Tản mạn

Tiếng kèn saxophone nơi bệnh viện dã chiến

- Thứ Năm, 29/07/2021, 06:48 - Chia sẻ
Đó có thể không phải là những thanh âm được mix kỹ nhất nhưng là thanh âm đẹp nhất...

Xem đoạn video do chính nghệ sỹ saxophone Trần Mạnh Tuấn tải trên Youtube, mà nước mắt tôi cứ ứa ra, khi đặt mình vào vai người nghe - những bệnh nhân đang cách ly trong bệnh viện dã chiến, đang nóng lòng đợi ngày ra và thấp thỏm không biết người thân bên ngoài thế nào…

Nghệ thuật, theo nhà thần kinh học người Anh Semir Zeki định nghĩa, là một “sự tìm tòi liên tục, không ngừng, thiết yếu và bền bỉ các đối tượng, diện mạo, và cảnh huống”. Cảnh huống này thực sự quá lạ. Anh Tuấn thổi kèn, đầu đội tấm kính bảo hộ, mặt đeo khẩu trang, chừa mỗi khuôn miệng để đặt môi lên cây saxophone. Giữa những hỗn loạn, hoang mang, tiếng kèn của anh mang đến một sự xoa dịu lớn.

Nghệ thuật, như Oscar Wilde lý giải trong “Chân dung của Dorian Gray” là một sự vô dụng. “Lý do duy nhất để ta kiến tạo ra thứ vô dụng ấy", Wilde viết, "là vì ta ngưỡng mộ nó cùng cực”. Nhiều năm sau đó, Wilde giải thích thêm cho quan điểm này: “Nghệ thuật vô dụng vì mục đích của nó chỉ là tạo ra một tâm trạng. Nghệ thuật vô dụng cũng như một bông hoa vô dụng. Bông hoa nở vì niềm vui của nó. Chúng ta sung sướng khi nhìn hoa nở và gán cho nó một ý niệm”.

Tiếng kèn của nghệ sỹ saxophone Trần Mạnh Tuấn chính là một “sự vô dụng cùng cực” như định nghĩa của Wilde. Nó không làm giảm một F0 nào, không đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine. Nhưng nó quả thực đã tạo ra cảm xúc rất lớn. Và thứ cảm xúc ấy cũng lây lan. Tôi tin hàng nghìn người đã trực tiếp nghe tiếng kèn ấy đã bước vào ngày hôm sau với một tâm trạng tích cực hơn. 

Trần Mạnh Tuấn đã biểu diễn ở hàng trăm sân khấu lớn nhỏ khác nhau, nhưng đây là một sân khấu thật đặc biệt. Khán giả không ngồi trong khán phòng, trước mặt anh để thưởng thức mà ở trong những căn phòng cách ly, trên giường bệnh. Từ khoảng sân vắng của khu cách ly, bản nhạc "Quê hương" qua tiếng kèn điệu nghệ của cây saxophone tài danh bay qua cửa sổ, đến bên những người bệnh để an ủi họ, và an ủi cả những người nghe trực tuyến, với một chất lượng âm thanh rất dã chiến. Đó có thể không phải là những thanh âm được mix kỹ nhất nhưng là thanh âm đẹp nhất.

Cũng như những người Tây Tiến giữa lúc sinh tử lâm đầu vẫn “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”, tôi thấy tiếng kèn của Trần Mạnh Tuấn khi thổi bài “Quê hương” đã mang trong nó một ước mơ. Rồi chúng ta, theo một cách nào đó, sẽ lại nhìn thấy những “đêm trăng tỏ”, những “cầu tre nhỏ” và lũ trẻ sẽ lại thấy “đường đi học rợp bướm vàng bay”.

Chúng ta sẽ bình an.

Anh Ngọc