Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Tiếp nối hành trình thắp sáng niềm tin

- Thứ Hai, 03/01/2022, 06:40 - Chia sẻ
67 năm qua là chặng đường đầy gian nan, nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng rất tự hào của ngành điện lực Việt Nam. Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, mặc dù phải đối mặt với muôn vàn thử thách do nhu cầu sử dụng điện không ngừng tăng; thời tiết bất lợi, khô hạn kéo dài; thiên tai, dịch bệnh bất thường… song, tập thể cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn không ngừng nỗ lực, đoàn kết, trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn, vươn đến những đỉnh cao mới.
EVN ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong giám sát và điều khiển hệ thống nguồn và lưới điện
EVN ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong giám sát và điều khiển hệ thống nguồn và lưới điện
Nguồn: EVN

Bảo đảm "Điện đi trước một bước"

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành chia sẻ, cách đây 67 năm, ngày 21.12.1954, mặc dù bộn bề công việc sau hơn 2 tháng tiếp quản Thủ đô nhưng Bác Hồ vẫn về thăm nhà máy đèn Bờ Hồ và nhà máy điện Yên Phụ. Sự kiện này đã trở thành một mốc son lịch sử và ngày 12.10.2009, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1594/QĐ-TTg lấy ngày 21.12 hàng năm là Ngày Truyền thống Ngành Điện lực Việt Nam.

Trong 67 năm qua, ngành điện đã phát triển vượt bậc, từ chỗ điện chỉ cung cấp cho các trung tâm thành phố và khu công nghiệp ở một khu vực hạn hẹp, đến nay, hệ thống điện Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, tới mọi miền Tổ quốc và bảo đảm cấp điện đến 100% xã, phường thị trấn; hầu hết các hộ dân trên cả nước đã được sử dụng điện. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 23 thế giới. Cơ cấu nguồn điện gồm đủ các loại hình thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, nhiệt điện dầu và các nguồn điện năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, sinh khối). 

Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống 11 tháng năm 2021 đạt 233,67 tỷ kWh, tăng 3,6% so với cùng kỳ; trong đó điện sản xuất của EVN và các Tổng công ty phát điện đạt 113,48 tỷ kWh, chiếm 48,56% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống. Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN luỹ kế 11 tháng năm 2021 đạt 206,59 tỷ kWh, tăng 3,92% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng điện truyền tải đạt 184,01 tỷ kWh, giảm 1,7% so cùng kỳ năm trước.

Những bước tiến thần kỳ của ngành điện lực còn được thể hiện qua việc xây dựng và đưa vào vận hành nhiều công trình điện trọng điểm mang tầm quốc tế và khu vực như đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500kV Bắc - Nam từ mạch 1, nay đã được bổ sung thêm mạch 2, mạch 3. Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy Thủy điện Sơn La - công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á - điểm sáng về sự đoàn kết, phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và hợp lý hóa sản xuất, huy động và phát huy tối đa nguồn nội lực, làm chủ khoa học công nghệ của đội ngũ cán bộ, kỹ sư Việt Nam. Các dịch vụ về điện đã được cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; chỉ số tiếp cận điện năng của nước ta đang xếp thứ 4 Đông Nam Á; trình độ quản lý cũng dần tiệm cận trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới..

Chuyển đổi số vì khách hàng

Với nỗ lực không ngừng, EVN đã bảo đảm cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống sinh hoạt của Nhân dân, góp phần duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta ở mức cao nhiều năm liên tục. Không những thế, thực hiện chủ đề “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam", năm 2021, EVN và các đơn vị đã triển khai thực hiện đồng bộ với các nhiệm vụ của từng lĩnh vực như chuyển đổi nhận thức và truyền thông, quản trị nội bộ, sản xuất, đầu tư xây dựng, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin. 

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, EVN hiện có 29,5 triệu hợp đồng mua bán điện tử với 19 triệu công tơ điện, trong đó, có trên 50% có thể theo dõi từ xa - tỷ lệ cao trong khu vực ASEAN. Từ năm 2012, EVN đã sử dụng hóa đơn điện tử và hiện nay, mỗi năm Tập đoàn đã phát hành gần 400 triệu hóa đơn điện tử. Bên cạnh đó, EVN đã cung cấp dịch vụ điện tương đương với dịch vụ công cấp độ 4. Đặc biệt, năm 2019, khi Cổng dịch vụ Công quốc gia đi vào hoạt động, EVN cũng đã cung cấp 12 dịch vụ điện trên cổng. Tính đến cuối tháng 11.2021, 55% giao dịch của người dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia là các dịch vụ của ngành điện. 

Để tạo thuận lợi cho khách hàng, EVN đã kết nối với 14 ngân hàng và hơn 40 tổ chức trung gian, giúp khách hàng trên mọi miền đất nước, từ Cà Mau đến Hà Giang thanh toán tiền điện mọi lúc, mọi nơi. EVN đã ứng dụng công nghệ AI trong công tác chăm sóc khách hàng - Chatbot. Dự kiến, từ ngày 1.1.2022, EVN sẽ kết nối các dịch vụ điện với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thực hiện kết nối hóa đơn điện tử với Tổng cục Thuế.

Đến nay, 100% văn bản đi/đến trong EVN đã được quản lý trên hệ thống Digital Office và đã kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia; xây dựng app di động trên nền tảng polycom (hội nghị truyền hình trực tuyến) bảo đảm cung cấp các chức năng phục vụ các cuộc họp từ xa, tích hợp với các phòng họp hội nghị truyền hình tại EVN và các đơn vị; xây dựng và đưa vào vận hành cổng thông tin EVNPortal phục vụ việc quản lý các báo cáo số liệu, trao đổi thông tin.

Song song với kinh doanh và dịch vụ khách hàng, EVN cũng đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để giám sát và điều khiển hệ thống nguồn và lưới điện có nguy mô hàng đầu ASEAN. Đến nay, tổng số nhà máy điện và trạm biến áp có tín hiệu SCADA/EMS đạt 95,27%. Trong đó 478/515 nhà máy điện kết nối tự động với các trung tâm điều độ; 94,3% trạm biến áp 110kV và 75% trạm biến áp 220kV đã được điều khiển xa, không người trực.

Trong đầu tư xây dựng, EVN đã ứng dụng nhật ký công trình điện tử và áp dụng chữ ký số trong công tác quản lý dự án; áp dụng công nghệ AI trong phân tích hình ảnh để nhận diện hình ảnh trong các bước thi công; số hóa công tác quản lý mua sắm thiết bị cho dự án; triển khai hệ thống giám sát bằng camera đối với nhân lực trên công trường và trang thiết bị của nhà thầu ra, vào tại công trường… EVN cũng là đơn vị đi đầu cả nước trong công tác đấu thầu qua mạng.

Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả

Theo lãnh đạo EVN, bước sang năm 2022, với tinh thần chủ đề là “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả” cùng quyết tâm trở thành một tập đoàn kinh tế lớn mạnh, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội; chuyên nghiệp và thân thiện với khách hàng; EVN phấn đấu, nỗ lực tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có tâm huyết, có năng lực, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đầy khó khăn nhưng hết sức tự hào, bảo đảm nguồn điện cho phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng cho đất nước. 

Đặc biệt, để bảo đảm điện cho tăng trưởng phụ tải được dự báo, EVN đã xây dựng giải pháp tích nước các hồ thủy điện lên mực nước cao nhất vào cuối năm, nhất là các hồ khu vực miền Bắc, điều tiết giữ ở mực nước cao đến cuối mùa khô năm 2022 để nâng công suất khả dụng cho các nhà máy thủy điện... Bởi theo tính toán của EVN, năm 2022, hệ thống điện quốc gia cơ bản có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện. Song, cục bộ tại miền Bắc có thể tiềm ẩn rủi ro thiếu hụt công suất trong các ngày nắng nóng cực đoan, với nền nhiệt độ trên 36 độ C kéo dài ở các tháng 5, 6, 7. Cụ thể, công suất đỉnh phụ tải tại miền Bắc trong năm 2022 có thể đạt 23.927 - 24.791MW, tăng 2.076 - 2.870MW so với năm 2020. Như vậy, khu vực miền Bắc sẽ thiếu khoảng 1.500 - 2.400MW trong một số giờ cao điểm, thời tiết cực đoan.

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm nhận định, mối lo miền Bắc thiếu điện trong mùa khô năm 2022 hiện hữu khi thủy điện cung ứng trên 45% điện cho khu vực này. Trong khi đó, các nhà máy thủy điện đang gặp thách thức khi mực nước về các hồ thủy điện thiếu hụt so với các năm. Vì thế, EVN sẽ phối hợp với các nhà máy thủy điện nhỏ để điều chỉnh khung giờ phù hợp với nhu cầu phụ tải, giảm thiếu điện trong các giờ cao điểm ở miền Bắc. Ngoài ra, bố trí lịch sửa chữa các tổ máy hợp lý, không thực hiện sửa chữa các nhà máy điện phía Bắc trong các tháng 5, 6, 7 năm 2022 để tăng cường thêm công suất khả dụng nguồn điện khu vực miền Bắc.

Một số giải pháp bổ sung nguồn cung ứng cũng đang được EVN triển khai trong trường hợp cần thiết như tăng cường nhập khẩu điện; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đường dây truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc để tăng cường năng lực truyền tải của hệ thống. Tăng tốc, hoàn thành và đấu nối trước mùa lũ năm 2022 các nhà máy thủy điện nhỏ miền Bắc và các nguồn năng lượng tái tạo khu vực miền Trung, Tây Nguyên…

Minh Nhật