Góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi):

Tiếng nói của giới làm phim

- Thứ Hai, 27/09/2021, 05:05 - Chia sẻ
Tham gia sự kiện "Ai góp ý giơ tay lên" chiều tối 26.9, các nhà làm phim, nhà phát hành, nhà sản xuất, các chuyên gia về luật... đã đóng góp nhiều ý kiến và cả kỳ vọng với dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), trên tinh thần xây dựng một bộ luật hữu ích vì sự phát triển của điện ảnh Việt Nam. Được tổ chức trực tuyến, kéo dài tới hơn 5 tiếng đồng hồ, sự kiện thu hút có lúc trên 800 người theo dõi, bình luận.

Giới làm phim vốn không quan tâm nhiều đến Luật, và khi Luật Điện ảnh 2006 ra đời, có hiệu lực thi hành, bản thân những người làm điện ảnh gặp nhiều vướng mắc. Vì thế, sửa đổi Luật Điện ảnh lần này, nhận thấy đây là cơ hội quan trọng, ảnh hưởng tới chính mình, các nhà làm phim đã nghiêm túc họp lại với nhau, nghiên cứu kỹ Luật Điện ảnh hiện hành cũng như dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), tham vấn những người chuyên về luật và có kinh nghiệm quốc tế, để góp ý cho Ban soạn thảo, với mong muốn khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua có thể tạo sự thay đổi lớn, mở đường cho điện ảnh Việt Nam phát triển ở trong nước và vươn ra quốc tế.

Các nhà làm phim gửi chữ ký đồng tình với bản góp ý, kiến nghị sửa đổi Luật Điện ảnh
Ảnh chụp màn hình

Để Luật không trở thành lực cản sáng tạo

Vấn đề được nhiều nhà làm phim quan tâm là việc thẩm định và phân loại phim, cấp giấy phép phổ biến phim, bởi ám ảnh “hội đồng thẩm định và phân loại phim và nhà làm phim chưa bao giờ cùng chiến tuyến”. Nhiều nhà làm phim chia sẻ đã phải đối mặt với những yêu cầu chỉnh sửa, cắt phim, thêm đoạn phim, thậm chí không cấp phép chiếu phim...

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, thành viên Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện nêu ví dụ, phim “Vị” của đạo diễn Lê Bảo tỏa sáng tại các liên hoan phim quốc tế uy tín, nhưng không được Hội đồng thông qua, bởi “cái hay, cái đẹp, sự độc đáo của điện ảnh mà chúng ta vẫn hằng theo đuổi, không phải là tấm khiên giúp cho tác phẩm không bị cấm”. Tác phẩm không phạm phải những điều cấm được quy định trong Luật Điện ảnh hiện hành, nhưng không thể xếp hạng vào phim P, C13, C16 hay C18 theo quy định của Thông tư Số 12/2015/TT-BVHTTDL ngày 11.12.2015, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim ban hành kèm theo Quyết định số 49/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 9.7.2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhưng quy định này cũng không có định lượng rõ ràng, chỉ dựa trên sự đo đếm cảm tính.

Theo các nhà làm phim, nếu quy định này không được sửa đổi, việc duyệt phim vẫn là nỗi lo của các nhà làm phim trong tương lai. Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) vẫn có những quy định không rõ ràng, nhất là về những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh. Điều này làm khó cả nhà làm phim và Hội đồng thẩm định và phân loại phim. 

Các nhà làm phim mong muốn, việc thẩm định và phân loại phim cần dựa trên bộ tiêu chí được diễn giải chi tiết, rõ ràng, rành mạch, không tồn tại những nội dung mơ hồ, có thể bị suy diễn, phụ thuộc vào ý chí và nhận thức của người viện dẫn Luật. Việc xây dựng bộ tiêu chí này cần có sự tham gia của nhiều bên trong ngành điện ảnh, các nhà khoa học xã hội để công bằng, khoa học, và đưa vào văn bản dưới luật để có thể kịp thời sửa đổi, cập nhật phù hợp với sự phát triển của điện ảnh. 

Bắt kịp sự phát triển của điện ảnh, khán giả

Các nhà làm phim mong muốn những quy định trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) phải phù hợp với sự phát triển của điện ảnh, bắt kịp thị hiếu khán giả. Chẳng hạn như với phương án hậu kiểm phim phổ biến trên không gian mạng, Luật cần quy định phân loại rõ ràng, có tiêu chí hậu kiểm, chế tài xử phạt nghiêm khắc, thì sẽ không nhà sản xuất nào dám lơ là, vi phạm quy định. Bởi đầu tư vào bộ phim với kinh phí hàng chục tỷ đồng, áp lực của nhà sản xuất đủ lớn để không để xảy ra sơ sẩy... Cơ quan quản lý có thể đặt lòng tin, chia sẻ với nhà sản xuất, phát hành. Việc phân loại độ tuổi và dán nhãn trên nguyên tắc để khán giả lựa chọn phim phù hợp với mình. Khán giả Việt Nam hiện nay hoàn toàn bắt kịp xu hướng thông tin như khán giả tại các quốc gia trên thế giới. Bởi vậy, các quy định phải bắt kịp sự phát triển này, để điện ảnh phục vụ đúng khán giả của họ.

Nhà làm phim Phan Đăng Di góp ý, các quy định về chính sách của Nhà nước phát triển điện ảnh tại Điều 5 dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần được cụ thể hơn để có tính khả thi, khuyến khích, tạo thuận lợi cho người làm điện ảnh trong nước phát triển. Bên cạnh đó, nhiều phim độc lập của Việt Nam nhờ quỹ điện ảnh của các quốc gia mới có thể ra đời và thành công tại các liên hoan phim danh tiếng. Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nếu được thành lập sẽ thúc đẩy các dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của các tác giả trẻ, hỗ trợ các dự án sản xuất phim đạt giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao...

Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cho rằng, trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, quy định trong dự thảo Luật dường như chưa thể hiện vai trò dẫn dắt của Nhà nước. Trong khi đó, cần có chính sách phát triển mảng dịch vụ và hợp tác sản xuất phim quốc tế, từ đó tạo cơ hội để nhân lực làm phim được làm việc trong các đoàn làm phim chuyên nghiệp quốc tế, có thể thu lợi về kinh tế, đồng thời quảng bá hình ảnh Việt Nam...

Những kiến nghị của các nhà làm phim sẽ được tập hợp chuyển đến Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), với kỳ vọng dự thảo Luật được xây dựng trên tinh thần “kiến tạo để phát triển”, khi ban hành sẽ là cơ hội để điện ảnh Việt Nam cất cánh cạnh tranh và hội nhập được với điện ảnh trên thế giới.

Thảo Nguyên