Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thế nào?

- Thứ Tư, 21/10/2020, 04:48 - Chia sẻ
Sau phiên trù bị của Kỳ họp thứ Mười sáng qua, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) chia sẻ, bà thấy nhẹ nhõm hơn vì nội dung đánh giá kết quả thực hiện các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch Covid - 19 đã được yêu cầu bổ sung vào chương trình của kỳ họp này.

Dù chưa phải là một báo cáo độc lập mà được lồng ghép, thể hiện trong báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020 nhưng theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Quốc hội nên dành thời gian thảo luận riêng về vấn đề này, xem xét, đánh giá tổng thể, thực chất hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thời gian qua như thế nào.

Nhiều đại biểu Quốc hội khác có cùng đề xuất như vậy bởi đến thời điểm này, việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã bộc lộ nhiều vướng mắc, thậm chí không triển khai được. 

Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn do đại dịch Covid - 19 và những tác động tiêu cực của thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu gây ra từ đầu năm đến nay, các nguồn lực đều bị sụt giảm nghiêm trọng nhưng Nhà nước vẫn kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội nhằm chia sẻ gánh nặng và khó khăn với người dân, doanh nghiệp. Không quá lời khi nói rằng, một điểm rất sáng trong điều hành vĩ mô năm 2019 chính là trong hoàn cảnh đặc biệt, bất bình thường nhưng phản ứng chính sách của Nhà nước đã rất linh hoạt và đúng hướng. Đáng tiếc, khâu tổ chức thực hiện lại chưa đáp ứng được. 

Ủy ban Kinh tế, trong báo cáo thẩm tra đầy đủ gửi đến đại biểu Quốc hội, nêu nhận xét “vẫn có những khó khăn, vướng mắc trong chi trả, hỗ trợ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng và kiểm soát không để trục lợi chính sách”. Nhưng những con số được chính cơ quan này dẫn nguồn từ kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (tháng 8.2020) đã cho thấy, hiệu quả thực tế của các chính sách này thực sự rất ít ỏi. Theo đó, có đến 46% doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nhóm chính sách doanh nghiệp tiếp cận được là chính sách gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất nhưng tỷ lệ tiếp cận được cũng chỉ khoảng 40%. Nhóm chính sách về tài chính chỉ có gần 24% doanh nghiệp tiếp cận được. Tỷ lệ thấp nhất là nhóm chính sách về lao động với chỉ khoảng 6,5% các doanh nghiệp tiếp cận được.

Đại dịch Covid - 19 ngay từ giai đoạn đầu bùng phát đã khiến cộng đồng doanh nghiệp điêu đứng. Kéo theo đó là vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội... Đến hết tháng 8.2020, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh đã tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm 2019. Càng nhiều doanh nghiệp đổ vỡ thì nền kinh tế càng khó lòng chống đỡ. Không khó để trả lời những câu hỏi như vì sao việc thực hiện các chính sách hỗ trợ lại bị ách tắc bởi nó đã được phản ánh rất nhiều trên báo chí, các diễn đàn chính sách. Tuy vậy, sự tháo gỡ từ phía cơ quan quản lý nhà nước cũng vẫn rất chậm.

Nhiều ý kiến đánh giá, mục tiêu tăng trưởng GDP 6% trong năm 2021 mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo với Quốc hội là quá tham vọng. Nhưng đúng như chia sẻ của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nếu không đạt được mức tăng trưởng này thì sẽ hết sức khó khăn bởi các cân đối lớn của nền kinh tế, từ lao động, việc làm, cán cân thương mại đến thu - chi ngân sách, đầu tư... đều phụ thuộc vào cân đối “xương sống” là tăng trưởng. Vậy nên, dù có là tham vọng thì đó cũng là tham vọng rất cần thiết, rất chính đáng để từ đó, phải quyết tâm phấn đấu đạt được mức tăng trưởng cao nhất có thể. Tất nhiên, đó phải là tăng trưởng bền vững chứ không phải là tăng trưởng bằng mọi giá.

Vì thế, cùng với các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm nay và năm 2021 như đã báo cáo, Chính phủ cần rà soát những chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đã hết thời hạn hoặc chuẩn bị hết thời hạn nhưng cần kéo dài thời gian áp dụng trong năm 2021 để trình Quốc hội xem xét ngay tại kỳ họp này; bổ sung các giải pháp cụ thể để hỗ trợ phục hồi kinh tế, nhất là với những ngành, lĩnh vực quan trọng, có tác động lan tỏa, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác.
Việc Quốc hội dành thời gian thảo luận, đánh giá cụ thể những khúc mắc khiến các chính sách hỗ trợ của Nhà nước vừa qua chưa đi vào cuộc sống sẽ thúc đẩy trách nhiệm của các cơ quan thực thi trong việc chung tay tháo gỡ điểm nghẽn để thực hiện minh bạch và hiệu quả các chính sách đã có. Đồng thời cũng giúp trả lời chính xác câu hỏi cần có thêm chính sách nào để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong thời gian tới hay không? Nên hỗ trợ thế nào? Điều kiện, đối tượng hỗ trợ ra sao để doanh nghiệp và người dân tiếp cận được chính sách một cách thuận lợi nhất, nhanh nhất thay vì ngóng đợi rồi thất vọng như vừa qua. 

Quỳnh Chi