Thực hiện Chương trình OCOP Hà Nội

Tiên phong áp dụng phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm

- Thứ Tư, 19/01/2022, 06:25 - Chia sẻ
Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh Covid-19, song nhờ nỗ lực của các ngành, các cấp và các chủ thể, đặc biệt là việc tiên phong áp dụng phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm, Chương trình OCOP của TP. Hà Nội đã đạt và vượt kế hoạch đề ra trong năm 2021. Đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của Chương trình OCOP của thành phố năm 2022 và cả giai đoạn 2021 - 2025.
	Thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP Ảnh: Khánh Duy
Thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP
Ảnh: Khánh Duy

Công nhận trên 500 sản phẩm OCOP

Giai đoạn 2018 - 2020, TP. Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận 1.054 sản phẩm OCOP, vượt kế hoạch. Trong đó, có 4 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 731 sản phẩm 4 sao và 306 sản phẩm 3 sao. Năm 2021, có 26/30 địa phương đăng ký sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng. Đến nay, các đơn vị chuyên môn đã hoàn thành đánh giá 595 sản phẩm; công nhận trên 500 sản phẩm OCOP, đưa tổng số sản phẩm OCOP của thành phố lên trên 1.500 sản phẩm. Thành phố cũng tổ chức 44 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn.

Giám đốc Sở NN - PTNT thành phố Chu Phú Mỹ cho biết: Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến việc triển khai hướng dẫn thủ tục, hồ sơ, tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của các địa phương gặp nhiều khó khăn. Để bảo đảm mục tiêu chương trình đề ra, Hội đồng Đánh giá sản phẩm OCOP thành phố đã giao Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng phối hợp với Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp huyện tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tại các địa phương. Sau đó, tổng hợp, báo cáo kết quả làm cơ sở để Hội đồng cấp thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm theo quy định.

Đến nay, Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng Đánh giá sản phẩm OCOP thành phố và Hội đồng các địa phương đã đánh giá phân hạng được 595 sản phẩm. Trong đó, có 53 sản phẩm của hai huyện Quốc Oai và Hoài Đức đã được đánh giá, phân hạng vòng 1, với 20 sản phẩm tiềm năng 3 sao, 33 sản phẩm tiềm năng 4 sao. Đối với 542 sản phẩm của 25 quận, huyện, thị xã còn lại, Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng OCOP thành phố đã rà soát, đánh giá và đề xuất Hội đồng OCOP thành phố công nhận 208 sản phẩm tiềm năng 3 sao và 334 sản phẩm tiềm năng 4 sao.

Hiệu quả từ ứng dụng phần mềm đánh giá sản phẩm

Để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2021, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội đã phối hợp với Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng OCOP thành phố tham mưu Sở NN - PTNT ban hành các văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình OCOP, Hội đồng và Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cùng cấp. Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và cả giai đoạn 2021 - 2025. Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng Đánh giá sản phẩm OCOP thành phố cũng tích cực phối hợp với các đơn vị tư vấn, UBND các địa phương hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và tiếp nhận hồ sơ, đánh giá, phân hạng sản phẩm.

Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí chia sẻ: Trong năm 2021, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng phần mềm đánh giá, sản phẩm OCOP. Vì vậy, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm của thành phố vẫn bảo đảm mục tiêu, tiến độ đề ra. Cùng với đó, thành phố đã chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị tích cực phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố tổ chức thực hiện kế hoạch bảo đảm chất lượng, hiệu quả nội dung kế hoạch đề ra. Với sự nỗ lực của các ngành, các cấp và chủ thể tham gia, đến nay chương trình OCOP của thành phố đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Đặc biệt, cùng với xây dựng, triển khai kế hoạch đánh giá, phân hạng sản phẩm, các địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, tư vấn, vận động, hỗ trợ các chủ thể tích cực đăng ký sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đồng thời, chủ động rà soát các sản phẩm có lợi thế và đạt yêu cầu khác trên địa bàn để đề xuất, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ gửi về Sở NN - PTNT thành phố tổng hợp, đánh giá đúng quy trình, quy định.

Theo Giám đốc Sở NN - PTNT thành phố Chu Phú Mỹ, đến năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên. Trong đó, 3% sản phẩm tiềm năng 5 sao đăng ký tham gia đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia; 20% sản phẩm mới, phát huy sức sáng tạo của các làng nghề, sản phẩm chế biến; đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm OCOP đã hết thời gian chứng nhận theo quy định. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cấp chất lượng sản phẩm đã tham gia Chương trình OCOP và được UBND thành phố chứng nhận đạt 3 sao trở lên. Bảo đảm 100% chủ thể được bồi dưỡng, tập huấn về Chương trình OCOP; tỷ lệ lao động qua bồi dưỡng, được cấp chứng chỉ làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 25% và có ít nhất 70% chủ thể OCOP là tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp…

Khánh Duy