Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi):

Tiếp tục "gia cố” quy định về bảo hiểm vi mô

- Thứ Hai, 25/10/2021, 17:10 - Chia sẻ
Tại phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu Quốc hội tại tổ 3 (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng và các tỉnh Sơn La, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Sóc Trăng, Kiên Giang) đánh giá cao công tác chuẩn bị của Chính phủ, tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần tiếp tục “gia cố” các quy định về bảo hiểm vi mô.

Về cơ bản các đại biểu nhất trí sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh bảo hiểm để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục thực hiện cam kết quốc tế, khắc phục bất cập, vướng mắc thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế, bảo đảm hoạt động kinh doanh bảo hiểm, thị trường bảo hiểm phát triển nhanh và bền vững hơn.

Ảnh: Lâm Hiển
ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông)
Ảnh: Lâm Hiển

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát các quy định về áp dụng pháp luật để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát quy định về bảo hiểm bắt buộc, về hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm. Trong đó, nhấn mạnh hợp đồng bảo hiểm cần bảo đảm bình đẳng cho các bên tham gia, giữa bên cung cấp bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm với người mua bảo hiểm, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Các quy định về hợp đồng bảo hiểm phải thống nhất với Bộ luật Dân sự và phù hợp với đặc thù của hoạt động bảo hiểm gắn với xu thế chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Các quy định về doanh nghiệp bảo hiểm cần thống nhất với Luật Doanh nghiệp, đồng thời gắn với Đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp bảo hiểm để rà soát bảo đảm các doanh nghiệp đạt chuẩn.

ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đề nghị lưu ý quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; rà soát quy định về bảo hiểm bắt buộc để bảo đảm tính logic giữa các điều khoản, cụ thể rõ định nghĩa, nội dung.

Về bảo hiểm vi mô, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho biết, trước đây được thí điểm triển theo Nghị định số 18/2005/NĐ-CP nhưng trong hồ sơ dự án luật, báo cáo tổng kết thí điểm thực hiện bảo hiểm vi mô cũng như quy định của dự thảo Luật còn sơ sài, chưa rõ, do đó, cần phân tích đánh giá, tổng kết thực tiễn thí điểm áp dụng và đánh giá tác động quy định này. Liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Quàng Văn Hương (Sơn La) cho rằng, việc quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật là rất cần thiết, mang tính nhân văn hướng đến đối tượng yếu thế trong xã hội, bao phủ bảo hiểm rộng khắp đến các đối tượng trong xã hội được tham gia và hưởng các chính sách, quyền lợi từ bảo hiểm.

Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên, nhất trí với đại biểu Nguyễn Trường Giang, đại biểu Quàng Văn Hương cũng cho rằng, nội dung dự thảo Luật và dự thảo các văn bản hướng dẫn kèm theo về bảo hiểm vi mô còn rất sơ sài. Dự thảo có chương riêng về bảo hiểm vi mô nhưng chỉ có 2 điều và đều giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Tại dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành mới chỉ có quy định về tổ chức bảo hiểm tương hỗ, còn quy định về đối tượng, sản phẩm bảo hiểm hay tiêu chí để xác định phí đóng bảo hiểm, quy định về thành lập, hoạt động, giải thể tổ chức bảo hiểm tương hỗ cũng chưa rõ ràng. Trong khi đó, phạm vi quản lý nhà nước giao cho Bộ Tài chính mà lại không đề cập đến trách nhiệm chính quyền địa phương, trong khi đối với loại hình bảo hiểm này xác định nhóm đối tượng yếu thế cần gắn với địa bàn, tiêu chí nhất định cần được phân nhóm cụ thể. Đại biểu Quàng Văn Hương cho rằng với quy định như dự thảo Luật thì rất khó hình dung được việc tổ chức thực hiện trên thực thế nào. Do đó, đại biểu đề nghị rà soát thiết kế lại quy định này, cùng với đó có đánh giá tác động cụ thể nhất là đối với các đối tượng thụ hưởng phù hợp với nhận thức, điều kiện địa bàn và điều kiện kinh tế; các quy định về điều kiện thụ hưởng bảo hiểm, giải quyết tranh chấp, sự kiện bảo hiểm, cụ thể mẫu hợp đồng, biên bản… cho nhóm đối tượng này.

Quỳnh Chi