Đường lối đối ngoại trong văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng:

Tiên phong tạo dựng, gìn giữ môi trường hòa bình để phát triển

- Chủ Nhật, 31/01/2021, 08:19 - Chia sẻ
Trao đổi với báo chí về những định hướng lớn trong công tác đối ngoại được đề ra trong văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nêu rõ: Điểm nhấn của văn kiện trình Đại hội là xác định nhiệm vụ đối ngoại phải phát huy vai trò tiên phong trong tạo dựng và gìn giữ môi trường hòa bình, tranh thủ điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển và đổi mới đất nước cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên, văn kiện nêu rõ đối ngoại gồm ba trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.

 3 trụ cột của công tác đối ngoại
- Nội dung trọng tâm trong đường lối đối ngoại được đề ra tại văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng là gì, thưa ông? 

- Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đề cập nhiều nội dung, từ đánh giá quá trình thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng Đảng; thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và công tác đối ngoại. Theo đó, dự thảo nhắc đến nhiều dấu ấn nổi bật của đất nước có đóng góp của công tác đối ngoại, bao gồm cả đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Văn kiện trình Đại hội khẳng định việc tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại để đem lại thành tựu phát triển của đất nước và sự ủng hộ rộng rãi của khu vực và cộng đồng quốc tế. Đó là đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; Việt Nam là bạn, đối tác trách nhiệm, tin cậy trong cộng đồng quốc tế; đa phương hóa, đa dạng hóa, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc dựa trên luật pháp quốc tế, bình đẳng giữa các quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung

Ảnh: Q. Chi 

Đặc biệt, văn kiện trình Đại hội đặt ra nhiệm vụ đối ngoại phải phát huy vai trò tiên phong trong tạo dựng và gìn giữ môi trường hòa bình, tranh thủ điều kiện thuận lợi cho quá trình đổi mới và phát triển đất nước, nâng cao vị thế Việt Nam. Đồng thời nêu rõ, đối ngoại gồm ba trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân. Đây là 3 lực lượng phát huy tác dụng trong quá trình phát triển và nâng cao vị thế của đất nước, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế cả tinh thần và vật chất.

Văn kiện khẳng định, Việt Nam không những là thành viên có trách nhiệm mà còn là thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có diễn biến phức tạp, việc trở thành thành viên tích cực sẽ góp phần tạo môi trường quốc tế và khu vực thuận lợi hơn cho chúng ta.

Văn kiện cũng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại có năng lực, trình độ, toàn diện, xây dựng nền ngoại giao toàn diện và hiện đại. Lực lượng làm đối ngoại phải theo dõi sát, có ứng biến phù hợp để thực hiện tốt nhiệm vụ đặt ra cho công tác đối ngoại, đóng góp vào thực hiện các mục tiêu tổng quát và cụ thể mà Đại hội XIII của Đảng đặt ra.

 - Bộ Ngoại giao sẽ có những giải pháp gì để hiện thực hóa mục tiêu mà văn kiện trình Đại hội đề ra, thưa ông? 

 - Sau khi Đại hội thông qua nghị quyết, Bộ Ngoại giao sẽ quán triệt, phổ biến tới các ngành, địa phương, đối tượng khác nhau, trong đó tập trung về nội dung, phương hướng và các biện pháp chính được đề ra liên quan đến công tác đối ngoại trong nhiệm kỳ tới theo từng lĩnh vực của hoạt động đối ngoại.

Đơn cử, trong lĩnh vực ngoại giao phục vụ kinh tế, bối cảnh hiện nay đặt ra nhiệm vụ lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Liên quan đến kinh tế số, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phải có những điều chỉnh trong quá trình xây dựng chiến lược, kế hoạch ngoại giao phục vụ kinh tế.

Trong bối cảnh thế giới đứng trước diễn biến phức tạp của an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh… ngành ngoại giao đã, đang và sẽ triển khai hiệu quả hơn nữa công tác cảnh báo với đất nước về những thách thức trên, đồng thời tranh thủ hợp tác quốc tế. Ví dụ, chúng ta đang đề xuất Việt Nam là trung tâm lưu trữ thiết bị, vật tư y tế của ASEAN, hoặc mới đây Việt Nam đã đề xuất và được các nước thành viên Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết lấy ngày 27.12 hàng năm là Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh.

Một điểm quan trọng sẽ được phổ biến sau Nghị quyết Đại hội XIII là xây dựng nền ngoại giao toàn diện và hiện đại. Toàn diện trong phương thức, lĩnh vực hoạt động; hiện đại trong việc tranh thủ, tận dụng công nghệ số. Bộ Ngoại giao đã xây dựng chiến lược về quản lý tri thức. Khái niệm này được sử dụng trong nhiều năm nhưng 5 năm qua, Bộ Ngoại giao đã đưa tư tưởng này vào hoạt động quản lý, hình thành quá trình khép kín từ tạo ra tri thức, phổ biến tri thức và quay lại tạo ra tri thức, góp phần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao.

Sau khi Nghị quyết Đại hội XIII được thông qua, ngành ngoại giao cũng sẽ thông tin cho các đối tác quốc tế về đường lối đối ngoại đã được Đại hội thông qua, cũng như những biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác vì lợi ích của cả hai bên, vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và quốc tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc

Ảnh: Thống Nhất 

Kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ
 - Bảo vệ lãnh thổ biên giới, chủ quyền, quyền chủ quyền biển, hải đảo là nhiệm vụ tiên quyết, trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta. Xin ông chia sẻ thêm về những trọng tâm trong công tác này thời gian tới?

Mục tiêu của đường lối đối ngoại Việt Nam là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước, tranh thủ tốt nhất điều kiện thuận lợi cho quá trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp vào công việc chung của cộng đồng quốc tế. Mục tiêu quan trọng hơn cả là chúng ta kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Điều này được khẳng định và ở vị trí hàng đầu trong đường lối đối ngoại của Việt Nam nhiều kỳ Đại hội cũng như tại Đại hội XIII.

Về vấn đề bảo vệ chủ quyền, trong đó có lãnh thổ biên giới trên bộ và trên biển, chúng ta có hơn 5.000km biên giới với Trung Quốc, Lào và Campuchia, đi qua 25 địa phương. Nhiều công việc rất quan trọng đã và đang được triển khai, đó là thực hiện các điều ước đã được ký kết giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Campuchia, liên quan đến công tác hoạch định biên giới và phân giới cắm mốc; vấn đề quản lý cột mốc và cọc dấu trong quản lý đường biên giới, các quy chế quản lý cửa khẩu. Chúng ta vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vừa phối hợp với các nước có chung biên giới trên bộ chống các hình thức tội phạm, bảo đảm an ninh, an toàn khu vực biên giới. 

Tôi mong muốn, thời gian tới Đảng và Nhà nước sẽ có nhiều chính sách phát triển kinh tế các vùng biên giới - chứ không phải chỉ ở khu vực biên giới vì khu vực biên giới thì có phạm vi nhỏ hơn vùng biên giới. Đặc biệt, việc kết nối các vùng biên giới với các vùng xuôi, vùng biển và nâng cấp cơ sở hạ tầng ở các vùng biên giới cần được thúc đẩy hơn nữa, bởi những vùng biên giới thực sự là một dư địa mới cho quá trình phát triển của Việt Nam.

Đối với biên giới trên biển, Việt Nam cùng nhiều nước khác trên Biển Đông cùng chia sẻ Biển Đông và các vùng biển quốc tế theo Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (UNCLOS 1982). Theo Công ước này, các quốc gia ở Biển Đông có cùng lợi ích và sự hợp tác về hàng hải, hàng không, thương mại, đầu tư, nghiên cứu khoa học, chống tội phạm… Tôi mong muốn thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác trên biển ở nhiều lĩnh vực như: Bảo vệ môi trường, hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nghiên cứu khoa học, chống tội phạm…

Đối với Biển Đông, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là mong muốn cùng các nước có liên quan giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp phù hợp với UNCLOS 1982 và luật pháp quốc tế. Tôi cho rằng, ở các vùng biển, việc có tranh chấp có thể do điều kiện lịch sử để lại, điều kiện khách quan là vùng biển đối diện, rất sát nhau. Ví dụ, theo UNCLOS 1982, mỗi quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế tối đa đến 200 hải lý. Nếu hai nước đối diện với nhau nhưng bờ biển chỉ cách nhau 100 hải lý thì rõ ràng phải giải quyết vấn đề chồng lấn. Chúng ta mong muốn cùng nước ven biển giải quyết được các tranh chấp, bất đồng, trong đó có vấn đề thực hiện được phân định những vùng thực sự có tranh chấp một cách phù hợp theo UNCLOS 1982. 

Chúng ta đã có kinh nghiệm về phân định biển với nhiều nước như: Với Trung Quốc trong vùng Vịnh Bắc Bộ; với Thái Lan; với Malaysia, chúng ta đã đạt được thương lượng; với Indonesia, chúng ta đã phân định xong vùng thềm lục địa; với Campuchia, chúng ta có những kết quả ở vùng nước lịch sử. Để đạt được những điều này, chúng ta đã kiên quyết, kiên trì bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, đấu tranh chống lại các vi phạm đối với chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của chúng ta, được xác định theo UNCLOS 1982. 

 - Để làm tốt công tác bảo vệ chủ quyền, biên giới trên bộ, trên biển, theo ông cần lưu ý những vấn đề gì?

 - Chúng ta phải quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác biên giới lãnh thổ, vấn đề quản lý, hợp tác với các đối tác, cũng như các vấn đề liên quan đến giải quyết tranh chấp, đấu tranh chống lại các vi phạm. Cùng với đó là nâng cao sự phối hợp, hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự điều hành thường xuyên của Chính phủ; đồng thời phải xây dựng kế hoạch đối với từng vấn đề cụ thể.

Một vấn đề quan trọng là chúng ta phải phát triển kinh tế và khoa học công nghệ trên bộ, trên biển. Điều này sẽ giúp thể hiện rõ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Thời gian tới, công tác thông tin và truyền thông liên quan đến biên giới, hải đảo, công tác chủ quyền, lãnh thổ cũng cần được chú trọng hơn để người dân Việt Nam đồng thuận và ngày càng ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, từ đó góp phần bảo vệ lợi ích chung của đất nước, của các cơ quan, tổ chức, từng địa phương và mỗi người dân.
 - Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Bình ghi