Thủ tục hành chính cấp phép xây dựng

Tiếp tục cải cách, giảm chi phí thời gian

- Thứ Sáu, 27/11/2020, 08:20 - Chia sẻ
Báo cáo thủ tục hành chính liên ngành về cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan dưới góc nhìn của doanh nghiệp, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Bộ Xây dựng công bố cho thấy mức độ phức tạp của các thủ tục hành chính, cũng như gánh nặng mà doanh nghiệp phải chịu trong quá trình tuân thủ pháp luật. Đây sẽ là kênh tham chiếu cho các bộ, ngành, địa phương trong việc đưa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 vào cuộc sống.

Chỉ 2 trong 13 thủ tục… dễ thực hiện

10.000 doanh nghiệp, trong đó xấp xỉ 2.100 doanh nghiệp (gồm 82% là doanh nghiệp dân doanh trong nước và 18% là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) có hoạt động xây dựng mới hoặc cải tạo công trình, nhà xưởng trong vòng 2 năm gần nhất đã tham gia khảo sát. Báo cáo đã lựa chọn 13 thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực cấp phép xây dựng để đánh giá như: Quyết định chủ trương đầu tư; các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy; thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường…

Hai thủ tục doanh nghiệp cảm thấy dễ dàng thực hiện hơn cả là thủ tục cấp thoát nước và kết nối, cấp điện. Trong khi đó, với các thủ tục hành chính còn lại, một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp (dao động từ 32,5% - 58,4%) còn gặp khó khăn. Các thủ tục liên quan đến phòng cháy, chữa cháy được doanh nghiệp thường xuyên thực hiện nhất, nhưng việc thực hiện hai thủ tục này của doanh nghiệp còn gặp khá nhiều khó khăn. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp trở ngại với hai thủ tục này khá cao, lần lượt là 38,3% và 34%. Xếp cao nhất về tỷ lệ doanh nghiệp từng gặp khó là các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và thủ tục về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Lần lượt 58,4% và 52,2% doanh nghiệp gặp khó khi thực hiện hai nhóm thủ tục này.

Đáng lưu ý, doanh nghiệp còn mất nhiều thời gian để tìm hiểu quy định và chuẩn bị hồ sơ. Do đó, việc đơn giản hóa các loại giấy tờ, mẫu biểu và thực hiện liên thông hoặc tích hợp các thủ tục liên ngành sẽ giảm đáng kể chi phí thời gian tuân thủ của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp điển hình cần khoảng 3 lượt đến cơ quan nhà nước để hoàn tất xin cấp phép xây dựng. Khoảng 9% doanh nghiệp chỉ cần đi lại 1 lần đến cơ quan giải quyết thủ tục nhưng cũng có một số ít doanh nghiệp mất đến 10 lần qua lại cơ quan cấp giấy phép. Số lần trung bình đến cơ quan giải quyết cấp phép xây dựng của doanh nghiệp FDI nhỉnh hơn so với doanh nghiệp dân doanh trong nước. Một vài doanh nghiệp thậm chí cho biết phải đợi nhiều hơn 2 năm mới nhận được giấy phép cho công trình xây dựng.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra là gánh nặng của doanh nghiệp

Gánh nặng thanh tra, kiểm tra

Thái độ của cán bộ giải quyết hồ sơ và tính phức tạp của quy định pháp luật trong lĩnh vực xây dựng là nguyên nhân chính gây ra trở ngại. Khoảng 52,8% doanh nghiệp cho biết cán bộ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính liên ngành gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó 52,1% doanh nghiệp cho rằng sự phức tạp của quy định pháp luật cũng là nguyên nhân gây phiền hà; một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp (28,3%) cho rằng cán bộ tiếp nhận hồ sơ cũng góp phần gây ra những khó khăn.

Thanh tra, kiểm tra về xây dựng là một hoạt động phổ biến mà các doanh nghiệp cũng thường gặp phải trong quá trình xây dựng. Kết quả khảo sát cho thấy 38,2% doanh nghiệp chưa hài lòng với hoạt động này của các cơ quan nhà nước. Hoạt động thanh tra, kiểm tra về xây dựng còn tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Điều này có thể do việc thanh tra chồng chéo, trùng lặp về nội dung và đối tượng hoặc thậm chí là cán bộ thanh tra “gây khó khăn” từ góc độ phản ánh của doanh nghiệp. Do đó, việc phối hợp hoạt động của các cơ quan thanh tra ở các cấp, đồng thời với việc công khai, minh bạch trong hoạt động thanh, kiểm tra xây dựng là rất cần thiết. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý hoạt động thanh tra xây dựng có thể nghiên cứu hình thức thanh tra trên cơ sở rủi ro.

Trong khi đó, chi phí không chính thức là vấn đề gây phiền hà hàng đầu cho doanh nghiệp. Chỉ khoảng 69% doanh nghiệp cho rằng họ không phải trả chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng. Nói cách khác, điều này cho thấy xấp xỉ 30% doanh nghiệp thừa nhận đã trả loại chi phí này ở một hoặc một số thủ tục hành chính nào đó trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng.

Thực tế, xây dựng là lĩnh vực được đánh giá cải cách tốt nhất ở Việt Nam theo xếp hạng gần nhất của Ngân hàng Thế giới trong Báo cáo Doing Business 2020. Dù vậy, đánh giá của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra tổng thời gian thực tế doanh nghiệp bỏ ra khi thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng thường lớn hơn nhiều so với quy định; phần nhiều trong đó đến từ thời gian tìm hiểu quy định và chuẩn bị hồ sơ. Do đó, việc đơn giản hóa các loại giấy tờ, mẫu biểu và thực hiện liên thông hoặc tích hợp các thủ tục liên ngành sẽ giảm đáng kể gáng nặng tuân thủ của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 với nhiều quy định được kỳ vọng là sẽ tháo gỡ được vướng mắc cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng như: Tích hợp thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng; giảm đối tượng phải thẩm định thiết kế xây dựng... Báo cáo khảo sát sẽ là gợi ý cho các bộ, ngành liên quan trong việc tổ chức thi hành luật này; đồng thời cũng là dịp để doanh nghiệp đánh giá lại năng lực quản trị. Bởi, thực tế cho thấy, những dự án có tổng chi phí lớn nhất lại không phải là dự án mất nhiều thời gian nhất để xin cấp phép xây dựng nhất và ngược lại có những dự án với tổng chi phí nhỏ nhưng doanh nghiệp vẫn phải chờ đợi nhiều hơn 2 tháng để được cấp phép. Điều này cho thấy yếu tố chính ảnh hưởng đến thời gian chờ đợi cấp phép không phải là quy mô công trình hay quy mô doanh nghiệp mà có thể nằm ở năng lực tuân thủ quy định về xin cấp phép xây dựng của doanh nghiệp (chuẩn bị hồ sơ) và việc giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước (tiếp nhận và giải quyết hồ sơ).

Bài và ảnh: Đình Khoa