Đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành đột phá chiến lược

- Thứ Tư, 23/12/2020, 06:46 - Chia sẻ
Nhấn mạnh về những định hướng ưu tiên phát triển trong giai đoạn mới, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ TRẦN VĂN TÙNG cho rằng, trong chặng đường sắp tới, ngành khoa học và công nghệ cần tiếp tục đổi mới tư duy, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường thực sự thuận lợi, giải phóng tiềm năng sáng tạo, huy động nguồn lực để phát triển mạnh mẽ, đưa KH-CN và ĐMST thực sự trở thành đột phá chiến lược góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển năng động, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững

 5 giải pháp ngành KH - CN cần tập trung

- Trên cơ sở những bài học được đúc rút từ nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đặt ra những vấn đề nào cần ưu tiên trong thời kỳ tới, thưa ông?

- Có thể nói trong giai đoạn vừa qua, khoa học - công nghệ (KH - CN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong chặng đường sắp tới, cần tiếp tục đổi mới tư duy, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường thực sự thuận lợi, giải phóng tiềm năng sáng tạo, huy động nguồn lực để phát triển mạnh mẽ, đưa KH - CN và ĐMST thực sự trở thành đột phá chiến lược góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển năng động, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững. Để thực hiện được mục tiêu này, ngành KH - CN cần chú trọng thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau đây:

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng

Thứ nhất, cần tập trung xây dựng và triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển KH - CN và ĐMST giai đoạn 2021 - 2030, và những phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với đó, tập trung thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương về phát triển KH - CN và thực hiện các chương trình hành động của Chính phủ.

Thứ hai, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp hình thành và phát triển các quỹ phát triển KH - CN tại doanh nghiệp để thúc đẩy mạnh việc đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ; thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển, viện nghiên cứu, doanh nghiệp KH - CN và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, vận hành Quỹ phát triển KH - CN tại doanh nghiệp theo hướng thông thoáng nhất.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, cơ chế tài chính trong hoạt động nghiên cứu KH - CN, để việc quản lý các nhiệm vụ KH - CN phải thật đơn giản, thông thoáng, nhanh gọn, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ tư, đổi mới mạnh mẽ cơ chế tổ chức và hoạt động của các tổ chức KH - CN công lập. Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH - CN; triển khai hiệu quả chính sách thu hút, sử dụng nhân lực KH - CN chất lượng cao, huy động được nguồn lực về nhân lực KH - CN trong nước và ngoài nước nhất là nhân lực có trình độ cao. Đồng thời, phát huy và thực hiện tốt việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của quốc gia và thúc đẩy sự liên kết, hợp tác giữa trường đại học, viện nghiên cứu và khu vực doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 

Lấy doanh nghiệp KH - CN là trung tâm

- Cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp KH - CN, hiệp hội doanh nghiệp KH - CN đã được thành lập. Ông đánh giá thế nào về vai trò của hiệp hội này, thưa ông?

- Thực tế cho thấy, doanh nghiệp KH - CN là nơi nhận chuyển giao các kết quả nghiên cứu từ các Viện, Trường đại học và của các nhà khoa học đưa vào sản xuất kinh doanh. Hiện nay, có khoảng hơn 500 doanh nghiệp KH - CN được công nhận chính thức và có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp tiềm năng chưa làm thủ tục đăng ký. Việc thành lập hiệp hội doanh nghiệp KH - CN khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp KH - CN cũng như chứng minh hiệu quả việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho khu vực doanh nghiệp.

Theo báo cáo tổng hợp năm 2019, tổng doanh thu của các doanh nghiệp KH - CN đạt trên 2,3% GDP cả nước. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp KH - CN đã kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tập trung phát triển sản phẩm mới, tìm kiếm đối tác hợp tác mới và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường trong nước. Một số doanh nghiệp đã nghiên cứu đầu tư dây chuyền sản xuất các thiết bị y tế, sản phẩm chế phẩm sinh học phục vụ công tác phòng, chống dịch như Công ty CP Sao Thái Dương đã hợp tác với các nhà khoa học để chế tạo thành công hai bộ kit phát hiện virus SARS-CoV-2; Công ty CP Công nghệ mới Nhật Hải nghiên cứu chế tạo thử nghiệm một số hợp chất nano từ thiên nhiên có khả năng ức chế SARS-CoV-2, ngăn bão hòa Cytokine và giảm khả năng đông máu, hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19...

Chúng ta cũng cần tăng cường hỗ trợ hoạt động của các Hiệp hội doanh nghiệp, đặc biệt là Hiệp hội doanh nghiệp KH - CN để tạo tác động lan tỏa và thúc đẩy sự liên kết giữa các doanh nghiệp KH - CN.

- Ông vừa nhấn mạnh việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong thời gian tới. Vậy ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?

- Việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm là nói 2 chiều. Một chiều là các viện nghiên cứu, trường đại học chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp. Chiều ngược lại là doanh nghiệp đặt hàng các vấn đề cần nghiên cứu để nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu thực hiện. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy chính doanh nghiệp hiện nay cũng đang hình thành trung tâm hoặc viện nghiên cứu và trích thu nhập của mình để hình thành quỹ phát triển KH - CN nhằm tạo nguồn tài chính chủ động đầu tư cho hoạt động KH - CN, giúp đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp như Viettel, Phenikaa, Vingroup… Đây là hướng đi đúng, giống thông lệ các nước.

Nói như vậy để thấy rằng, trong chính sách phát triển doanh nghiệp hiện nay, chúng ta đã và đang từng bước đưa KH - CN và ĐMST vào doanh nghiệp và tập trung cho nghiên cứu KH - CN và ĐMST tại doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển một cách bền vững và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Đây cũng là một trong các yếu tố đem đến sự xoay chuyển tỉ lệ đầu tư cho KH - CN trong thời gian qua, tức là trước đây đầu tư cho KH - CN từ ngân sách Nhà nước khoảng 70% và từ huy động nguồn xã hội hóa là 30%, thì nay thay đổi là 52% và 48%.

Về cơ chế, chính sách, do việc triển khai quy định về trích lập Quỹ phát triển KH - CN còn một số vướng mắc nên Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp cùng Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển KH - CN của doanh nghiệp. Mục tiêu, sử dụng, quản lý quỹ thuận lợi nhất nhưng vẫn bảo đảm đúng các quy định của Nhà nước.

- Xin cảm ơn ông!        

Hạnh Nguyên thực hiện