Góp ý kiến dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp, hoàn thiện cơ chế giám sát

- Thứ Hai, 23/11/2020, 08:07 - Chia sẻ

                         Ts. Bùi Ngọc Thanh

                                      Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, phần “Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, xác định Quốc hội có rất nhiều nhiệm vụ trọng đại. Trong đó, có những nhiệm vụ cụ thể đối với các chức năng lập pháp và giám sát: Đổi mới quy trình lập pháp, hoàn thiện cơ chế giám sát, lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Việc định hướng cho Quốc hội những nhiệm vụ này là đúng đắn và cấp thiết, tuy văn kiện không thể diễn giải chi tiết nhưng cũng cần làm rõ trọng tâm nội hàm của mỗi nhiệm vụ.

1. Về đổi mới quy trình lập pháp

Trọng tâm của nhiệm vụ này cũng là khắc phục những bất cập, tồn tại hiện nay. Một trong những tồn tại đó là: Quy định phải chịu trách nhiệm đến cùng của mỗi chủ thể ở mỗi công đoạn trong quy trình xây dựng luật, pháp lệnh. Quy trình này gồm các công đoạn: Lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (trách nhiệm của Quốc hội); Soạn thảo luật, pháp lệnh (trách nhiệm của Chính phủ và các chủ thể khác có quyền trình dự án); Thẩm tra dự án luật, pháp lệnh (trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội); Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật (trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội); Thảo luận, tiếp thu, chỉnh lý và thông qua dự án luật, pháp lệnh (trách nhiệm của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội); Công bố luật, pháp lệnh (trách nhiệm của Chủ tịch Nước).

Các công đoạn trình dự án luật và thảo luận thông qua, rất cần được điều chỉnh lại cho chặt chẽ hơn. Từ giữa Khóa XI trở về trước, khi Ban soạn thảo trình dự án luật sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thì Ban soạn thảo sửa đổi, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và Tờ trình mới để trình lại, cứ như thế cho đến khi luật được Quốc hội thông qua. Nghĩa là Ban soạn thảo phải chịu trách nhiệm đến cùng. Cũng trong thời gian đó, cơ quan thẩm tra của Quốc hội phải theo dõi, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình bày trước Quốc hội. Thời kỳ đó, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã làm việc cật lực, nỗ lực hết sức mình. Nhưng từ giữa Khóa XI trở lại đây, khi dự án luật được trình sang Quốc hội thì sau đó gần như trách nhiệm hoàn toàn thuộc Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; cơ quan soạn thảo có phần thong thả “xả hơi”! Nghĩa là đã xuất hiện tình trạng Ban soạn thảo - cơ quan trình dự án luật, làm sao đưa được sang Quốc hội là coi như “cất được gánh nặng”. Gần đây, tình trạng này có được chấn chỉnh, củng cố lại, song mới chỉ là sự chỉ đạo và quán triệt nâng cao tinh thần trách nhiệm. Mặc dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tại đoạn hai, Khoản 2, Điều 67 đã quy định: “Trong trường hợp cơ quan chủ trì thẩm tra có ý kiến dự án, dự thảo chưa đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trả lại hồ sơ cho cơ quan trình dự án, dự thảo để tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện dự án, dự thảo”, nhưng hầu như cũng chưa thực hiện được do một chừng mực nào đó có sự nể nang. Vả lại, đó là đối với những dự án, dự thảo về cơ bản chưa đáp ứng yêu cầu mới trả lại, còn những dự án, dự thảo chỉ còn đôi ba việc chưa thật chỉn chu, thấu đáo, chỉ cần Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cộng tác đắc lực là có thể xử lý tốt thì cũng không nhất thiết phải trả lại, để rồi lại “rũ tung” ra làm lại, sẽ kéo dài quá thời hạn cho phép. Bởi vậy, chỉ cần một văn bản pháp lý (có thể là nghị quyết) ràng buộc chặt chẽ giữa cơ quan soạn thảo với cơ quan thẩm tra nói riêng, các chủ thể có quyền trình dự án luật với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói chung cho tới khi dự án, dự thảo luật được thông qua (khắc phục tình trạng “xả hơi” giữa quy trình) là được.

2. Hoàn thiện cơ chế giám sát

Trong hoạt động giám sát có 3 yếu tố quan trọng và cũng là cơ bản, đó là các chủ thể có quyền giám sát; các chủ thể bị giám sát; và hiệu lực, hiệu quả của giám sát. Có thể hiểu cơ chế giám sát chính là cách thức hoạt động, tương tác giữa chủ thể giám sát và chủ thể bị giám sát để cho ra hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát chính là cải tiến, đổi mới cách thức tương tác theo hướng tích cực giữa chủ thể giám sát và chủ thể bị giám sát để đem lại hiệu lực, hiệu quả cao hơn.

Một trong những vấn đề có tính “nguyên tắc” để bảo đảm cho hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát là phải “cá thể hóa” được trách nhiệm đến từng cá nhân chịu sự giám sát. Bản thân hình thức giám sát chất vấn và trả lời chất vấn là đã “cá thể hóa” được công việc riêng của mỗi cá nhân, nhưng nếu gộp chung đánh giá, nhận xét 3 - 4 bộ trưởng, trưởng ngành lại thì vô hình trung đã đem “tập thể hóa” kết quả của họ lại, làm cho người trả lời tốt cũng không vừa lòng, còn người trả lời kém thì “hòa đồng”, thậm chí “hòa tan” trách nhiệm, làm cho hiệu lực, hiệu quả của giám sát sẽ bị hạ thấp...

3. Lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm

Lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, đây là một trong 7 hình thức giám sát tối cao của Quốc hội (tại kỳ họp). Bản thân hình thức giám sát này đã có tính hiệu lực, hiệu quả, vì kết quả của hình thức giám sát này không phải là trách nhiệm tập thể chung chung như một số hình thức giám sát khác nữa, mà nó đã được “cá thể hóa” đến từng cá nhân, từng chức danh cụ thể (không thể dựa dẫm nhau được) nên chức danh nào cũng phải cố gắng để có nhiều phiếu tín nhiệm và tín nhiệm cao. Tuy nhiên, nếu có cơ chế tốt (chặt chẽ, hợp lý) thì hiệu lực, hiệu quả sẽ được nâng cao lên nhiều. Cơ chế đó chính là có sự so sánh sự tiến bộ của mỗi chức danh giữa thời gian trước và thời gian sau trong một nhiệm kỳ. Cơ chế này đã có trong thực tiễn và đã có trong Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28.11.2014 của Quốc hội, nay cần được tiếp tục thực hiện. Đó là, trong một nhiệm kỳ, ít nhất lấy phiếu tín nhiệm 2 lần, nhằm đạt được 4 yêu cầu, mục đích của việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm mà Nghị quyết số 85 đã chỉ rõ: Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát của Quốc hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả của bộ máy nhà nước; giúp người được lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ (góp phần chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ sau).

Nghị quyết số 85 ra đời chính là kết quả rất tích cực của hai lần lấy phiếu tín nhiệm ở nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII.

Nếu trong nhiệm kỳ chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần thì khó có thể thực hiện được 4 yêu cầu nói trên, thậm chí dễ phát sinh tiêu cực. Đó là, sau khi lấy phiếu tín nhiệm, có những chức danh “yên vị” ít nhất là từ sau lấy phiếu cho đến hết nhiệm kỳ.

Thiết nghĩ, từ nhiệm kỳ Khóa XV trở đi, Quốc hội cần thực hiện cả việc lấy phiếu tín nhiệm và cả bỏ phiếu tín nhiệm theo Điều 13 của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội cần chủ động đề xuất việc bỏ phiếu tín nhiệm khi thấy cần thiết theo Điều 13 nói trên.