Tiếp tục cải cách chính sách bảo hiểm xã hội

- Chủ Nhật, 04/07/2021, 05:51 - Chia sẻ
Năm 2020, mặc dù Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) có tăng về quy mô và số người tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện, song hệ thống BHXH vẫn chưa thực sự hấp dẫn, thu hút sự tham gia của người lao động. Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban về các vấn đề Xã hội mới đây, các đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về mở rộng đối tượng tham gia, tiến tới thực hiện BHXH cho toàn dân; hoàn thiện các quy định về đóng - hưởng BHXH.

Bảo toàn, phát triển Quỹ

Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020 cho biết, đây là năm đầu tiên số người tham gia BHXH bắt buộc giảm so với năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bị mất việc làm không còn thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục giữ được đà tăng. Đặc biệt, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đạt trên 1 triệu người, tăng 102,1% so với năm 2019. Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện so với lực lượng lao động trong độ tuổi năm 2020 là 2,31% lực lượng lao động trong độ tuổi - vượt chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Bên cạnh đó, mặc dù trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh, song kết quả thu BHXH đều đạt và vượt dự toán được giao, đặc biệt, vượt so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, số tiền thu BHXH bắt buộc ước gần 260 nghìn tỷ đồng, đạt 100,93% dự toán được giao, tăng 5,54% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số tiền thu BHXH tự nguyện năm 2020 là 4.062 tỷ đồng. Mặt khác, cơ quan BHXH tiếp tục hoạt động đầu tư các quỹ theo các hình thức đầu tư an toàn và có hiệu quả như: Mua trái phiếu Chính phủ, gửi tiền, mua trái phiếu của các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động lành mạnh theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước. Kết quả là, ước tổng số kết dư đầu tư quỹ đến ngày 31.12.2020 đạt 898.000 tỷ đồng, tăng 10,37% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này góp phần bảo đảm được an toàn tuyệt đối và phát triển Quỹ BHXH.

Theo Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, đến năm 2021 có 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH nên để phấn đấu đạt mục tiêu này, ngay từ đầu năm 2020 tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1.1.2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 đã đặt ra chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH là tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 33,5%. Tính đến hết ngày 31.12.2020, tổng số người tham gia BHXH là 16.161.789 người, đạt chỉ tiêu đặt ra của năm 2020, bằng 95,71% so với chỉ tiêu của năm 2021.

Cần giải pháp đồng bộ, quyết liệt phát triển đối tượng tham gia BHXH

Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, mặc dù trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh nhưng số thu BHXH tăng là do cơ quan BHXH đã quyết liệt trong công tác thu hồi nợ BHXH; tăng cường thanh kiểm tra, giám sát ngay từ khi chưa phát sinh số nợ; cán bộ BHXH các cấp đã chủ động đôn đốc thu hồi nợ tại các đơn vị phát sinh. Đặc biệt, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là từ khi triển khai BHXH số VSSID, người lao động tự giám sát quá trình đóng của chủ sử dụng lao động nên đã phát hiện đơn vị nợ BHXH và đã thu hồi được hàng tỷ đồng do người lao động giám sát, cùng cơ quan BHXH đòi nợ BHXH (mỗi đơn vị vài tỷ đồng). Mặt khác, số nợ năm 2020 hơn 11.000 tỷ đồng, dù tăng nhẹ số tuyệt đối so với năm 2019, nhưng số tương đối lại giảm. Trong điều kiện như vậy, BHXH Việt Nam đã phân loại "tuổi nợ" thành: từ dưới 1 tháng; từ 1 tháng đến 5 năm và trên 5 năm, từ đó có phương án đòi nợ hiệu quả. Đây là điểm sáng trong thu hồi nợ BHXH. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, năm 2020, mặc dù đối tượng tham gia BHXH tự nguyện năm 2020 đã phát triển tốt nhưng để thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH vẫn còn rất khó khăn. Nghị quyết đặt ra mục tiêu thực hiện BHXH cho toàn dân; phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng: trợ cấp hưu trí xã hội; BHXH cơ bản (bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện) và BHXH hưu trí bổ sung. Báo cáo của Chính phủ cũng nhận định, mặc dù số người tham gia BHXH có tăng nhưng số người tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp giảm; số tiền chậm đóng BHXH tiếp tục tăng so với năm 2019. Nguyên nhân là do số người hưởng BHXH một lần tiếp tục tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc năm 2020.

Ông Bùi Sỹ Lợi cũng nêu vấn đề, mức hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện có đáp ứng được yêu cầu đẩy nhanh thực hiện mục tiêu BHXH toàn dân hay không? Bên cạnh việc Nhà nước hỗ trợ để phát triển đối tượng, quan trọng hơn là chính sách được hưởng của đối tượng này. BHXH tự nguyện được hưởng 2 triệu đồng, trong khi BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí - tử tuất). Mặc dù quỹ BHXH tăng quy mô, tăng số người tham gia nhưng mức lương bình quân của người lao động được lấy làm căn cứ để đóng BHXH (bắt buộc và tự nguyện) tăng không đáng kể. Tiền lương bình quân được lấy làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện có xu hướng giảm đi. Việc số lượng đối tượng tham gia tăng lên và mức đóng giảm xuống dẫn đến hệ lụy tổng Quỹ BHXH để chi trả sau này có nguy cơ mất cân đối.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, dư luận xã hội cũng quan tâm nhiều đến chuyện Quỹ BHXH kết dư rất cao. Trừ quỹ hưu trí, tử tuất còn các quỹ khác đều kết dư cao. Việc các quỹ này kết dư cao chứng tỏ quyền lợi của người lao động chưa được bảo đảm. Ông Bùi Sỹ Lợi lưu ý, quỹ ngắn hạn phải sử dụng ngay trong 5 năm. Chỉ một phần của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là quỹ dài hạn, còn lại là ngắn hạn. Năm nào thu thì phải chi năm đó. Việc quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư gần 89.000 tỷ đồng có nghĩa chúng ta chưa làm tốt chính sách cho người lao động. Chính vì lẽ đó, hệ thống BHXH chưa đủ hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) cho biết, qua 5 năm triển khai, đến nay, chính sách khuyến khích người lao động tham gia BHXH hưu trí bổ sung chưa đi vào cuộc sống. Thực tiễn cho thấy, chưa có doanh nghiệp nào thực hiện. Trong khi đó, qua theo dõi trên các phương tiện truyền thông và qua làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, đại biểu nhận thấy, phần lớn các doanh nghiệp thực hiện tốt chế độ phúc lợi cho người lao động có xu hướng tham gia bảo hiểm thương mại, tư nhân.

Nêu lên những vấn đề này, các thành viên Ủy ban về các vấn đề Xã hội đề nghị, Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về mở rộng đối tượng tham gia, tiến tới thực hiện BHXH cho toàn dân; hoàn thiện các quy định về đóng - hưởng BHXH; nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ; chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH.

Đánh giá, xác định số lao động, doanh nghiệp thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia, Báo cáo của Chính phủ cho biết, có khoảng 163.000 đơn vị, doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, BHYT; 241.000 đơn vị, doanh nghiệp chưa tham gia đầy đủ BHXH, BHYT cho người lao động, tập trung chủ yếu ở khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, với số lao động, cá nhân có thu nhập cần phải rà soát khoảng trên 3 triệu người (số liệu cơ quan Thuế cung cấp khoảng 18 triệu lao động và cá nhân có thu nhập chịu thuế nhưng cơ quan BHXH đang quản lý thu BHXH, BHYT bắt buộc trên 15 triệu người). Cơ quan BHXH đang tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan điều tra, rà soát để xác định số doanh nghiệp, số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc trong số 163.000 đơn vị, doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, BHYT và 3 triệu cá nhân có thu nhập nêu trên. Ước có khoảng từ 500.000 - 800.000 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia BHXH bắt buộc. Nguyên nhân của tình trạng này là do đa phần các doanh nghiệp chưa tham gia hoặc chưa tham gia đầy đủ BHXH cho người lao động là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH không cao. Người lao động chưa hiểu đầy đủ quyền, trách nhiệm của mình trong việc tham gia, đóng BHXH.

Bà Nguyễn Thị Như Ý cho rằng, ngoài các nguyên nhân được nêu trong Báo cáo của Chính phủ thì việc không chấp hành pháp luật BHXH tại một số đơn vị còn do sự phối hợp giữa cơ quan thực thi nhiệm vụ chưa rõ nét. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt vi phạm hành chính thiếu tính răn đe. Mức xử phạt tối đa đối với hành vi vi phạm về đóng nộp BHXH là 75 triệu đồng, nên nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận phạt để chiếm dụng. Chế tài quy định về tội phạm trong lĩnh vực BHXH còn định tính dẫn đến cách hiểu khác nhau. Trên thực tế, cơ quan BHXH và công đoàn chuyển nhiều hồ sơ sang cơ quan điều tra nhưng cơ quan điều tra chưa khởi tố được vụ nào theo Điều 216 Bộ luật Hình sự. Do đó, cần sớm sửa đổi, bổ sung quy định về đại diện trong tố tụng, tạo cơ sở để công đoàn cấp trên đại diện người lao động khởi kiện được đơn vị nợ đọng BHXH.

Tiếp thu các kiến nghị về sửa đổi quy định liên quan đến BHXH, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, hiện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để hoàn thiện Hồ sơ dự án đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi), dự kiến trình Chính phủ vào quý IV năm nay để trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Nhật An