sản xuất, an sinh xã hội bảo đảm.
Công trình kè chống xói lở đê biển Gò Công
Công trình kè chống xói lở đê biển Gò Công, Tiền Giang
Nguồn: TTXVN 

Kịp thời triển khai các chỉ đạo, điều hành

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến phức tạp trong mùa mưa bão 2021 tại Đồng bằng sông Cửu Long và dịch Covid-19 còn ảnh hưởng nặng nề tại địa phương, Tiền Giang đưa ra nhiều biện pháp chủ động nhằm ứng phó với thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân.

Từ đầu năm đến nay, Tiền Giang đã đầu tư gần 135 tỷ đồng cho công tác phòng, chống thiên tai; trong đó, có 230 công trình nạo vét kênh mương tưới tiêu, cống đập ngăn lũ và triều cường bảo vệ các vùng sản xuất trọng điểm của địa phương. Nhờ vậy, dù trong mùa khô vừa qua, hạn hán và xâm nhập mặn có diễn biến phức tạp nhưng không gây thiệt hại đáng kể đến sản xuất, an sinh xã hội bảo đảm.

Trước tình hình đó, tỉnh kịp thời triển khai sâu rộng các văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương về công tác phòng, chống thiên tai trong hoàn cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Cùng với đó, tỉnh rà soát các kế hoạch, phương án ứng phó với những tình huống thiên tai cụ thể có thể xảy ra trên địa bàn. Trên cơ sở cụ thể hóa phương châm “4 tại chỗ”, địa phương chú trọng xây dựng phương án phòng, chống thiên tai linh hoạt, phù hợp với từng địa bàn và từng vùng, tiểu vùng: vùng duyên hải phía Đông tỉnh, vùng kiểm soát lũ đầu nguồn sông Tiền phía Tây, vùng Đồng Tháp Mười, vùng dự án Bảo Định…

Hoàn thiện bản đồ cảnh báo thiên tai

UBND tỉnh yêu cầu Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) rà soát, bổ sung, hoàn thiện bản đồ cảnh báo thiên tai; kịp thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống thiên tai từ tỉnh đến cơ sở. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng và củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, nòng cốt là dân quân tự vệ nhằm đảm bảo thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” cùng các phương án ứng phó thiên tai gắn với xây dựng cộng đồng an toàn, xã nông thôn mới…

Các ngành chức năng như Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh có phương án đảm bảo thông tin, liên lạc, huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cần thiết và sẵn sàng tham gia ứng cứu kịp thời, hiệu quả khi có tình huống bất trắc xảy ra trong mùa mưa bão, bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân.

Tỉnh Tiền Giang cũng tiến hành đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo thiên tai nhằm nâng cao kỹ năng ứng phó cho người dân, không để bị động trong bất kỳ tình huống nào, giảm nhẹ thiệt hại đến mức thấp nhất gắn với khuyến khích nông dân chuyển đổi sản xuất, nhân rộng những mô hình làm ăn hiệu quả thích ứng biến đổi khí hậu những địa bàn khó khăn, ổn định cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt là thông tin kịp thời lịch vận hành các công trình thủy lợi, khuyến cáo nông dân lấy nước tưới tiêu, phục vụ sản xuất hoặc xổ xả, tiêu úng, phòng chống lũ lụt và triều cường kịp thời bảo vệ cây trồng, vật nuôi.

Tiền Giang quan tâm đầu tư kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng, nhất là các công trình kênh mương, thủy lợi, mạng lưới cống đập và đê bao ngăn lũ lụt, triều cường ở các địa bàn trọng điểm như: vùng ngọt hóa Gò Công, vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản, vùng ngập lũ đầu nguồn… nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó khi thiên tai xảy ra, không để thiệt hại cho sản xuất, đời sống nói chung.

Thảo Anh