Tiếng nói nữ giới trong điện ảnh

- Thứ Tư, 20/10/2021, 06:17 - Chia sẻ
Điện ảnh là nghề đầy khó khăn với phái nữ, tuy nhiên, ngày càng có nhiều tên tuổi của các nhà làm phim nữ khẳng định tiếng nói, tạo dấu ấn trong nền điện ảnh nước nhà.

Trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, cố đạo diễn, NSND Bạch Diệp (1929 - 2013) là thế hệ nữ đạo diễn điện ảnh đầu tiên, ghi danh trong lịch sử điện ảnh Việt Nam với những bộ phim “Ngày lễ thánh”, “Huyền thoại mẹ”, “Kẻ không cầu may”, “Hoa ban đỏ”... Qua thời gian, ngày càng nhiều phụ nữ lựa chọn gắn bó và tạo được dấu ấn trong nghệ thuật thứ bảy, như đạo diễn Việt Linh, Nhuệ Giang, cho tới lớp nghệ sĩ Hồng Ánh, Đặng Thái Huyền, Ngô Thanh Vân, Nguyễn Hoàng Điệp, Kathy Uyên...

	Đạo diễn Hồng Ánh khi làm phim đầu tay "Đảo của dân ngụ cư" - Nguồn: kenh14.vn
Đạo diễn Hồng Ánh khi làm phim đầu tay "Đảo của dân ngụ cư"
Nguồn: kenh14.vn

Nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, lắng nghe và quan tâm hơn tới tiếng nói của các nhà làm phim nữ, hội thảo trực tuyến “In Her Voice” được UNESCO phối hợp cùng các đối tác tổ chức chiều 19.10. Nói về thách thức với các nhà làm phim nữ, đạo diễn Nhuệ Giang chia sẻ: “Thời tôi học làm phim, tỷ lệ nữ sinh khá ít. Khi đi làm thì thấy khả năng được làm phim của nữ giới càng khó khăn hơn, trong khi nam giới dễ dàng được lãnh đạo trao quyền làm phim”.

Ngay cả khi đã trở thành đạo diễn, phụ nữ cũng gặp nhiều thách thức hơn so với nam giới. Theo đạo diễn Nhuệ Giang, dù khi làm phim, đạo diễn nam hay nữ đều phải chịu trách nhiệm với bộ phim, phấn đấu bảo đảm về mặt nghệ thuật, làm đúng tiến độ, trong khả năng kinh phí cho phép để phim không bị đổ bể giữa chừng... Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp nam giới có lợi thế hơn, như đi quay ở những vùng xa xôi, xe ô tô không đến được, phải đưa thiết bị vào quay, có máy phát điện... “Tôi từng hy vọng điều này dần bớt đi ở Việt Nam, và thực tế ngày nay đã khác so với thời tôi làm phim... Đã có sự trao quyền cho phụ nữ nhiều hơn, các giải thưởng dành cho đạo diễn nữ cũng tăng lên, nhiều phim của nữ giới giành giải tại liên hoan phim...”.

Không chỉ được trao quyền, nữ giới cũng đã nắm bắt cơ hội, nỗ lực khẳng định, phát triển trong lĩnh vực điện ảnh. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho biết, đầu những năm 2000, chị là số ít nữ giới học lớp Đạo diễn của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, tỷ lệ sinh viên nữ đỗ vào ngành điện ảnh rất cao, với tài năng thuyết phục, thậm chí có năm nữ nhiều hơn nam.

Nữ giới tham gia hoạt động điện ảnh cũng ngày càng đông đảo. Qua quan sát, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp thấy rằng, nhà làm phim nữ của điện ảnh Việt Nam năng động, có tiếng nói riêng, ngoại ngữ tốt. Trong Dự án phim ngắn CJ 3 mùa vừa qua, năm 2021 đã có 3 nhà làm phim nữ trong số 5 dự án được lựa chọn với các dự án phim chất lượng. Không chỉ thành công trong nước, họ còn tự tin ra với thế giới. 3 năm vừa qua, tại Liên hoan phim quốc tế Locarno (Thụy Sĩ), những nhà làm phim nữ Việt Nam đã xuất hiện và giành giải thưởng đáng khích lệ, từ hoạt động gây quỹ, giới thiệu dự án, chiếu phim, tranh giải...

Từng là trợ lý đạo diễn của NSND Bạch Diệp, làm việc với các nhà làm phim nữ, NSND, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nhận xét: Điểm khác biệt của các đạo diễn nữ là có sự quyết đoán, nhưng không phải sự ồn ào, mà dịu dàng, nhẫn nại thuyết phục đồng nghiệp để thực hiện công việc.

Các ý kiến tại hội thảo cũng khẳng định có những rào cản liên quan tới đặc thù nghề nghiệp, nhưng trong đoàn làm phim, không phải tiếng nói của giới tính nào cao hơn, mà cần tập trung vào tiếng nói cần được lắng nghe trên phim trường. Bên cạnh đó, trong môi trường có nhiều nhà làm phim nam, nữ giới cần có nhiều động lực hơn để góp tiếng nói của một nửa thế giới. Đặc biệt với sự phát triển của công nghệ, phái nữ không chỉ đợi cơ hội đến, mà có thể bắt đầu bằng tài năng, câu chuyện của mình để đóng góp cho thế giới có thêm sự thấu cảm và tiếng nói đa dạng hơn.

Thảo Nguyên