Tiếp cận các nguồn vốn hợp pháp

- Thứ Hai, 19/10/2020, 08:39 - Chia sẻ
Thoảng hoặc báo chí đưa tin ở địa phương A, địa phương B có anh X, chị Y phải bỏ xứ ra đi, thậm chí phải quyên sinh vì áp lực vay - nợ tín dụng đen. Hay cách đây vài tháng, hầu hết mọi người làm cùng cơ quan với một cậu em đều nhận được tin nhắn, đại ý: Yêu cầu ông... có mặt tại... vào lúc... ngày... tháng... năm gặp ký vào biên bản về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Hỏi cậu, cậu bảo chẳng nợ nần gì ai. Em đã báo công an...

Chuyện nữa, trời vừa chập choạng, cả ngõ rủ nhau mang vòi nước ra tẩy uế mùi mắm tôm, dầu luyn, ruột cá thối - "quà" ai đó "tặng" một nhà cùng ngõ. Lý do là nợ. Mà nhà chị này không nợ. Chồng của chị này (đã ly hôn từ lâu) nợ. May là đến nay mới chỉ có một lần.

Thực tế, cùng đường lắm mới phải đi vay nợ, mà là tín dụng đen thì lại càng bĩ cực, thậm chí khốc liệt hơn bởi mức lãi suất trên trời. Và cũng đường cùng, người ta mới phải đi thuê đòi nợ. Bởi vậy nên mới có chuyện nhiều nhà, nhiều người chẳng dính dáng gì đến chuyện vay - nợ cũng bị lôi vào cuộc; hoạt động tín dụng đen vẫn còn đất sống.

Điều này một lần nữa được khẳng định tại Hội nghị Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen và trao tặng an sinh xã hội mới đây. Đó là dù các ngân hàng đã tích cực đưa ra nhiều dịch vụ nhưng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen vẫn xảy ra tại nhiều địa phương với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự - đại diện một số ngân hàng cho biết.

Còn đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an thì lý giải, nguyên nhân là do các đối tượng sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi đánh trúng tâm lý của đa số người tìm đến tín dụng đen thường đang trong cảnh túng quẫn nên không suy nghĩ thấu đáo, thấy thủ tục vay rất đơn giản nên bị sa bẫy. Nhiều trường hợp do cần vốn gấp nên sẵn sàng ký vào các hợp đồng núp bóng nhận tài sản, nhận tiền xin việc… Thậm chí, các đối tượng dùng các ứng dụng công nghệ trên điện thoại để lừa đảo người vay với lãi suất lên tới vài trăm %/năm.

Điều đáng lo ngại hơn là hoạt động thu hồi nợ gắn với "tín dụng đen" thường gắn với các hành vi phạm pháp như bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, gọi điện, nhắn tin đe dọa, khủng bố tinh thần, chửi bới, đổ chất bẩn, làm nhục, gây mất uy tín người vay, nhưng tìm cách lách luật để không bị xử lý hình sự mà chỉ bị xử lý hành chính ở mức không đủ răn đe.

Về lý thuyết, để ngăn chặn tín dụng đen, trước tiên phải nâng cao nhận thức cho người dân. Đặc biệt, cần mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân, nhất là người thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội... Điều quan trọng nữa là cần điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân cho vay, cho vay qua mạng... Vậy nhưng, cái chính ở đây vẫn là nhận thức của người dân và việc tiếp cận các nguồn vốn hợp pháp như thế nào.

Linh Trang