Thành phố Hồ Chí Minh

Tiếp sức tuyến đầu chống dịch

- Thứ Bảy, 07/08/2021, 06:06 - Chia sẻ
Tại buổi họp báo về tình hình phòng chống Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh chiều 5.8, trong bối cảnh thành phố đã trải qua 67 ngày giãn cách và ghi nhận hơn 108.300 ca nhiễm, Phó bí thư Thành ủy Phan Văn Mãi nhận định, tầng 3 và 4, trong 5 tầng điều trị Covid-19 đang chịu rất nhiều áp lực, gần như đã hoạt động hết công suất. Việc tăng cường thêm đội ngũ y, bác sĩ dày dạn kinh nghiệm vào thành phố đang mang lại cho bệnh nhân rất nhiều cơ hội. Việc chung tay, để các bệnh viện nhanh chóng đi vào hoạt động, phát huy tối đa hiệu quả điều trị rất cấp thiết.

Rất khó khăn về nhân lực, vật lực

Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hưng, đến ngày 5.8, thành phố có 20 bệnh viện thuộc tầng 3, đang điều trị 4.385 F0; 15 bệnh viện thuộc tầng 4 điều trị 4.238 F0 và 4 bệnh viện tầng 5 điều trị 1.450 người. Ngoài ra, thành phố đang có 193 cơ sở cách ly F0 tại thành phố Thủ Đức và các quận huyện thuộc tầng một với 53.617 giường; 16 bệnh viện dã chiến thu dung thuộc tầng 2, đang tiếp nhận 23.305 người bệnh.

Số lượng bệnh nhân mắc bệnh tăng dẫn tới việc các ca chuyển nặng cũng tăng nên áp lực với ngành y tế rất lớn. Với tinh thần 5 tại chỗ, lãnh đạo thành phố yêu cầu các bệnh viện tập trung, nâng cao công tác tiếp nhận, điều trị trong thời gian tới, đồng thời đánh giá cao, ghi nhận sự chung tay cung cấp nhân lực, vật lực của toàn xã hội để hoàn thiện thêm các bệnh viện điều trị cho bệnh nhân nặng.

Theo Phó bí thư Phan Văn Mãi, thành phố đang tập trung tổ chức lại và xem xét rút ngắn quy trình, nhằm có thêm không gian tiếp nhận điều trị bệnh nhân, nhất là sơ cứu và cấp cứu. Ngành y tế sẽ liên thông các tầng, nếu F0 ở tầng 3 chuyển nặng thì đưa lên tầng 4, 5; còn khi F0 ở tầng 5 đã được điều trị nhẹ hơn thì chuyển xuống tầng dưới. Hiện, nhiều bệnh viện chưa từng điều trị bệnh nhân Covid-19, nên khi mở rộng không gian điều trị phải tính toán đầu tư trang thiết bị để những nơi này có thể tiếp nhận F0.

Thời gian qua, các bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 được nâng công suất, sắp xếp lại để tăng số giường. Thành phố cũng đang chuyển thêm 3 bệnh viện dã chiến sang tầng chuyên điều trị. Dự kiến cuối tháng này, sẽ có thêm 1.000 giường. Đối với 4 bệnh viện hồi sức Covid-19 ở tầng 5, thành phố đã tập trung mọi nguồn lực để mở rộng, nhất là ở Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 để đạt 1.000 giường theo kế hoạch. Đặc biệt, các bác sĩ bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Trung ương... của Bộ Y tế đã vào thành phố để cùng chung sức thiết lập nên hệ thống điều trị, đặc biệt là hệ thống hồi sức tích cực cho bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, thành phố nhìn nhận, thực sự khó khăn, trong vấn đề bảo đảm nhân lực, trang thiết bị chuyên sâu và rất nhiều vật tư khác cho tầng điều trị này.

Phó Bí thư Thành ủy Phan Văn Mãi cho rằng, toàn thành phố vẫn áp dụng các biện pháp giãn cách triệt để hơn nhằm ngăn chặn nguồn lây nhưng sẽ quan tâm nhiều hơn đến số ca điều trị, chuyển nặng, tử vong. Ngành y tế đang mong mỏi sự chung tay để tập trung nguồn lực, giải pháp điều trị, cứu người vì đây là nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này.

Y bác sĩ Bạch Mai chi viện cho thành phố Hồ Chí Minh

Lan tỏa tinh thần “chia lửa

Chung tay và hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh và Bộ Y tế, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, rất nhiều tổ chức, cá nhân đã cùng nối vòng tay lớn để san sẻ khó khăn cho người dân thành phố nói chung, bệnh nhân nghèo nói riêng và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Điển hình là chương trình thiện nguyện "Sài Gòn thương nhau" được khởi xướng bởi Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP. Hồ Chí Minh, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) và nhóm các chuyên gia kinh tế, chuyên gia y tế, các doanh nghiệp, cá nhân... Chương trình nhằm hỗ trợ và giúp sức hai đối tượng mục tiêu: cơ sở vật chất cho lực lượng y tế tuyến đầu và suất ăn khẩn cấp cho những người dân nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tính đến nay, chương trình với sự xung phong đóng góp của các thành viên, đạt tương đương hơn 10 tỷ đồng, bao gồm: xe cứu thương, máy móc thiết bị y tế, đồ bảo hộ, khẩu trang và hàng chục ngàn suất ăn, gạo, nhu yếu phẩm… “Tình thương yêu đồng bào thật tuyệt vời! Nhưng để chống dịch thành công sẽ không chỉ bằng trái tim mà cần đến trí tuệ, sự thông minh, lòng dũng cảm và đoàn kết của mọi người” doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai, người khởi xướng chương trình thiện nguyện giàu ý nghĩa nhân văn “Sài Gòn thương nhau” chia sẻ.

Mới đây, Bệnh viện Quốc tế City (CIH) tại quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh thuộc Tập đoàn Hoa Lâm đã phối hợp với Bệnh viện Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh thành lập Trung tâm hồi sức quy mô 250 giường chuyên điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng. Theo đó, tận dụng tầng 5 của Bệnh viện thành khu riêng điều trị Covid-19 với công suất 50 giường. Đội phản ứng nhanh - Cấp cứu 0 đồng miễn phí đã được nhóm thiện nguyện Hoa Lâm - Vietbank thành lập ngày 5.8. Đội phản ứng nhanh được trang bị 10 xe cứu thương, 100 máy tạo oxy và nhiều trang thiết bị khác với mục tiêu ứng cứu cho các ca bệnh nặng chưa kịp nhập viện.

Góp sức thêm với các tập đoàn lớn là các đội thiện nguyện nhỏ nhưng đã làm nhiều việc giàu ý nghĩa, như nhóm Điều phối oxy do doanh nhân Nguyễn Tuấn Anh sáng lập là một ví dụ. Thành viên trong nhóm tập hợp đủ các thành phần, ngành nghề từ doanh nhân, đến nhà báo, cán bộ nghiên cứu, nhân viên các cơ quan... Mỗi ngày các xe bán tải của đội phản ứng nhanh sẽ đi nạp khí oxy tại các trạm sang chiết ở ngoại thành và tỉnh lân cận sau đó hỗ trợ nhanh chóng cho tất cả cả bệnh viện có nhu cầu đặc biệt là bệnh viện có bệnh nhân nặng. Nói về nhiệm vụ vận chuyển bình oxy này, anh Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: “Bản thân mỗi người ai cũng có những nỗi lo lắng với dịch bệnh nhưng với trách nhiệm và nhiệt huyết của tuổi trẻ, chúng tôi luôn sẵn sàng lên đường hỗ trợ các bệnh viện và bệnh nhân nghèo”.

Cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 trước mắt còn một quãng đường dài. Hành động theo tiếng gọi của trái tim, các nhóm thiện nguyện đã tiếp sức, "chia lửa" với lực lượng chống dịch tuyến đầu của thành phố, những người dân gặp khó khăn trong vùng dịch. Mong rằng ngày càng có thêm sự chung tay góp sức của hàng triệu người dân, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế để tạo sức mạnh cho toàn xã hội, đoàn kết, tương thân, tương ái, sớm đẩy lùi dịch bệnh, mang cuộc sống bình yên trở lại với TP. Hồ Chí Minh và cả nước.

Hoàng Anh