Tiếng lòng người “chiến sĩ áo trắng” trong tâm dịch

- Chủ Nhật, 28/02/2021, 09:00 - Chia sẻ
“Bữa trưa cũng chỉ kịp ăn vội bát cơm rồi lại tiếp tục vào viện theo dõi bệnh nhân. Đa phần các nhân viên y tế tại Bệnh viện Dã chiến 2 chưa từng gặp ca bệnh nặng như thế này, lại không có chuyên môn về hồi sức cấp cứu nên ê kíp chi viện của Bệnh viện Bạch Mai phải liên tục theo dõi, giám sát và chăm sóc cho bệnh nhân 24/24”. Đó là những chia sẻ của anh Bạch Văn Hoàn - điều dưỡng trẻ của Bệnh viện Bạch Mai từ tâm dịch Hải Dương.

Những giấc ngủ chưa tròn

Rạng sáng ngày 29.1, anh Hoàn cùng ê kíp Bệnh viện Bạch Mai nhận được chỉ đạo của cấp trên sẵn sàng lên đường chi viện cho Hải Dương. Mới 7 giờ sáng, cả đội đã có mặt tại Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, bấy giờ các trang thiết bị phục vụ bệnh viện dã chiến gần như chưa có gì. Mọi người bắt tay ngay vào công việc, làm việc liên tục không ngừng nghỉ để làm sao trong ngày hôm ấy bệnh viện có thể sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân.

Đúng 3 giờ chiều, 24 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên đã nhập viện. Không kịp nghỉ ngơi, anh Hoàn và ê kíp tiếp tục thiết lập khu vực hồi sức cấp cứu tại tầng 5 của bệnh viện. Khu vực này lúc ấy chưa có bất kỳ một trang thiết bị y tế nào, bụi phủ khắp nơi. Thế nhưng, với kiến thức vững vàng và lòng nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ y tế, chỉ sau 1 ngày, khu hồi sức cấp cứu đã được thiết lập xong.

Hai ngày sau, 1 bệnh nhân diễn biến nặng cần phải lọc máu ngay lập tức, nhưng trong ê kíp của Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương lại không có ai biết lọc máu bởi kỹ thuật này chưa được triển khai ở đây. Đến 12 giờ đêm, anh Hoàn lên đường vào bệnh viện tiến hành lọc máu cho bệnh nhân, sau đó theo dõi diễn biến, biểu hiện của bệnh nhân cho đến 9 giờ sáng, sau khi bệnh nhân đã ổn định, anh mới dám nghỉ ngơi một chút.

“Những ngày tiếp theo, xuất hiện thêm nhiều ca bệnh nặng hơn, không kể ngày hay đêm, bất cứ khi nào bệnh nhân trở nặng tôi lại vào viện tiến hành các kỹ thuật lọc máu, cho bệnh nhân thở máy. Hàng đêm, vẫn có những cuộc gọi từ ê kíp trực tại Bệnh viện Dã chiến số 2 yêu cầu hỗ trợ” - điều dưỡng Hoàn nhớ lại.

Điều dưỡng Bạch Văn Hoàn chăm sóc và thăm hỏi người bệnh  

Cái Tết đặc biệt của “chiến sĩ áo trắng”

Tâm sự thêm về câu chuyện cá nhân của riêng mình, anh Hoàn cho biết, trong chuyến đi Hải Dương này, trong đầu anh Hoàn lúc đó bộn bề suy nghĩ, không biết tình hình dịch bệnh hiện tại ra sao, không biết có được về nhà để ăn Tết hay không? Trước khi lên đường anh không dám gọi điện cho bố mẹ, sau khi đã đặt chân tới nơi mới gọi điện về cho gia đình thông báo rằng mình đã ở Hải Dương. 

Kể về lần đầu ăn Tết xa nha, anh Hoàn nhớ lại, gần Tết gia đình có gọi hỏi xem liệu có về nhà ăn Tết không, nhưng vì tình hình dịch bệnh tại Hải Dương vẫn còn đang căng thẳng, anh đã xác định khó có thể về được. Tạm gác lại những niềm vui trong ngày Tết cùng gia đình, anh Hoàn cùng với những nhân viên y tế đã không quản ngại khó khăn để giúp người dân có được cái Tết an toàn và đầm ấm.

Làm việc liên tục cường độ cao trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19, anh Hoàn và các nhân viên y tế xác định nhiệm vụ trọng tâm không được để bất cứ người bệnh nào tử vong. “Chúng tôi cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19 tại “chiến trường” Đà Nẵng hơn một tháng. Mặc dù có chút lo lắng nhưng chúng tôi luôn cố gắng hết sức mình, không ngại khó, ngại khổ và quan trọng là luôn giữ cho mình tư tưởng thoải mái, những suy nghĩ tích cực”.

Có thể nói, câu chuyện về các điều dưỡng trẻ của Bệnh viện Bạch Mai tạm gác lại chuyện gia đình để tiến vào tâm dịch Hải Dương là những mảnh ghép cảm động trong bức tranh chống dịch Covid-19 cam go và đáng tự hào tại tuyến đầu. Những sự nhớ mong và thương yêu với gia đình đã tiếp thêm sức lực cho các điều dưỡng viên như Hoàn trong công tác chống dịch ở tuyến đầu. Có lẽ, chính những thời điểm cam go như vậy đã hun đúc thêm tình yêu nghề cho đội ngũ cán bộ y tế trẻ, tạo nên những tấm gương sáng về người thầy thuốc nhân dân.

Tùng Dương