Kỷ niệm 70 năm thành lập Ban Kinh tế Trung ương (30.9.1950 - 30.9.2020)

Tiên phong trong tham mưu, đề xuất chủ trương, đường lối của Đảng về kinh tế

- Thứ Tư, 30/09/2020, 05:52 - Chia sẻ

1. Đổi mới tư duy phát triển kinh tế là quá trình hoàn thiện vai trò lãnh đạo của Đảng về kinh tế

Tư duy về kinh tế của Đảng ta là xuyên suốt từ Cương lĩnh 1930 đến nay. Ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì năm 1930, bên cạnh mục tiêu chính trị là đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, đã xác định mục tiêu kinh tế là xóa bỏ các thứ quốc trái, bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo, thu hết sản nghiệp lớn của đế quốc giao chính phủ nhân dân quản lý, thu hết ruộng đất chiếm đoạt của đế quốc làm của công chia cho dân cày nghèo, phát triển công, nông nghiệp và thực hiện lao động 8 giờ, phù hợp với lợi ích cơ bản của dân tộc, nguyện vọng tha thiết của nhân dân ta.

Trong điều kiện cực kỳ khó khăn, gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (2.1951), Đảng ta đã thông qua Luận cương cách mạng Việt Nam, được coi là bản Cương lĩnh chính trị mới của Đảng, tiếp tục khẳng định nhiệm vụ cơ bản hiện thời của cách mạng là đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập thống nhất, xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân; gây cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, miền Bắc vừa xây dựng CNXH vừa làm hậu phương lớn của miền Nam. Đảng ta luôn có đường lối, chính sách về kinh tế phù hợp với điều kiện của đất nước, nhờ vậy đã góp phần quan trọng trong thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên CNXH. Suốt từ Đại hội IV đến nay, qua các kỳ đại hội Đảng ta đều có những tư duy mới về kinh tế. Nhưng dấu son quan trọng nhất là tại Đại hội VI, Đảng ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới về kinh tế. Từ chỗ thiếu ăn triền miên, chúng ta đã vươn lên đáp ứng được nhu cầu lương thực trong nước, có dự trữ và xuất khẩu. Đó là kết quả tổng hợp của việc phát triển sản xuất, thực hiện chính sách khoán trong nông nghiệp, xóa bỏ chế độ bao cấp, tự do lưu thông và điều hòa cung cầu lương thực - thực phẩm trên phạm vi cả nước.

Một thành tựu nổi bật khác trong đổi mới kinh tế là bước đầu hình thành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và Đảng ta khẳng định đây là một chủ trương chiến lược lâu dài trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Chính sách này được nhân dân hưởng ứng rộng rãi và đã đi nhanh vào cuộc sống. Chính sách ấy đã góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân về kinh tế; khơi dậy được nhiều tiềm năng và sức sáng tạo của nhân dân để phát triển sản xuất, dịch vụ, tạo thêm việc làm và sản phẩm cho xã hội; thúc đẩy sự hình thành và phát triển nền kinh tế hàng hóa, tạo ra sự cạnh tranh sống động trên thị trường. Cơ chế quản lý kinh tế cũng được đổi mới để phù hợp với yêu cầu phát triển đó.

Có thể nói, sự phát triển về tư duy của Đảng ta về kinh tế là từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện, là sự tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam trở thành lý luận, đỉnh cao là Cương lĩnh 1991. Tại Đại hội lần thứ XI, Đảng ta đã thực hiện bổ sung hoàn chỉnh Cương lĩnh năm 1991, thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển 2011). Đây là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH, nhất là về lĩnh vực kinh tế.

Đồng thời, Đảng ta cũng luôn coi nhiệm vụ lãnh đạo kinh tế là trọng tâm và điều đó cũng phù hợp với vai trò lãnh đạo của Đảng chính trị và là một Đảng cầm quyền luôn phải coi kinh tế là trung tâm. Đảng luôn cần hoàn thiện sự lãnh đạo của mình, nhất là lãnh đạo về kinh tế và Đảng luôn cần một cơ quan để có thể tham mưu cho Đảng, giúp Đảng giám sát, kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của Đảng về kinh tế. Qua nghiên cứu, tôi thấy hầu hết các chính đảng, dù đang cầm quyền hay không, đều có các tổ chức nghiên cứu chính sách của mình. Ví dụ như Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) có Viện Friedrich Ebert (FES), Đảng Cộng sản Pháp có Viện Maurice Thorez, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo Đức có Viện Konrad Adenauer (KAS)…

2. Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan nòng cốt, tiên phong trong nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các chủ trương, đường lối của Đảng về kinh tế

Thực tế đã chứng minh, ngay từ những ngày đầu được thành lập (30.9.1950) với đồng chí Phạm Văn Đồng làm Trưởng ban đầu tiên, Ban Kinh tế Trung ương đã tham gia chuẩn bị các văn kiện Đại hội II của Đảng. Từ nhiệm vụ ban đầu là nghiên cứu và đề xuất các chủ trương, chính sách về kinh tế, tài chính để giúp Trung ương lãnh đạo về kinh tế, tài chính. Trong từng giai đoạn, từ khi hình thành đến nay, Ban đã luôn bám sát chương trình công tác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bám sát thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội của đất nước và tình hình thế giới để xây dựng và tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch, chương trình công tác hàng năm. Hầu hết các đề án lớn về kinh tế - xã hội đã được Ban nghiên cứu, đề xuất, nhất là các đề án nghiên cứu về các luận cứ khoa học - thực tiễn góp phần xây dựng các dự thảo văn kiện các kỳ đại hội của Đảng. Ban cũng luôn làm tốt công tác thẩm định các đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giúp cho các cơ quan lãnh đạo đưa ra được các quyết định, đường lối về kinh tế bảo đảm khoa học, sát với thực tiễn và sớm đi vào cuộc sống.

Với phương châm: Lãnh đạo phải kiểm tra, Ban Kinh tế Trung ương đã thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về kinh tế - xã hội để kịp thời nắm bắt thực tiễn, phát hiện và đề xuất biện pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về kinh tế - xã hội. Ban Kinh tế Trung ương cũng tổ chức nhiều hội thảo khoa học, làm tốt công tác thông tin, truyền thông và tổ chức các sự kiện gắn với thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về kinh tế - xã hội.

Đổi mới là một quá trình khó khăn, là cách mạng về tư duy và hành động. Một trong những yêu cầu quan trọng nhất trong lãnh đạo kinh tế của Đảng là phải đổi mới để phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi giai đoạn cách mạng, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Với tinh thần cách mạng, độc lập và sáng tạo, Đảng ta đã hình thành hệ thống các quan điểm, nguyên tắc và đường lối cơ bản về kinh tế, các chủ trương cụ thể để chỉ đạo sự nghiệp đổi mới ở nước ta. 

Những thành tựu quan trọng mang tính lịch sử đã đạt được sau gần 35 năm đổi mới chứng tỏ đường lối và bước đi của Đảng ta là đúng đắn, năng lực cụ thể hóa nghị quyết và tổ chức chỉ đạo thực hiện của các cấp, các ngành có tiến bộ vượt bậc. Chính Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan nòng cốt, tiên phong trong nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các chủ trương, đường lối của Đảng về kinh tế, đã góp phần xây dựng luận cứ khoa học và thực tiễn cho các chủ trương phát triển kinh tế, đóng góp tích cực vào việc soạn thảo các chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng.

Tôi muốn nhắc lại kỷ niệm về Hội nghị đầu tiên trong toàn quốc về kinh tế trang trại được Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tại Yên Bái vào năm 1996 để tưởng nhớ nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lúc sinh thời rất quan tâm tới phát triển kinh tế trang trại ở tỉnh Yên Bái và các anh Vũ Ngọc Kỳ, Vũ Sửu, nguyên Trưởng ban Kinh tế Tỉnh ủy Yên Bái từng rất tâm huyết, có nhiều đóng góp trong xây dựng các mô hình phát triển kinh tế ở Yên Bái. Khi đó, Yên Bái là nơi kinh tế trang trại phát triển sôi động với trên 7.200 trang trại với cái “nôi” của kinh tế trang trại là huyện Trấn Yên, cũng là một hiện tượng “phá rào” cần được tổng kết, đánh giá về chủ trương tích tụ ruộng đất, về tư nhân, hộ gia đình làm kinh tế trang trại, thậm chí có cả đồn điền hàng trăm ha rừng.

Hội nghị đã tạo đà cho việc hình thành các chính sách phát triển kinh tế trang trại trong cả nước nhằm khai thác sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý góp phần phát triển nông nghiệp bền vững gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập, khuyến khích làm giàu đi đôi với xóa đói giảm nghèo, phân bổ lao động, dân cư, xây dựng nông thôn mới. Chính quá trình chuyển dịch, tích tụ ruộng đất hình thành các trang trại đã góp phần thúc đẩy quá trình hình thành một nông thôn văn minh, hiện đại hơn.

Điểm lại những sản phẩm của Ban Kinh tế Trung ương những năm gần đây để thấy được sự nỗ lực, cố gắng và tinh thần phấn đấu của tập thể Ban Kinh tế Trung ương. Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, thực hiện nghị quyết Đại hội XII của Đảng, số nghị quyết, kết luận được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tham mưu, đề xuất là 13 nghị quyết, kết luận, gồm 3 nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và 10 nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị[*]. Những chủ trương do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì nghiên cứu, đề xuất với Bộ Chính trị ban hành đều là những vấn đề mang tính chiến lược, thể hiện sự đổi mới sáng tạo theo kịp xu hướng phát triển, vừa khắc phục khó khăn, thách thức vừa tận dụng cơ hội, xây dựng nền tảng vững chắc nhằm từng bước đưa nước ta đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp phát triển.

Các đề án quan trọng này đã bổ sung, phát triển nhiều nội dung mới, quan trọng liên quan đến việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; đề xuất một số chủ trương, chính sách, biện pháp mới có tính đột phá để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển tương xứng với vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế, làm cơ sở để Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành các nghị quyết, Quốc hội thể chế hóa thông qua việc trong ban hành mới hay sửa đổi, bổ sung các luật về kinh tế, như: Luật Quy hoạch, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng…; trong các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế đất nước…

Tới đây, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động, sau đại dịch Covid-19, cũng như hiện tượng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế, tình hình biến đổi khí hậu, sự bùng nổ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 gắn với kinh tế số và trí tuệ nhân tạo, công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược của Ban Kinh tế Trng ương lại càng quan trọng đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Đặc biệt trong giai đoạn bản lề kết thúc Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và bắt đầu của Chiến lược 10 năm 2021 - 2030 tầm nhìn 2045, trước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, phá bỏ mọi rào cản, giải phóng sức sản xuất xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trước những thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh và tự do hàng hải,… thì yêu cầu đặt ra đối với Ban Kinh tế Trung ương lại càng cao hơn.

Tôi hoàn toàn tin tưởng vào khả năng tư duy, sáng tạo của tập thể Ban Kinh tế Trung ương cùng với sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Tổng Bí thư và các lãnh đạo cấp cao của Đảng là động lực lớn để tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức, người lao động Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục thực thi sứ mệnh của mình xứng đáng với 70 năm lịch sử hình thành và phát triển của Ban.

________________

[*] Báo cáo số 217-BC/BKTTW ngày 22.1.2020 của Ban Kinh tế Trung ương “Kết quả công tác năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020”.

Phùng Quốc Hiển - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội