Tiếng nói của nghệ thuật

- Thứ Ba, 27/10/2020, 08:48 - Chia sẻ
Nghệ thuật đi ra từ đời sống và cái đích là lại quay về đời sống. Với quan điểm ấy, nhiều nghệ sĩ đã dùng tác phẩm thể hiện vẻ đẹp đời sống để người xem thêm nâng niu trân trọng nó; đồng thời cất tiếng nói góp phần tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn. Tiếng nói của nghệ thuật, của cái đẹp sẽ đối thoại với người xem bằng một cách thức riêng mà không loại hình nào có được.

Gìn giữ đại dương

Với chủ đề gìn giữ vẻ đẹp đại dương, giảm thiểu rác thải nhựa, triển lãm “Biển sống” đang diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật và đương đại Vincom (VCCA) đến ngày 30.10, giới thiệu hơn 50 tác phẩm nhiếp ảnh, hội họa, sắp đặt và phim ngắn của các họa sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim, do họa sĩ Lê Thiết Cương giám tuyển. Triển lãm phản ánh những câu chuyện sinh động, chân thực và góc nhìn đa chiều, truyền tải thông điệp gìn giữ môi trường biển.

Là một phần không thể thiếu của sinh quyển và là nền tảng cho sự sống, tuy nhiên đại dương đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do rác thải nhựa. Họa sĩ Bình Nhi và Quốc Thắng đến với triển lãm bằng những tác phẩm vẽ trực họa, ký họa biển Ninh Thuận và Bình Thuận. Như tên của bộ tranh “Về biển”, tác phẩm của hai họa sĩ như mời gọi mọi người về với biển, cảm nhận vẻ đẹp và tấm lòng của biển để nhắc nhau cùng chung tay gìn giữ biển... 

Biển là một đề tài lớn trong sự nghiệp của nhiếp ảnh gia Ngọc Thái. Trong triển lãm này, chùm 10 tác phẩm ảnh đen - trắng “Đời biển - Đời người” của ông đưa ra một điểm nhìn về cuộc sống của những con người gắn liền với biển: Chợ cá bình minh ở Hạ Long; Ra khơi; Kéo lưới; Thuyền thúng… Nhà nhiếp ảnh Lê Hồng Linh lại trưng bày 10 tác phẩm trong bộ ảnh “Biển gọi”, ngụ ý rằng nếu mỗi người không có ý thức giữ gìn biển, môi trường, không biết nghe tiếng gọi của biển thì liệu biển còn đẹp không, biển còn sống không? Trong khi đó, 6 tác phẩm “Biển nhớ” kích thước lớn và panorama của Dương Minh Long thể hiện khung cảnh mênh mông của đại dương với nắng vàng, mây trắng trong bầu trời xanh lộng gió...

Nghệ sĩ Đỗ Hiệp góp tiếng nói bằng tác phẩm sắp đặt “Chân dung biển” với đèn led, thu hút khán giả đến hòa mình vào những con sóng xanh chảy dài tít tắp. Trong khi đó, tác phẩm sắp đặt của họa sĩ Nguyễn Minh Hiếu lại “gói” đại dương vào trong một hộp kính kích thước 18m x 2m x 3m, trong đó nhiều sinh - thực vật biển bằng nhựa màu tái chế. Người xem có thể đi vòng quanh “biển”, tương tác với biển và đặc biệt là điểm nhìn của tác phẩm sắp đặt này như có cảm giác của người đi dưới đáy biển nhìn lên. Nghệ sĩ chia sẻ: Nhựa trong đời sống hiện đại nhiều khi không thể chối từ được, vấn đề ở chỗ người dùng phải có ý thức phân loại rác tại nguồn, đổ rác đúng nơi quy định.

Triển lãm còn giới thiệu 11 phim ngắn từ Arena Multimedia và Học viện Kỹ xảo điện ảnh và hoạt hình (MAAC). Với nhiều góc nhìn, cách thể hiện đa dạng, “Biển sống” gửi gắm thông điệp của các nghệ sĩ về vẻ đẹp và tầm quan trọng của biển cùng lời kêu gọi hãy trân trọng và gìn giữ đại dương như chính ngôi nhà của mình.

Tác phẩm nghệ thuật mang theo thông điệp nghệ sĩ truyền tải tới công chúng  

Ảnh: Ng. Phương

Từ trái tim đến trái tim

Ngoài “Biển sống”, gần đây, nhiều nghệ sĩ đã dùng nghệ thuật để thể hiện quan điểm trước những vấn đề nóng của xã hội như bảo vệ rừng và động vật hoang dã quý hiếm, sự mai một của di sản văn hóa, kiến trúc, sự xuống cấp đạo đức xã hội... Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, lịch sử nghệ thuật Việt Nam các giai đoạn trước, nghệ thuật không đồng nghĩa với tiếng nói xã hội. Cụ thể là nhiều bức tranh đẹp, ảnh đẹp không thể hiện được thông điệp, câu chuyện về đời sống. Những năm gần đây, nhiều tác phẩm nghệ thuật ngoài mang lại vẻ đẹp, tính giải trí cho người xem, còn thể hiện tiếng nói mạnh mẽ của nghệ sĩ về các vấn đề của xã hội hiện tại. Cái đẹp của nghệ thuật đương đại không thuần túy hình thức mà nó phải bao hàm cả nội dung.

Nghệ thuật gắn liền với cuộc sống, đi ra từ đời sống và quay về đời sống cũng là cái đích cuối cùng. Theo nhiếp ảnh gia Phạm Ngọc Thái, nhiếp ảnh không sáng tạo, mà đúng hơn là ghi chép cuộc sống. Đời sống diễn ra phong phú, muôn màu muôn vẻ, người chụp chỉ chọn khoảnh khắc, góc bấm máy, cắt cúp cho đẹp. Tuy nhiên, sáng tạo của nghệ sĩ là chọn điều gì để ghi lại trong các bức ảnh, chờ đợi lúc bấm máy (nhiều khi chỉ một bước chân, một giây đã ra hiệu quả khác) để thể hiện câu chuyện của mình. “Trong các bức ảnh của tôi, biển luôn gắn với cuộc sống của con người lao động một nắng hai sương, tuy đầy vất vả nhưng lại toát lên sự say mê, lạc quan, góp sức cho cuộc đời đáng sống...”.

Nữ họa sĩ Bình Nhi thì cho rằng, việc vẽ trực họa, ký họa giúp tác phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống và chất thời sự, phản ánh đời thường qua những sắc màu, mang lại sự chân thực, chạm tới trái tim khán giả... Nhiều tác phẩm hội họa, tuy không đứng trực tiếp trước đối tượng thể hiện, nhưng họa sĩ Phạm Trần Quân cho rằng nghệ sĩ cũng phải hiểu và đau đáu về đối tượng thể hiện, ví như phải “ngụp lặn” trong biển, xót thương cho hiện trạng biển bị ô nhiễm mới tạo nên những tác phẩm xúc động về biển, chứ không phải chỉ ngồi nhà mơ mộng và sáng tác...

Từ sự “dấn thân” đó, nghệ thuật không còn ở trong những không gian trưng bày chuyên nghiệp như bảo tàng, nhà trưng bày nghệ thuật mà ra đường phố, vào khu chợ, trung tâm thương mại, công viên... nhằm tới gần hơn với công chúng, tác động mạnh mẽ tới người xem bằng nghệ thuật. Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ: “Có nhiều cách để lên tiếng nhưng với nghệ sĩ lên tiếng bằng chính tác phẩm của mình là hay nhất. Tiếng nói của nghệ thuật, của cái đẹp sẽ đối thoại với người xem bằng một cách thức riêng mà không loại hình nào có được. Đó là đối thoại, là trò chuyện của trái tim với trái tim”.

Ngọc Phương