Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, phòng chống dịch Covid - 19:

Tiếp tục có chính sách đặc biệt, đặc thù chống dịch và phục hồi kinh tế

- Thứ Hai, 08/11/2021, 12:28 - Chia sẻ
Nêu quan điểm tại phiên thảo luận sáng nay của Quốc hội, các đại biểu kiến nghị Quốc hội và Chính phủ tiếp tục có những giải pháp chính sách đặc biệt, đặc thù để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, đây cũng là dịp phải nhìn nhận lại các vấn đề về: năng lực điều trị của hệ thống y tế hiện nay; cơ chế tài chính cho các cơ sở y tế, đơn vị sự nghiệp trong việc chi trả cho điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19; việc huy động lực lượng y tế tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch kịp thời...

Tạo mọi điều kiện cho Chính phủ vững tâm chống dịch

Nhìn lại chặng đường phòng, chống dịch gần 2 năm qua với biết bao khó khăn chồng chất, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) ghi nhận những kết quả đáng kể. Đặc biệt, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều quyết sách quan trọng, kịp thời nhằm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Đơn cử, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15. Trong gần hai tháng sau đó, Chủ tịch Quốc hội đã triệu tập nhiều phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét các đề xuất của Chính phủ; đã ban hành 6 Nghị quyết cùng hàng loạt quyết sách đặc biệt, chưa từng có tiền lệ, với số tiền lên đến gần 100 nghìn tỷ đồng. Nhiều nghị quyết đã được ký ban hành ngay trong đêm để kịp thời cho Chính phủ thực hiện. Các quyết sách này nhằm tạo mọi điều kiện cho Chính phủ vững tâm trong chống dịch; cho phép Chính phủ triển khai những biện pháp chưa được quy định trong luật.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Về an sinh xã hội, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định một gói hỗ trợ bằng tiền cho người lao động thông qua việc ban hành Nghị quyết cho phép trích từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Với số tiền lên đến 30 nghìn tỷ, hỗ trợ khoảng 13 triệu người lao động đã yêu cầu hoàn thành xong trong 3 tháng. Cùng với đó, người sử dụng lao động được giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp xuống còn 0%. Ước tính có khoảng 390 nghìn doanh nghiệp được hưởng chính sách này. Nhấn mạnh đây là chính sách chưa từng có tiền lệ và rất nhân văn, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng nêu rõ, tại nhiều địa phương, các Đoàn ĐBQH đã chủ động triển khai biện pháp tích cực để hỗ trợ người dân…

Nêu lên những điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng cho biết, những khó khăn của nền kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra đang “ngấm” ngày càng sâu vào từng người dân, doanh nghiệp. Những quyết sách kịp thời của Quốc hội, Chính phủ thời gian vừa qua đã tháo gỡ một bước những khó khăn của người dân, doanh nghiệp để sớm ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng khó khăn trước mắt vẫn còn rất lớn. Do đó, đại biểu tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Quốc hội và Chính phủ tiếp tục có những giải pháp chính sách đặc biệt, đặc thù để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Cùng với đó, Chính phủ cần tăng cường triển khai các gói hỗ trợ, bảo đảm đúng đối tượng, đúng tiến độ, bởi vì nếu triển khai chậm sẽ có nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường, cùng với đó là nhiều việc làm bị mất đi.

Ảnh: Lâm Hiển

Đây là lúc nhìn lại nhiều vấn đề trong hệ thống y tế

Để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả hơn trong thời gian sắp tới, khắc phục được những hạn chế, tồn tại trong công tác phòng chống dịch, theo ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh), cần rút ra được những bài học kinh nghiệm xương máu trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua.

Theo đó, cần xem lại thực trạng hệ thống y tế cơ sở. Thực tế cho thấy, chỉ một số địa phương, nếu không muốn nói là "đếm trên đầu ngón tay" thực hiện được quy định dành 30% tổng chi ngân sách y tế cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Đó là chưa kể mức phân bổ 30% này còn rất hạn chế, chưa đáng kể nếu so với mức cần thiết, nhu cầu của người dân. "Chúng ta cần phân bổ như thế nào để đáp ứng với quy mô dân cư, chứ không chỉ phân chia về địa lý". Nêu vấn đề này, đại biểu TP. Hồ Chí Minh đề nghị, cần có quan điểm, chủ trường, chính sách xuyên suốt từ Chính phủ, chỉ đạo Bộ Y tế để có chính sách cụ thể. Vấn đề của hệ thống y tế cơ sở hiện nay không chỉ là tiền mà còn về nhân lực, cần làm sao để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao để hệ thống y tế cơ sở hoạt động tốt hơn.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng chỉ rõ, chính sách đối với hệ thống y tế cơ sở thời gian qua còn chắp vá, thường xuyên thay đổi về tổ chức. Những năm 2006 – 2007, các trung tâm y tế của các quận, huyện được chia thành ba phần: bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng và phòng y tế, dẫn đến việc có những bệnh viện chưa hoạt động hiệu quả, có những trung tâm y tế dự phòng yếu kém, còn phòng y tế chỉ làm được công việc hành chính. Hiện nay, khi tất cả các trung tâm y tế dự phòng, các bệnh viện thuộc quận, huyện trực thuộc Sở Y tế, khiến UBND các địa phương rất khó trong việc điều phối lực lượng. 

Cũng theo đại biểu TP. Hồ Chí Minh, trong đại dịch Covid-19, chúng ta đã dành nguồn lực tối đa tập trung vào phòng, chống, cứu chữa bệnh nhân mắc Covid-19 nhưng lực lượng y tế tư nhân dường như đang bị "bỏ quên". Nếu lực lượng này được huy động kịp thời, có cơ chế để tham gia phòng, chống dịch, chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả hơn rất nhiều. Cùng với đó, phải tạo điều kiện cho các nhân viên y tế, đặc biệt cho các cán bộ quản lý có cơ hội, có môi trường để phát triển về y đức. Việc nhiều cán bộ, đảng viên ngành y tế bị kỷ luật, xử lý hình sự thời gian qua đã gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành y tế. Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đây là dịp để nhìn nhận lại các vấn đề về: năng lực điều trị của hệ thống y tế hiện nay; cơ chế tài chính cho các cơ sở y tế, đơn vị sự nghiệp trong việc chi trả cho điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19; việc huy động lực lượng y tế tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch kịp thời...

Quang Khánh